Đồ ăn, đồ chơi không rõ nguồn gốc trước cổng trường: Không an toàn vẫn cho trẻ dùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - 16h30 phút, khi tiếng trống vang lên, trước cổng trường Tiểu học Hà Huy Tập (thành phố Hà Tĩnh) đã xuất hiện những xe hàng rong bán đồ ăn vặt di chuyển đậu ở bên kia đường. Trên xe có nhiều món ăn vặt được các em học sinh yêu thích như xúc xích, nem rán, cá viên… Chỉ trong khoảng 10 phút, nhiều học sinh nhỏ tuổi chạy đến ríu rít vây quanh hàng chờ tới lượt mình mua.

Không nhãn mác, không hạn sử dụng

Hình ảnh nói trên không chỉ quen thuộc tại các ngôi trường ở thành phố Hà Tĩnh mà ở những vùng quê, vùng nông thôn còn nhiều mặt hàng đa dạng hơn. Dọc tuyến đường vào trung tâm xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào giờ tan tầm số lượng học sinh, phụ huynh đông đến mức tắc đường. Là vị trí có 3 điểm trường học gồm bậc Mầm non, Tiểu học, THCS nên quán ăn vặt, đồ ăn nhanh, các loại nước “mọc” lên rất nhiều. Các mẫu bánh rán được đựng tại khay; trà sữa đủ vị dâu, bạc hà, việt quất; thạch nhiều màu sắc trông rất bắt mắt nhưng có cùng điểm chung là không được ghi nhãn mác, không hạn sử dụng. Đặc biệt điều thu hút các bạn nhỏ là đồ ăn lại vô cùng rẻ, dao động từ 5-10 ngàn đồng. Đáng nói gần như những quán ăn vặt tại cổng trường đều bày bán giữa đường phố, chế biến tại chỗ, bất chấp bụi bẩn, khói xe. Thậm chí, nhiều hàng quán còn bày bán đồ ăn sát cống rãnh, mương nước... tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Đồ ăn, đồ chơi không rõ nguồn gốc trước cổng trường: Không an toàn vẫn cho trẻ dùng ảnh 1

Học sinh mua đồ ăn vặt tại các hàng quán trước cổng trường

“Biết là không an toàn, nhưng con đòi buộc phải cho ăn”, đó là cách lý giải của chị Nguyễn Thị Thuý (43 tuổi, trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) khi nói đến những thực phẩm bán trước cổng trường. Chị Thuý cho rằng, không chỉ riêng chị mà hầu như những bậc phụ huynh dù không mong muốn con em mình sử dụng những thực phẩm này nhưng đây cũng là biện pháp để làm hài lòng con trẻ.

Dọc khu vực vào trường Tiểu học Bến Thủy (thành phố Vinh, Nghệ An), chỉ có một đoạn đường ngắn nhưng có đến 3-4 hàng quán san sát nhau bán đồ dùng học tập, đồ chơi, món ăn vặt cho học sinh mọc lên. Tại đây, các loại bánh, kẹo có bao bì, màu sắc lòe loẹt nhiều vô kể. Đáng chú ý là các gói “thịt khô” được tẩm ướp gia vị, nhầy nhụa dầu mỡ có giá chỉ 2.000 đồng/gói; Những gói “tôm khô” chỉ in chữ nước ngoài, thậm chí còn không có hạn sử dụng… Tại khu vực trường Mầm non Cửa Nam xuất hiện một số mặt hàng như kẹo nổ có vị dâu, khi ăn tạo ra những tiếng nổ lụp bụp trong miệng khiến các em nhỏ thích thú.

Trên bao bì các sản phẩm này chỉ toàn chữ Trung Quốc, không thấy hạn sử dụng hay bất cứ thông tin nào rõ ràng. Những món quà vặt này được bán đồng giá 2.000 đồng. “Chúng tôi chỉ biết lấy hàng về bán thôi, chứ có biết nó được sản xuất ở đâu đâu. Cứ mặt hàng nào bán chạy thì chúng tôi lấy về…”, một người bán hàng trước cổng trường mầm non Cửa Nam phân bua.

Liên tiếp học sinh bị ngộ độc

Lãnh đạo một trường tiểu học ở Hà Tĩnh cho biết, nhà trường rất khó quản lý bởi những mặt hàng này được bày bán ngoài cổng trường. Thời điểm các em mua đồ chơi sử dụng hay ăn uống thường trước hoặc sau giờ tan trường nên không ai quản lý và cấm được, kể cả phụ huynh.

Ba năm trước, Hà Tĩnh từng có vụ 7 em học sinh trường Tiểu học ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên phải nhập viện vì có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì và xôi bán trước cổng trường. Sau sự việc, nhiều địa phương đã kiểm tra và chấn chỉnh lại việc buôn bán trước cổng trường nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Tương tự, tại trường Tiểu học Tiền Phong 1, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng xảy ra sự việc 7 học sinh nhập viện do ăn bánh mì tại một điểm bán gần trường vào tháng 1/2021. Một sự việc hy hữu khác từng diễn ra tại trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Vinh), khi 9 học sinh lớp 4 có biểu hiện đau bụng nhập viện do uống nước miễn phí từ một nhóm người phát trước cổng trường. May mắn nhà trường đã ngăn chặn và tịch thu kịp thời 183 chai nước ngọt đã không còn hạn sử dụng trước khi được tiêu thụ.

Mới đây, sự việc 6 học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (Thành phố Vinh, Nghệ An) nhập viện vì bị nghi ngộ độc khí do hít phải khí từ một đồ chơi bằng súng được mua trước cổng trường đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Sáu học sinh này nhập viện trong tình trạng khó thở, chóng mặt, có em bị co giật nhẹ. Sau vụ việc, ngành chức năng kiểm tra thì phát hiện mặt hàng mà quầy tạp hóa này bán không có nguồn gốc xuất xứ nên yêu cầu đóng cửa. Cô Phạm Thị Trường Giang - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Mao cho biết, sức khỏe của các học sinh nghi hít phải khí độc đã ổn định, không còn khó thở. Phía nhà trường đã yêu cầu các giáo viên tịch thu đồ chơi không đảm bảo nếu học sinh mang vào trường.

Một lãnh đạo trường Mầm non ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bày tỏ: “Trong trường còn dễ quản lý, còn ngoài trường thì chúng tôi không thể giám sát được”.

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm phối hợp với ngành Y tế, Giáo dục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý những trường hợp bán hàng hoá trước cổng trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, các địa phương cũng như ngành giáo dục tại Hà Tĩnh cấm bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trước cổng trường. Mấy năm nay tình trạng bán hàng rong trước cổng trường đã giảm đáng kể. “Chúng tôi phối hợp cùng ngành giáo dục, ngành y tế quán triệt, kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra cũng gặp khó khăn vì những hàng bán rong bán theo thời điểm, lưu động. Khi mình đến kiểm tra thì họ lại đi rồi. Qua kiểm tra chúng tôi đã tiêu huỷ, xử phạt nhiều trường hợp không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG