Gần 1 năm qua, bà Nguyễn Thị Hà (SN 1959, ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) phải đi làm thuê kiếm tiền trả nợ khoản vay nóng hơn 200 triệu đồng, mà bà đã cho bà Nguyễn Thị Lan (SN 1958, ở xã Đắk N’drót, huyện Đắk Mil) vay lại. Thậm chí, tiền lương của cô con gái bà đang dạy mầm non cũng phải đưa cho mẹ đóng lãi nóng hàng tháng. Trong ngôi nhà tềnh toàng của mình, bà đã bán hết những vật dụng có thể bán để lấy tiền trả nợ, trả lãi. Trước đó, từ tháng 4 - 7/2017, bà Hà đã đi vay bà con hàng xóm, vay tiền lãi nóng hàng trăm triệu đồng để cho đối tượng tên Lan vay đáo hạn ngân hàng để lấy lãi suất 30 nghìn đồng/1 triệu/ngày.
Sau nhiều lần mượn tiền cho người ta vay, hiện số tiền nợ vay hàng xóm và vay lãi nóng của bà Hà đã lên tới 220 triệu đồng. Vì thế, mỗi ngày bà Hà phải đi làm thuê, vay thêm tiền để trả lãi suất.
Cùng cảnh ngộ, từ tháng 3 - 6/2017, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1959, ở xã Đức Mạnh) đã đi vay, cắm bìa đỏ đất ở cho ngân hàng vay tiền cho bà Lan vay lại 6 lần với tổng số tiền 965 triệu đồng. Bà Lan cũng hứa sẽ trả lãi cho bà Phương 30 nghìn đồng/1 triệu/ngày cho khoản vay trên.
Để tạo lòng tin với tôi, bà Lan đã tự viết giấy vay nợ trong những lần mượn tiền của tôi và hẹn sẽ trả sau 10 - 15 ngày. Vì giữa tôi và bà Lan có quan hệ bạn bè thân thiết nên tôi mới đưa cho bà ta mượn số tiền lớn như vậy.
Một trường hợp khác, sau khi vợ chồng bà Trương Thị Bình (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) rời khỏi địa phương, nhiều người dân đã có đơn gửi đến cơ quan chức năng địa phương. Theo đơn của người dân xã Trường Xuân, tổng số tiền họ cho vợ chồng bà Bình vay lên tới gần 10 tỷ đồng.
Chị Dương Thị Thủy (ở tại thôn 5, xã Trường Xuân) cho biết: “Tôi đã vay bên ngoài rồi cho chị Bình mượn lại gần 4 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn nên vợ chồng tôi không có khả năng trả. Thời gian qua, các chủ nợ liên tục đến nhà tôi để đòi tiền khiến vợ chồng tôi rất khốn khổ”. Tương tự, chị Lê Thị Nhung (cùng ở tại thôn 5) cho hay, chị đã vay “nóng” bên ngoài 1 tỷ đồng để giúp đỡ bà Bình. Đến nay, cả gốc và lãi mà chị phải trả gần 1,8 tỷ đồng nên chị rất lo lắng.
Theo tìm hiểu của PV, trong các giao dịch vay tiền giữa người dân với bà Nguyễn Thị Lan và bà Trương Thị Bình, đa số chỉ có những giấy viết tay nhưng trong đó không hề ghi điều khoản trả nợ, lãi suất ra sao. Vì thế, cơ quan chức năng địa phương rất khó xử lý hình sự đối với việc lừa đảo vay tiền của bà Lan và bà Bình. Trung tá Nguyễn Xuân Hùng - Phó trưởng Công an huyện Đắk Mil, cho hay: Để xác định được việc các con nợ có lừa đảo người dân hay không trong giao dịch vay mượn tiền là rất khó. Vì hầu hết các giao dịch vay tiền đều là giao dịch dân sự bằng giấy viết tay, không có điều khoản ràng buộc rõ ràng. Chỉ khi nào cơ quan chức năng xác định được việc các con nợ có tiền, đến thời hạn trả nợ mà không chịu trả thì mới xử lý được con nợ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an huyện Đắk Mil cho biết hiện đã nhận được 4 đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Lan lừa đảo vay tiền tỷ của người dân địa phương. Công an huyện Đắk Mil đã nhiều lần mời bà Nguyễn Thị Lan lên làm việc nhưng bà này chưa chịu lên.