Nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 than phiền: không hiểu vì sao càng tập thể dục thì sức khỏe càng yếu.
Trường hợp của bác Lâm Thị Dung, 62 tuổi, nhà ở Q.8 là một điển hình. Bác Dung cho biết trước đây bác tập đi bộ, nhưng sau đó phải bỏ vì chân mỏi rũ rượi. Sau đó bác đã chuyển sang tập thể lực bằng cách đi xe đạp. Lần này bác bớt mỏi chân nhưng hay bị mệt và bị ù tai.
Việc đi bộ không hề đơn giản, mắt phải nhìn thẳng, dáng đi hơi hướng về phía trước, thời gian cần cho tập thể lực trong một ngày là 30 phút. Còn đối với việc bác đi xe đạp mà bị ù tai thì phải tìm hiểu thêm nguyên nhân, vì trong một số trường hợp bị cao huyết áp, tim mạch… cũng có thể gây ù tai, nhiều khả năng bác Dung tập không đúng phương pháp nên gây ra triệu chứng trên.
Rõ ràng với các bệnh nhân tiểu đường, việc tập đúng vô cùng quan trọng. Nếu tập đúng, bệnh nhân sẽ cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, đường huyết, mỡ trong máu, huyết áp, tăng nhạy cảm với insulin, kiểm soát cân nặng và giảm mô mỡ, giúp cho xương chắc khỏe, khớp linh hoạt, cơ dẻo dai, giảm nguy cơ té ngã, giúp người bệnh tự tin, giảm căng thẳng, giảm nguy cơ bệnh tim, chết đột ngột. Còn nếu tập sai, người đái tháo đường sẽ gặp nhiều nguy cơ: rối loạn về chuyển hóa, đường huyết tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng ở tim, mạch máu, mắt, thận…
Vì vẫn còn nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 thiếu thông tin về các phương pháp tập luyện, thời gian tập trong ngày… Xin giới thiệu một giáo trình tập đúng:
Các dạng tập thể lực
1. Tập tăng sức bền: có tác dụng tăng cường hoạt động tim mạch và hô hấp, cải thiện chức năng tim phổi và huyết áp. Giảm đường huyết, mỡ máu, giảm trầm cảm. Đây là loại vận động được nhiều người chọn nhất vì: dễ tập, an toàn, không cần dụng cụ, có thể tập mọi lúc, mọi nơi.
Phương pháp này gồm có hai nhóm: nhóm chịu lực như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…; Nhóm không chịu lực như bơi lội, đạp xe, tập tay… kiểu tập này phù hợp cho những bệnh nhân bị biến chứng thần kinh ngoại biên, bệnh lý xương khớp. Nên tập mỗi ngày ít nhất 30 phút và trên 5 ngày mỗi tuần. Nếu không có thời gian, có thể chia nhỏ tập nhiều buổi cũng hiệu quả, nhưng tối thiểu 10 phút mỗi buổi.
2. Tập tăng sức cơ: có tác dụng làm tăng số lượng và khối lượng tế bào cơ, tăng sức mạnh cho cơ, tăng calci cho xương, giúp ổn định đường huyết, giảm lượng mỡ trong máu, tăng dự trữ glycogen trong cơ, có thể dùng tạ, nâng vật nặng có sẵn, kéo băng thun, tập máy…
Chú ý: Tạ quá nhẹ sẽ không có tác dụng, tạ quá nặng làm tăng biến chứng đáy mắt và tim mạch. Nên tăng dần khối lượng tạ tập, nâng 8-10 lần, nghỉ, lặp lại ba lần. Nên tập ba lần mỗi tuần. Khi cơ thể đạt nhiều cơ và ít mỡ, cơ thể sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn (do cơ dùng năng lượng nhiều hơn mỡ), thậm chí hiệu quả cả ở những ngày không tập. Tập tăng sức cơ giúp làm việc nhà dễ hơn, giữ thăng bằng tốt hơn và làm cho xương chắc khỏe.
3. Tập giãn cơ: giúp cơ thể dẻo dai, giảm nguy cơ té ngã, làm tăng biên độ hoạt động của khớp, hạn chế cứng khớp. Thường là cách khởi động và thư giãn sau tập, ngừa đau cơ sau tập. Các chuyên gia về tập luyện sẽ hướng dẫn bài tập giãn cơ thích hợp cho từng bệnh nhân.