Ôm nhau khóc vì con đỗ đại học

Ôm nhau khóc vì con đỗ đại học
TP - Nghe tin con gái đỗ Học viện Tài chính (26 điểm), cả nhà bà Phạm Thị Hanh (thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) ôm nhau khóc vì mừng - lo lẫn lộn.

Nước mắt người mẹ nghèo có con đỗ đại học

Mừng & lo

Nhiều ngày nay, tin Đặng Minh Hậu con bà Hanh, ông Vệ đỗ đại học lan truyền khắp thôn Lưu Xá. Người dân vui vì có học sinh trong làng đỗ đại học điểm cao, nhưng cũng lo thay gia chủ.

“Ra ngoài đó học, mỗi tháng cũng tốn một, hai triệu đồng. Mình mẹ nó làm thì sao kiếm đủ tiền nuôi con lên thành phố” - Bà lão ngồi bên gian hàng ở chợ trong làng thở dài, nói. Bà lão bảo, nhà Hậu thuộc diện nghèo nhất làng.

Tôi tìm đường vào nhà Đặng Minh Hậu đúng lúc mẹ em – bà Phạm Thị Hanh - đang nấu cơm dưới bếp. Thấy khách đến người phụ nữ trạc 50 tuổi, dáng nhỏ bé, vội vớt nồi mướp luộc ra đĩa, quệt vệt mồ hôi, đon đả mời khách lên nhà.

Đặng Minh Hậu đan hàng cỏ tế phụ giúp mẹ kiếm tiền Ảnh: Trường Phong

Bà Phạm Thị Hanh - mẹ của Đặng Minh Hậu khóc khi kể về hoàn cảnh gia đình. Ảnh: Trường Phong

Rót cốc nước trắng cho phóng viên, bà Hanh nói về hoàn cảnh gia đình. Vừa cất tiếng, mắt bà đỏ hoe. Chồng bà - ông Đặng Văn Vệ - bị bệnh thần kinh, phải đi viện như cơm bữa.

Căn nhà cũ dột nát không ở được, cả nhà phải sang nhờ ông nội cưu mang. Hai năm trước, ông nội mất, gia đình càng thêm nghèo khó. Bà nội Hậu bị hỏng một mắt đã 30 năm nay, đau yếu liên miên, phải chăm sóc hằng ngày.

Nhắc đến Hậu, nước mắt bà Hanh lại chảy dài. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, con gái thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi, bà Hanh thường xuyên khuyên nhủ, động viên Hậu học hành. Hậu ngoan, luôn nghe lời mẹ.

“Nhà làm gì có tiền, mỗi lần con xin tiền đóng học, tôi đều phải giấu đi vay mượn hàng xóm về đưa cho cháu. Thế nó mới an tâm học hành được” - Bà Hanh nói.

Trong suốt những năm học, Hậu luôn cố gắng là học sinh giỏi của lớp, trường. Hai năm lớp 10, 11, Hậu đoạt giải ba học sinh giỏi cấp trường môn Toán, Lý. Và thành quả cao nhất là Hậu đỗ vào Học viện Tài chính với 26 điểm (Toán 8,75; Lý 7,75; Hóa 9,25).

Rửa bát thuê để có tiền đi học

Suốt thời gian mẹ tiếp chuyện phóng viên, Hậu lặng lẽ cùng em gái đan hàng cỏ tế dưới sàn nhà. Đây là công việc Hậu làm từ thuở nhỏ để phụ giúp cha mẹ. Trung bình, mỗi ngày làm thế này, Hậu cũng giúp mẹ kiếm được 20 - 30 nghìn đồng.

