Anh bạn đồng nghiệp ở cùng khách sạn đi ngang chỗ chúng tôi đang chúi đầu ăn bữa tối vào lúc đã chuyển sang ngày mới. Chợt anh quay lại hỏi: “Có thịt heo à?”. Khi nhận được cái gật đầu xác nhận, mắt anh sáng lên, hỏi dồn: “Mua ở đâu vậy, xa không?”.
Hỏi vậy, bởi anh là đầu bếp chính của một nhóm phóng viên trú cùng khách sạn nhưng khác nhóm với chúng tôi và một vài nhóm khác. Vài ngày một lần, anh lại cưỡi olek- xe ôm, đi chợ mua đồ ăn về cho cả nhóm thay nhau nấu nướng.
Có điều, ở cái đất mà người theo đạo Hồi chiếm đại đa số này, dù đã lùng sục khắp các khu chợ bán kính 5km quanh khách sạn, anh vẫn không tìm ra nơi nào có bán thịt lợn.
Phải nói thêm một chút về chuyện tại sao đã đi công tác nước ngoài, lại là một đại hội thể thao lớn như SEA Games, mà cánh phóng viên toàn đực rựa vẫn phải dành thời gian cho việc bếp núc, công việc ở nhà gần như chẳng bao giờ họ ngó tới.
Đồ ăn ở Indonesia không dễ ăn với người Việt, nhất là những người thích trong mâm phải có đĩa rau và bát nước canh. Cái thứ đồ ăn sền sệt, cay cay, nồng nồng hương liệu riêng của người Indonesia thuận tiện cho việc ăn bốc bằng tay, không hề có bát canh đi kèm, không phải anh dân Việt nào cũng có thể ăn hằng ngày. Có anh chỉ sau bữa đầu tiên đã đi gặp Tào thừa tướng.
Và đó là lý do để một bếp ăn Việt nho nhỏ xuất hiện trong khu bếp khách sạn Onyx Residence nơi chúng tôi cư ngụ suốt thời gian diễn ra SEA Games 26.
Cũng may, bà chủ khách sạn như thấu hiểu nên cho phép sử dụng bếp khách sạn để nấu nướng, chỉ phải trả chút phí củi lửa, phục vụ. Cũng nhờ đó mà nhiều anh không phải đánh bạn trường kỳ với mỳ gói, với ruốc, vừng lạc hay đồ hộp.
Chuyện mâm cơm của chúng tôi xuất hiện món thịt thăn rim xâm xấp nước thuộc dạng hàng hiếm đó trở thành đề tài cho anh em bàn tán, chọp chẹp cả ngày sau đó.
Thực ra, món khoái khẩu của tôi phải là miếng dọi ngon kho tàu cùng với trứng do vợ chế biến. Kiểu của các bà bán xôi thịt, lạp xường ở đầu Khâm Thiên. Miếng thịt chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, vừa một miếng, không phải cắn nhỏ, đủ để cả thịt, cả mỡ cả chút bì, nếu có thêm tí sụn dính vào thì càng tuyệt.
Nhưng thôi, được miếng thịt lợn rim sau hơn nửa tháng xa nhau đã là quý hóa lắm rồi, không dám đòi hỏi hơn. Và tự thấy mình vẫn còn may mắn chán so với những anh bạn chỉ được nghe rằng từng có món thịt lợn rim khi lếch thếch trở về nhà sau một ngày lăn lộn khắp các địa điểm thi đấu.
Vậy món thịt rim đúng chất Việt đó ở đâu ra? Xin thưa, không chỉ thịt rim, mà cả cá kho riềng cũng có. Đó là nhờ cả vào sự cẩn thận, chu đáo của phu nhân một anh đồng nghiệp tới sau chúng tôi mấy hôm chuẩn bị sẵn cho chồng đi công tác xa nhà lâu ngày.
Mà sự chuẩn bị cũng đầy công phu, có lẽ đủ cho chồng và bạn bè, tất nhiên là in ít thôi, đủ dùng cho tới ngày về nước.
Này nhé, cái vali của anh bạn được dành một góc quan trọng cho những túi nilon nhỏ chừng nắm tay, bọc bên ngoài là mấy lớp giấy báo, rồi mấy vòng băng dính.
Những túi nhỏ đó xếp chồng lên nhau, trong những chiếc túi lớn hơn và đều lạnh như băng, cứng như đá. Khi tới khách sạn, anh bạn dỡ ngay những túi đó ra, cẩn thận cất vào ngăn đá tủ lạnh. Đến lúc ăn, một túi được lấy ra, cho vào lò vi sóng.
À, món thịt thăn rim xâm xấp nước đây rồi. Và chỉ một loáng, đĩa thịt chừng 3-4 lạng đã mất tăm mất tích.
Hôm sau, anh bạn xếp đồ lên đường tới Palembang. Cả nhóm tiếc hùi hụi, gạ gẫm mãi mà anh không chịu ở lại thêm ngày nào. Có điều, khi anh đã đi rồi, lúc mở ngăn đá tủ lạnh, chúng tôi thấy còn sót lại một túi nhỏ. Cá kho.
Từ Jakarta