Ô tô bủa vây trường học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số trường học tại Hà Nội đang bị ô tô, xe máy đỗ lấn chiếm “bủa vây” gây khó khăn cho phụ huynh đưa đón con đi học mỗi ngày. Phía cơ quan quản lý trường học lo ngại tình trạng mất an toàn trong các trường hợp nguy cấp như cháy, nổ. 

Mới đây, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân Hà Nội phản ánh, mỗi ngày đưa con đến trường đều bị kẹt cứng bởi có quá nhiều ô tô, xe máy đỗ hai bên đường. “Mỗi sáng, bố con đi sớm để ăn sáng, cho con vào lớp nhưng thường xuyên bị chôn chân ở ngay sát cổng trường”, phụ huynh này nói.

Tương tự, anh Trần Văn Hoàng, có con học lớp 7 Trường THCS Thanh Xuân Trung nói, dù nhà cách trường mấy trăm mét nhưng không dám cho con đi bộ vì quá đông ô tô, xe máy. “Đường đến trường vốn rộng rãi nhưng từ lâu các phương tiện đỗ kín 2 bên đường, cộng với lượng lớn phụ huynh đưa con đi học dồn về, khiến học sinh đi bộ cũng khó khăn. Gia đình không yên tâm nên phải thay nhau đưa đón con mỗi ngày”, anh Hoàng nói.

Theo ghi nhận của PV sáng 13/3, ngõ 90 đường Nguyễn Tuân dù cắm rất nhiều biển “cấm đỗ xe” nhưng ô tô và xe máy đỗ kín 2 bên đường. Điều đáng nói, trong ngõ 90 có tới 3 trường học với hơn 4.000 học sinh gồm: Trường tiểu học Nguyễn Tuân, Trường mầm non Bình Minh, Trường THCS Thanh Xuân Trung.

Tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Tuân và Trường mầm non Bình Minh, nhà trường phải cắm nhiều biển “cấm đỗ” di động để giữ được khoảng sân trước cổng. Đặc biệt, Trường mầm non Bình Minh còn giăng dây để ngăn ô tô đỗ cổng trường.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 1

Ô tô đỗ tràn 2 bên đường vào các trường học.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, để đảm bảo đường thông, hè thoáng cho phụ huynh học sinh đưa đón con vào đầu giờ sáng, cuối giờ chiều Phòng GD&ĐT cũng đã nhiều lần có ý kiến kiến nghị với Phường Thanh Xuân Trung cử lực lượng hỗ trợ, giải quyết tình trạng xe ô tô đỗ tràn ra lòng đường. Trên thực tế, Phường đã có lực lượng hỗ trợ hướng dẫn, phân làn xe vào giờ cao điểm nhưng tình trạng xe đỗ kín đường vào cổng trường vẫn chưa được giải quyết.

“Đặc biệt, khu vực có nhiều trường học quy mô hàng nghìn học sinh, cổng trường cần phải được đảm bảo thông thoáng để học sinh được an toàn trong các tình huống khẩn cấp như cháy nổ…”, ông Hữu nói. Khu vực này có tới 3 trường học quy mô khoảng 4.000 học sinh.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 2

Mỗi ngày, phụ huynh đưa đón con cộng với xe đỗ lòng đường gây kẹt cứng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Phường Thanh Xuân Trung ông Phạm Mạnh Đạt cho biết, trên địa bàn có nhiều trường học và dự án chung cư cao tầng. Riêng ngõ 90 vừa có chung cư cao tầng vừa có tới 3 trường học rất đông học sinh.

Phường đã nắm được vấn đề nhiều xe đỗ tràn hai bên lòng đường và thường xuyên cử lực lượng công an đi tuần tra, dẹp hàng quán 2 bên đường, thông báo các chủ phương tiện không đỗ xe. Tuy nhiên, tình trạng đỗ xe lấn chiếm lòng đường vẫn tái diễn.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 3

Bất chấp biển "cấm đỗ" nhiều xe ô tô đỗ kín lòng đường.

Hiện nay, địa bàn vướng cái khó đó là dự án chung cư của chủ đầu tư chưa thực hiện bàn giao hạ tầng. Khi chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng ở khu vực, các lực lượng chỉ đi nhắc nhở không có chức năng kéo xe hay xử phạt. “Vấn đề này, Phường Thanh Xuân Trung đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và có văn bản đôn đốc để bàn giao sớm. Khi đó, phường kiến nghị cắm các biển cấm dừng đỗ và nếu các chủ xe vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, hiện nay để đảm bảo không gian, lòng đường trước cổng các nhà trường đã đưa ra giải pháp tạm thời là yêu cầu cắm biển “cấm dừng đỗ” di động.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 4

Trường học phải để biển giữ chỗ.

Ưu tiên vỉa hè cho phụ huynh đón trẻ

Ưu tiên vỉa hè để phụ huynh có chỗ chờ đón con là việc nhiều trường đang làm hiện nay. Ví dụ ở quận Ba Đình (Hà Nội) từ năm 2020 quận đã yêu cầu các trường tiểu học, THCS kẻ vạch sơn trắng, chia thành từng hàng trên vỉa hè để mỗi sáng, mỗi chiều phụ huynh đưa và chờ đón con tan học. Trong giờ học, các cổng trường cũng được yêu cầu đảm bảo thông thoáng để phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra, nhằm đảm bảo lối thoát an toàn cho học sinh.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 5

Thậm chí, trường này còn giăng dây ngăn ô tô đỗ trái phép chắn cửa ra vào của học sinh, giáo viên.

Ô tô bủa vây trường học ảnh 6

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường học “cấm” phụ huynh vào trường đón con trong khi lòng đường, vỉa hè đều chật kín xe. Đặc biệt, giờ tan tầm, cùng lúc hàng nghìn học sinh ùa ra từ cổng trường, phụ huynh phải rất chật vật mới tìm để đón được con. Chưa kể, một số học sinh nhỏ tuổi phải ra ngoài cổng trường tìm bố mẹ trong khung cảnh xe ô tô, xe máy nhốn nháo có nguy cơ mất an toàn rất cao.

Một số cổng trường còn xuất hiện tình trạng có nhóm người thường xuyên xuất hiện giữ ô tô thu phí. Tuy nhiên, khi có lực lượng công an đi kiểm tra họ sẽ biến mất.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT Quận Ba Đình cho rằng, mỗi trường học có quy mô học sinh rất lớn. Do đó, việc có không gian thông thoáng trước cổng trường là rất cần thiết. Nhiều năm nay quận yêu cầu các trường tổ chức sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh khi đưa đón học sinh trước cổng nhằm đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông. Phụ huynh cũng rất đồng tình, phấn khởi khi đưa đón con có chỗ đỗ xe để chờ đợi.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.