Oan sai ở Thủ Thiêm - Vết thương khó lành

Bà Lê Thị The (phải) và bà Phạm Thị Dung đang khiếu nại việc giải tỏa thu hồi nhà đất tại dự án KÐTM Thủ Thiêm ảnh: Huy Thịnh
Bà Lê Thị The (phải) và bà Phạm Thị Dung đang khiếu nại việc giải tỏa thu hồi nhà đất tại dự án KÐTM Thủ Thiêm ảnh: Huy Thịnh
TP - Những oan sai của người dân bị giải tỏa nhà đất tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (ÐTMTT) đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND TPHCM nhiều lần xin lỗi. Nhưng, ai đã đẩy bao người dân vào cảnh khổ đau cùng cực hơn chục năm qua vẫn chưa lộ diện và bị xử lý.  

Ngày 30/10, trở lại bán đảo Thủ Thiêm (Quận 2), trong căn nhà xập xệ, tối tăm và ẩm thấp nằm chơ vơ giữa khu đất hoang còn vết tích những bức tường bị đập phá nham nhở, bà Lê Thị The (76 tuổi, khu phố 1, phường Bình An) nhìn trân trân lên bàn thờ chồng và ba đứa con trai. Nỗi đau của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh làm người đàn bà tuổi xế chiều không còn nước mắt để khóc.

Gia đình bà The có công với cách mạng. Hai vợ chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1964. Bà vào Hội Việt kiều yêu nước Campuchia, làm giao liên rồi về Ban Binh vận Trung ương Cục (Tây Ninh). Sau giải phóng, bà The được chuyển về làm Thương nghiệp huyện Thủ Đức (nay là Quận 2, 9, Thủ Đức) làm cửa hàng trưởng, phụ trách thu tiền phà Thủ Thiêm…        

Bà The nhớ lại: “Khi TPHCM triển khai dự án Khu ĐTMTT, chồng tôi đang là Bí thư Chi bộ khu phố 1. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy trời cũng mưa dầm, sau cuộc họp chi bộ, về đến ngõ thì ổng ngã lăn ra, mắt trợn trừng, miệng méo xệch, cứng đơ không nói được câu nào. Ổng bị tai biến, sống lay lắt từ năm 2006 đến năm 2013 thì mất. Vì dự án này, một số cán bộ, đảng viên đã uất ức đột quỵ ngay tại cuộc họp. Ba đồng chí Bí thư Đảng ủy phường vì đấu tranh bảo vệ sự thật bị điều chuyển công tác”.

“Tôi rất buồn, rất đau. Từng gia đình, từng con người là những cuộc đời, số phận cụ thể. Hôm nay tôi còn nghe có người tự vẫn… Thành phố rất đau. Ðó không chỉ là nỗi đau của bà con”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 

Trên khuôn mặt sạm đen, nhăn nheo của bà lão ứa ra hai dòng nước mắt đùng đục khi nhắc đến ba đứa con trai vắn số. Bị cuốn vào vòng xoáy kiện tụng để giữ đất, giữ nhà, gia đình bà khánh kiệt. Hai người con trai mắc bệnh không có tiền chạy chữa lần lượt bỏ bà mà đi. Người con trai đầu uất ức tự vẫn, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới lên ba…  

“Năm 2016, khi đã có lệnh giữ nguyên hiện trạng chờ Chính phủ giải quyết, trong khi người dân nghiêm chỉnh chấp hành, không sửa chữa nhà thì chủ đầu tư vẫn cho xe chở đất chạy vào hẻm san lấp nền, làm lún nứt nhà. Thằng nhỏ thấy vậy chạy ra cản thì bị cả đám thanh niên xúm lại đánh, mặt mũi bầm dập, đầy máu. Công an xuống giải quyết kêu thằng nhỏ lên trụ sở lấy lời khai. Lúc trở về, nó thở dài lên giường nằm vật ra. Tưởng yên, ai ngờ sáng ra thấy thằng nhỏ treo cổ bên hiên nhà”, giọng bà The nghẹn lại.   

Sai phạm trong quá trình triển khai dự án khu ĐTMTT đã gây ra quá nhiều oan khiên. Chồng bà Phan Thị Thủy (khu phố 1) là thiếu tá công an, chỉ vì bà khiếu nại đòi lại nhà đất mà ông bị kỷ luật, uất ức treo cổ trong chính căn nhà tạm cư xập xệ...

Nỗi đau chùng xuống khi bà Phạm Thị Dung (70 tuổi) tạt qua thăm bà The sau một ngày ròng rã đi khắp nơi xin ăn. Thân hình bà Dung gầy nhẵng, cong veo với chiếc nón lá rách trên đầu như một dấu hỏi xót xa.

Bà Dung từng làm việc trong một cơ quan dược phẩm của nhà nước, tham gia chế tạo văc-xin. Thương bà đơn chiếc, cơ quan cấp cho một căn nhà trong dãy B của khu 4,3 ha. Bà Dung bị tai nạn giao thông, cắt bỏ một bên lách, phải xin nghỉ mất sức. Cứ ngỡ còn căn nhà nương náu tuổi già, vậy mà năm 2011 bà bị đẩy vào khu tạm cư sau khi căn nhà bị cưỡng chế thu hồi.

Kiểm điểm cán bộ sai phạm trong tháng 11

Liên quan đến khu tái định cư 160 ha bị “xẻ thịt”, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trước khi trình Chính phủ bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000, UBND TPHCM lại không trình bản đồ quy hoạch 1/5000. UBND TPHCM cũng không trình 160 ha tái định cư mà chỉ trình có 42ha; phần còn thiếu (hơn 113 ha) không báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ðiều đó là sai. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố thấy được trách nhiệm của thành phố qua các nhiệm kỳ và sẽ yêu cầu những cá nhân liên quan đến sai phạm phải kiểm điểm trách nhiệm trong tháng 11. Kiểm điểm xong, mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.                                                                                     Nhóm PV Ban TPHCM

MỚI - NÓNG