Ô tô bán chậm cuối năm

Ô tô bán chậm cuối năm
Gần Tết, nhưng khi hỏi đến hầu hết các đại lý ôtô đều mặt buồn rười rượi. Xe bán chậm, sức mua giảm khá nhiều so với tháng áp tết của những năm trước.
Ô tô bán chậm cuối năm ảnh 1
Chưa có “liệu pháp sốc” đủ mạnh khiến thị trường ôtô sôi động vào cuối năm âm lịch. Ảnh: P.K

Sức mua áp tết sa sút

Ông Phạm Ngọc Thân - Tổng GĐ Bến Thành Ford - nhận định: “Sức mua dịp cuối năm của năm nay giảm khoảng 10% so với năm trước”. Đó là so sánh về sức mua năm âm lịch; chứ về năm dương lịch, thị trường ôtô sụt giảm rõ rệt thông qua những con số.

Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2010, doanh số bán xe của VAMA đạt 99.789 chiếc - giảm 4.446 chiếc so với cùng kỳ năm 2009 và kém tới gần 20.000 chiếc so với doanh số của cả năm này. Doanh số tháng 12 có khả năng tăng cao. Theo Ford VN, tháng 12.2010 hãng này đã bán được 885 xe - là tháng đạt doanh số cao nhất trong năm - tăng 29% so với tháng 11 trước đó.

Lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong hai tháng 11 và 12.2010 cũng tăng khá. Tuy nhiên theo nhiều đại lý, cho dù sức mua trong tháng 12.2010 có tăng cũng khó lấp đầy khoảng cách gần 20.000 xe kể trên. Còn nhìn chung, lượng ôtô nguyên chiếc NK năm 2010 đạt 53.100 xe vẫn giảm hơn năm 2009 34,1%, về kim ngạch giảm 24,4%.

Không còn cảnh người mua phải xếp hàng chờ nhận xe dịp áp Tết. Cũng chẳng thấy các ngân hàng sốt sắng đi rao cho vay mua ôtô như dạo đầu và giữa năm 2010. Ngay cả chính sách giảm thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1 - 1 - 2011 giúp cho một số dòng xe giảm giá được chút ít, cũng không đủ sức kích cầu mạnh thị trường.

Do Ngân hàng thắt chặt cho vay

GĐ Cty ôtô Kim Thanh - ông Nguyễn Đình Nhu - cho rằng: “Sức mua giảm khiến thị trường trầm lắng là do ngân hàng thắt chặt cho vay mua ôtô”. Càng về cuối năm 2010 lạm phát càng tăng, các ngân hàng cũng gặp vấn đề về thanh khoản nên đã hạn chế cho vay tiêu dùng, trong đó cho vay mua ôtô bị siết trước tiên.

Ông Thân cho biết: “Nếu ngân hàng có cho vay mà lãi suất cao thì cũng ít ai dám vay để mua ôtô”. Mặt bằng lãi suất huy động công khai hiện ở mức tối đa 14%/năm, DN vay để sản xuất kinh doanh còn khó huống gì vay tiêu dùng lãi suất có khi lên đến 18%-20%, chẳng mấy người dám vay...

Ông Nhu lý giải: Nhiều năm qua, người dân mua ôtô chủ yếu bằng tiền mặt tích lũy được, vay ngân hàng để mua ít hơn, với tỉ lệ khoảng 7-3. Nhưng vài năm trở lại đây, tỉ lệ này đã thay đổi thành 6-4, thậm chí lên đến 5-5, vì vậy khi ngân hàng thắt chặt cho vay mua xe hoặc lãi suất tăng cao là ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua ôtô trên thị trường.

Cũng theo ông Nhu, trong khoảng 6 tháng qua không có những chính sách tạo “liệu pháp sốc”, khiến người tiêu dùng chạy đua mua xe để tránh một số loại thuế như những năm trước. Biểu thuế suất NK ôtô dù có giảm nhưng theo tính toán của các đại lý, mức chịu thuế của ôtô NK lại tăng lên nên giá xe trên thực tế cũng không giảm được nhiều để đủ sức kích cầu.

Một trong những tia hy vọng le lói là chủ trương tăng phí trước bạ ôtô tại Hà Nội và TPHCM lên kịch trần 20% và khả năng tăng phí cấp biển số xe lên mười lần có thể thúc đẩy người tiêu dùng khẩn trương mua xe để tránh phí cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên ông Nhu cho rằng, khó kỳ vọng điều này trở thành một “liệu pháp sốc” mạnh mẽ vì vấn đề cốt lõi để kích cầu vẫn là khoản vay từ ngân hàng, hoặc nếu có kích được sức mua thì cũng chỉ diễn ra nhỏ lẻ chứ khó trở thành làn sóng.

Theo Thẩm Hồng Thụy
Lao Động

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG