Ô tô, xe máy 'tấn công' sân trường

Ô tô, xe máy 'tấn công' sân trường
TPO – Sau lệnh cấm tổ chức trông giữ xe tại 262 tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều bến, bãi vẫn không tuân thủ. Xe máy, ô tô "rủ nhau" tập kết ở các phố nhỏ, sân trường học.

 > Ô tô, xe máy vẫn đỗ tràn lan trên phố cấm

Bãi đỗ xe khu vực cuối đường Đinh Tiên Hoàng, giáp Hồ Gươm vẫn hoạt động bình thường
Bãi đỗ xe khu vực cuối đường Đinh Tiên Hoàng, giáp Hồ Gươm vẫn hoạt động bình thường.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, đến chiều nay, 17 – 2, nhiều bãi trông giữ xe đã tháo dỡ biển trông xe, trả lại lòng đường, vỉa hè, như khu vực trước cửa Bưu điện Hà Nội nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm); các bãi đỗ xe của Công ty bảo việt Nhân Thọ nằm trên đường Bà Triệu (Hai Bà Trưng)…

Tuy nhiên, thay vì mang xe đi gửi, nhiều người lách luật bằng cách ngồi trên xe, dừng, đỗ xe dưới lòng đường, và nhân viên của các cửa hàng ra đường giao dịch.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bãi đỗ xe tồn tại trên các phố cấm như bãi đỗ xe trước cổng Công ty Anphanam, trên đường Bà Triệu, bãi đỗ xe nằm trên cạnh hồ Hoàn Kiếm, gần đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm).

Tại điểm trông giữ xe ở gần đền Ngọc Sơn, nhân viên trông giữ xe vẫn điềm nhiên cho xe ô tô, xe máy đỗ lấn chiếm hết lòng đường, vỉa hè và thu tiền như chưa hề có lệnh cấm.

Trong khi đó, từ ngày UBND TP Hà Nội đưa ra lệnh cấm dừng đỗ, trông xe trên 262 tuyến phố, lượng xe ô tô, xe máy trong sân của một số trường học trên địa bàn tăng đột biến.

Xe đỗ tại sân trường
Xe đỗ tại sân trường học.

Cụ thể tại sân trường THPT Trưng Vương nằm trên phố Hàng Bài – Lý Thường Kiệt, trường THPT Việt Đức nằm trên phố Lý Thường Kiệt, nhiều xe máy, ô tô đỗ san sát nhau.

Tăng giá

Trong vai chủ xe đi tìm chỗ gửi, chúng tôi tìm đến bãi trông giữ xe nằm sâu trong hẻm 526, đường Hoàng Ngọc Phách (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Một nam nhân viên tại bãi giữ xe này cho biết, hiện giá trông giữ một chiếc ô tô 5 chỗ là 2 triệu đồng/tháng và hợp đồng ký 6 tháng một lần. Nếu chúng tôi muốn có chỗ gửi thì phải làm thủ tục, đóng tiền ngay trong ngày. Hiện tại, bãi giữ xe này chỉ còn đúng 2 ô.

Cũng theo nhân viên này, trước thời điểm UBND TP Hà Nội ra quyết định cấm trông giữ xe tại 262 tuyến đường, giá gửi loại xe này chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng.

Tương tự, các bãi giữ xe trên đường Đặng Tiến Đông, Chùa Láng, Hoàng Cầu… hiện đã hết chỗ để xe có mái che, chỉ còn chỗ trông giữ xe ngoài trời với giá 1,5 triệu đồng/tháng.

“Bắt đầu từ ngày 20 - 2 này, giá gửi xe bãi em sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng vì các bãi khác đều tăng cả rồi. Không tin anh đi hỏi xem. Nguyên nhân tăng giá là giờ nhiều nơi bị cấm nên hầu hết các bãi đều quá tải”, một nhân viên bãi giữ xe cho biết.

Cách đó không xa, một loạt các bãi gửi xe từ không có mái che cho tới “lộ thiên” ở khu vực đường Hoàng Cầu đều đã đồng loạt tăng giá 300.000 - 400.000 đồng/xe/tháng.

Khi chúng tôi hỏi dò, chủ bãi giữ xe trên đường Hoàng Cầu lên giọng: “Nhà em không nhận gửi xe theo tháng mà chỉ nhận trông xe theo ngày. Giá giữ xe ban ngày là 40.000 đồng, ban đêm 50.000 đồng. Nếu anh chấp nhận được giá đó thì gửi...”.

Trong khi các bãi giữ xe được cấp phép liên tục tăng giá thì các bãi giữ xe “lậu” nằm trong các ngõ nhỏ, các khu đất trống, các mặt bằng dự án chờ thi công... xuất hiện ngày một nhiều.

Xem xét cấp phép thêm

* Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô, riêng các quận nội thành có khoảng 184.000 ô tô và 2,3 triệu xe máy. Nhưng các bãi giữ xe được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được hơn 2.800 ô tô.

Chưa kể, nhiều dự án nhà cao tầng mặc dù đã có quy định phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe song hiện các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện; số còn lại vẫn tràn ra lòng đường, vỉa hè.

Để đáp úng nhu cầu gửi xe của người dân, liên ngành Giao thông và Công an thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình lãnh đạo thành phố xem xét cấp phép.

Theo Thanh Niên

Bãi đỗ xe ô tô trước cửa công ty Alphanam trên đường Bà Triệu
Bãi đỗ xe ô tô trước cửa công ty Alphanam trên đường Bà Triệu.
Một xế biển xanh ngự nửa lòng đường, nửa vỉa hè trên phố Đinh Tiên Hoàng, trước cổng tòa nhà Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội
Một xế biển xanh "ngự" nửa lòng đường, nửa vỉa hè trên phố Đinh Tiên Hoàng, trước cổng tòa nhà Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội.
Xế hộp đậu trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, trước cửa Ngân hàng VP Bank
Xế hộp đậu trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, trước cửa Ngân hàng VP Bank.
Một xế hộp đỗ dưới lòng đường Bà Triệu
Một "xế hộp" đỗ dưới lòng đường Bà Triệu.
Xế hộp đậu trên vỉa hè trước cửa ngân hàng ANZ trên đường Lê Thái Tổ
Xế hộp đậu trên vỉa hè trước cửa ngân hàng ANZ trên đường Lê Thái Tổ.
Nhiều xe máy lách luật bằng cách dừng đỗ dưới đường chờ người nhà vào Bưu điện giao dịch
Nhiều xe máy lách luật bằng cách dừng đỗ dưới đường chờ người nhà vào Bưu điện giao dịch.
Một lái xe ô tô bị lực lượng chức năng nhắc nhở vì dừng đỗ dưới lòng đường ven hồ Gươm
Một lái xe ô tô bị lực lượng chức năng nhắc nhở vì dừng đỗ dưới lòng đường ven hồ Gươm.
Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.