Cơ sở tư nhân vẫn nhận xét nghiệm
Sau khi Bộ Y tế có văn bản khuyến cáo Sở Y tế các tỉnh thành chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích nhiều cơ sở y tế công lập trên địa bàn đã tạm ngưng phương pháp xét nghiệm theo nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở y tế tư nhân đang tiếp tục thực hiện xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 theo nhu cầu. Ngày 4/10, phóng viên liên hệ với các cơ sở cung ứng dịch vụ xét nghiệm kháng thể trên địa bàn TPHCM để tìm hiểu thông tin và giá xét nghiệm.
Qua đường dây nóng, nhân viên y tế của Phòng khám Đa khoa Jio Health (39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1) cho biết, dịch vụ xét nghiệm kháng thể tại đây có mức giá là 650.000 đồng. “Có hai hình thức lấy mẫu, một là nhân viên y tế sẽ đến tận nhà lấy máu, chi phí dịch vụ là 300.000 đồng mỗi người; hai là người bệnh đến lấy máu xét nghiệm tại phòng khám nhưng phải thực hiện test nhanh COVID-19, chi phí 300.000 đồng mỗi người. Thời gian trả mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ”- nhân viên phòng khám này thông tin.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, mức giá xét nghiệm định lượng kháng thể SAR-CoV-2 là 350.000 đồng, không cần test nhanh COVID-19. Nhân viên y tế của bệnh viện cho biết, thời gian xét nghiệm và trả kết quả trung bình khoảng 2 giờ. Bệnh viện đang thực hiện xét nghiệm kháng thể cho tất cả những người có nhu cầu.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, việc xét nghiệm định lượng kháng thể là không cần thiết, phương pháp này chỉ thực hiện trong trường hợp nghiên cứu dịch tễ.
Tại khu vực lấy mẫu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, anh Nguyễn Duy Thành, ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết: “Tôi đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc- xin rồi nhưng cũng muốn đi xét nghiệm lại cho chắc ăn, nếu kháng thể cao thì đỡ lo, còn thấp thì mình chủ động các biện pháp để bảo vệ, tránh nguy cơ lây nhiễm và chờ chích mũi thứ 3”.
Điểm tập trung đông người xét nghiệm kháng thể nhất là tại Phòng khám Đa khoa Medical Diag Center (số 414-420 Cao Thắng, phường 12, quận 10). Trưa ngày 4/10 có nhiều người tập trung lấy mẫu test nhanh và xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 theo nhu cầu. Khu vực lấy mẫu của phòng khám được triển khai dã chiến ngay trên vỉa hè đường Cao Thắng. Lượng người tập trung đông. Để đảm bảo giãn cách, nhân viên bảo vệ phải mời một phần sang vỉa hè đối diện đứng chờ.
Nhân viên y tế tại phòng khám cho biết, giá dịch vụ kiểm tra kháng thể là 300.000 đồng, sẽ được trả kết quả sau khoảng 2 giờ kể từ khi lấy máu xét nghiệm. Vừa bước ra khỏi buồng cách ly của khu vực lấy mẫu, chị Lê Thị Kim Tuyến (41 tuổi) cho biết: “Khoảng 3 tháng trước, chưa kịp chích ngừa thì tôi đã bị mắc COVID-19. May mắn được điều trị khỏi bệnh, đến giờ tình trạng sức khỏe của tôi đã tạm ổn. Tôi xem thông tin được biết tại đây xét nghiệm kháng thể nên đến kiểm tra, nếu kháng thể trong người ở mức thấp, tôi sẽ đi chích ngừa vắc- xin”.
Con dao hai lưỡi
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, đa số các bệnh cổ điển được chẩn đoán bằng kháng thể sau khi mắc bệnh, những trường hợp đang có kháng thể thì thường rất khó bị nhiễm bệnh. Những người đã có kháng thể mà chưa chích ngừa thì chắc chắn người đó đã nhiễm bệnh. Theo bác sĩ Khanh trước đây, để xác định nhiều trường hợp F0 chưa được quản lý để cấp thẻ xanh COVID-19, phương pháp xét nghiệm kháng thể đã được đề cập tới. Tuy nhiên, đến nay phương án này là không cần thiết.
Hiện nay, đang có một số xu hướng dẫn tới nhu cầu xét nghiệm kháng thể của người dân. Số ít người mắc bệnh nhưng nhanh chóng tự khỏi hoặc đã điều trị khỏi đang nghi ngờ về việc bản thân họ liệu có mắc COVID-19 hay không nên muốn xét nghiệm kháng thể để nắm chắc thông tin. Một số người đã biết chắc chắn bị nhiễm, được điều trị khỏi bệnh cũng muốn đi đo kháng thể để biết lượng kháng thể có đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh trở lại hay chưa. Một số người đã chích ngừa đủ 2 mũi cũng muốn đi xét nghiệm để xem kháng thể trong người cao hay thấp nhằm chuẩn bị tâm lý chích ngừa mũi thứ 3.
Xét nghiệm kháng thể có thể trở thành “con dao hai lưỡi” những người có định lượng cao sẽ mang lại sự tự tin nhưng bên cạnh đó cũng có nguy cơ dẫn tới tâm lý chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Mặt khác, với những người có định lượng kháng thể ở mức thấp sẽ gây tâm lý bất an, lo lắng.
“Tất cả những người trong các nhóm trên đều không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm kháng thể. Kháng thể ít hay nhiều để biết nguy cơ có bị nhiễm bệnh trở lại hay không đến nay chưa có cơ sở để khẳng định. Thực tế rất nhiều người định lượng kháng thể ở mức thấp nhưng khi gặp tác nhân gây bệnh thì vọt lên rất cao bởi cơ thể đã có “trí nhớ” đối với tác nhân gây bệnh và sẵn sàng phòng vệ khi cần thiết” - BS Hữu Khanh nói.
Bộ Y tế: Chưa đủ căn cứ khoa học
Theo Bộ Y tế, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. Đến nay, việc xét nghiệm kháng thể huyết thanh chưa xác định chuẩn nồng độ nào coi là ngưỡng bảo vệ; nồng độ nào tối ưu; nồng độ nào thì sẽ nhiễm bệnh.
Do vậy để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm tìm kháng thể là chưa đủ căn cứ khoa học và chưa thật sự cần thiết. Bộ Y tế khẳng định, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên nóng vội đi xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2, không chủ quan lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) cho biết, trên thế giới chưa có quốc gia nào khuyến cáo xét nghiệm định lượng kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. “Việc xét nghiệm kháng thể thường để phục vụ công tác nghiên cứu và điều trị”, TS Thái nói.
Theo các chuyên gia dịch tễ, ngoài việc định lượng kháng thể nói chung, còn cần một xét nghiệm cao cấp hơn đánh giá kháng thể trung hòa mới phần nào đánh giá được khả năng bảo vệ khi phơi nhiễm với mầm bệnh.
Mỗi loại vắc-xin có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vắc-xin còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, do vậy, kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Việc xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ là chưa đủ căn cứ khoa học.
“Thực tế có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 không có kháng thể, hoặc không định lượng được kháng thể, nhưng phần lớn không nhiễm bệnh trong những lần phơi nhiễm tiếp theo, bởi họ đã có miễn dịch qua trung gian tế bào hoặc đã có tế bào nhớ miễn dịch của lần tấn công trước”, bác sĩ Thái giải thích.