Oanh tạc cơ Tu-95MS cất cánh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt

0:00 / 0:00
0:00
Oanh tạc cơ Tu-95MS cất cánh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt
TPO - Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS hôm 5/12 đã cất cánh từ vùng Amur, Viễn Đông nước Nga, trong một hoạt động huấn luyện của lực lượng không quân tầm xa liên bang.

Phi hành đoàn Tu-95MS sẽ phải thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Viễn Đông, nơi nhiệt độ thấp và độ ẩm cao, đòi hỏi các phi công luôn phải tập trung tối đa trong mỗi lần cất cánh.

Năm 2016, Nga đã thành lập một sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng mới ở khu vực này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương, quần đảo Hawaii, đảo Guam và Nhật Bản.

Đây là sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng thứ hai trong thành phần Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. Lực lượng này được bổ sung nhiều máy bay ném bom hạng nặng, trong đó có máy bay Tu-160, Tu-95MS và nhiều máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.

Tu-95 do Cục Thiết kế Tupolev nghiên cứu thiết kế từ những năm 1950, thời kỳ cao điểm Chiến tranh Lạnh, nhằm làm đối trọng với máy bay ném bom Convair B-36 Peacemaker của Mỹ.

Tu-95 dài 49,5m, sải cánh 51,1m, cao 12,12m, trọng lượng cất cánh tối đa 188 tấn. Tu-95 có khả năng đạt tốc độ tới 925km/h và biến nó trở thành máy bay cánh quạt có tốc độ nhanh nhất thế giới.

Tu-95 có tầm bay 15.000km, trần bay lên tới 12.000m mà không cần tiếp nhiên liệu, giúp oanh tạc cơ này có thể vươn tới những mục tiêu chiến lược ở Mỹ. Tu-95 có khả năng mang 15 tấn vũ khí trong khoang thân và trên cánh.

Sau nhiều lần cải tiến và nâng cấp, phiên bản mới nhất của Tu-95 là Tu-95MS có khả năng phóng tên lửa hành trình Kh-55, tầm bắn tới 2.000-3.000km. Ở đuôi máy bay cũng được thiết kế tháp pháo 23mm tự động để phòng vệ chống máy bay tiêm kích.

Tu-95MS cùng với Tu-22M3 và Tu-160 là các chiến đấu cơ tầm xa chủ lực của Không quân Vũ trụ Nga. Tổng cộng, Không quân Nga có khoảng 120 chiếc Tu-22M3, 64 chiếc Tu-95MS và 16 chiếc Tu-160.

Những chiến đấu cơ này sẽ tiếp tục phục vụ trong biên chế quân đội Nga hết giai đoạn 2020-2030, sau đó sẽ được thay thế bởi một loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới được phát triển trong dự án PAK DA (Dự án phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga).

Theo Zvezda
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.