Chỉ đến khi đan xong đống hàng cỏ tế, thu dọn xong và mẹ gọi, Hậu mới ngồi lên ghế nói chuyện. Cô học trò nhỏ bé, gầy gò chỉ nặng 39 kg vì suy dinh dưỡng. Hậu bảo, bữa cơm bình thường chỉ có rau, dưa, thỉnh thoảng có đậu, lạc. Nhà Hậu cũng nuôi gà, vịt, tuy nhiên, những thứ đó hầu hết chỉ để bán. Mới đây nhất, trước khi đi thi đại học, mẹ Hậu thịt một con vịt cho Hậu mang ra nhà anh rể, chị gái - ở nhờ lúc đi thi.

Đặng Minh Hậu đan hàng cỏ tế phụ giúp mẹ kiếm tiền Ảnh: Trường Phong
Đặng Minh Hậu đan hàng cỏ tế phụ giúp mẹ kiếm tiền Ảnh: Trường Phong.

Hậu bảo, em có ước mơ được học nghề y, dược và đã nộp hồ sơ thi thêm trường Học viện Y dược học cổ truyền. Nhưng vì thấy đi thi làm gia đình anh chị tốn kém, vả lại, biết mình làm được bài của đợt thi khối A, có khả năng đỗ vào Học viện tài chính rồi, nên không thi nữa.

Thương mẹ nghèo khó, vất vả, từ năm lớp 3, Hậu đã cùng mẹ ra đồng, làm quen với những công việc đồng áng, cấy gặt, đan sợi cỏ tế. Đi học cùng bạn bè, cũng có nhiều lúc, Hậu cảm thấy tủi thân vì gia cảnh nghèo khó, nhưng sau đó, lại tự nhủ mình phải phấn đấu, phải học để vươn lên thoát nghèo.

Vừa rồi, Hậu đi nhập trường. Không có tiền, bà ngoại cho vay năm triệu. Hậu mang đi, nhưng chỉ đóng mất 2 triệu, còn mang về cho mẹ. Để đỡ tiền mua sắm, Hậu xin mẹ mang ba cái xoong, một chiếc chiếu từ nhà đợi hôm khai giảng sẽ mang theo.

Chưa đi học, nhưng Hậu đã tính tới chuyện đi làm thêm. Hậu tâm sự, đích nhắm tới là công việc gia sư, tuy nhiên, nếu không được, dù phải đi rửa bát thuê, em cũng sẽ làm để kiếm tiền đi học.

Mải nói chuyện, đến gần 13h, gia đình bà Hanh mới dọn cơm. Bữa cơm nhà nghèo dành cho năm người chỉ có một bát tóp mỡ khô, một đĩa mướp luộc, bát nước canh, nước mắm. Một bát nhỏ có gần chục miếng thịt là phần dành riêng cho bà nội. Trước khi ăn, bà Hanh dắt mẹ chồng đi vệ sinh. Bà bảo, mẹ chồng không ý thức được, nhiều khi bữa cơm cả nhà gián đoạn vì phải dọn cho bà.

Vừa quay trở lại mâm cơm, mấy người họ hàng, anh em kéo đến bàn chuyện đưa ông Vệ đi bệnh viện (gần đây đau ngực, phổi). Không miếng cơm vào bụng, bà Hanh lại bàn luận với mọi người. Hậu và em gái ăn vội vài miếng cơm rồi thu dọn. Bữa cơm diễn ra chỉ có thế. Vài ngày nữa, có lẽ, thời điểm Hậu nhập trường cũng là lúc bố Hậu vào bệnh viện.

Ông Trần Văn Khiêm – Phó chủ tịch xã Phú Túc cho biết, năm nay, xã này có trên 30 học sinh đỗ đại học, trong đó, có một số em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình em Đặng Minh Hậu là hộ nghèo trong xã, vẫn đang nhận được các chế độ hỗ trợ theo quy định của nhà nước.

“Xã sẽ có chế độ thưởng cho các em đỗ đại học, tuy nhiên, phần thưởng này không nhiều, thường chỉ là hỗ trợ sách vở, một chút tiền. Hàng năm, đợt khen thưởng này được tổ chức vào ngày 20 – 11”.

Trường Phong

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.