Cuộc chiến giữa cảnh sát Mexico và các băng đảng ma túy diễn ra nóng bỏng ở Juarez - nơi nhiều y tá bị bắt cóc. |
“Hằng ngày, tôi phải thay đổi đường đi để tránh bị chú ý. Nếu chúng thấy chúng tôi mặc đồng phục thì chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu của bạo lực và bắt cóc”, nam y tá Pablo Vasquez, người làm ca đêm tại Bệnh viện A&E tại Juarez General được 6 năm, nói.
Làm việc ban đêm nghĩa là phải rời nhà khi trời đã tối - khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong thành phố. “Một năm rưỡi trước có y tá đồng nghiệp của tôi bị bắt cóc nên giờ tôi phải hết sức cẩn thận. Khi đỗ xe tại bệnh viện, chúng tôi phải quan sát kỹ xung quanh trước khi rời khỏi xe”, ông Vasquez nói.
Các bác sĩ và y tá được cho là có sức khoẻ tốt, có khả năng tài chính nên là mục tiêu bắt cóc chính ở Juarez. Nhiều người đã bị bắt để đòi tiền chuộc, thậm chí bị giết hại.
Ngoài ra, có trường hợp y tá bị bắt cóc để buộc phải chăm sóc các thành viên băng đảng bị thương trong những trận đấu súng với băng đảng cạnh tranh hoặc cảnh sát.
Từ khi cuộc chiến chống lại các băng nhóm buôn lậu ma tuý được Tổng thống Felipe Calderon phát động năm 2006, hàng trăm nhân viên y tế đã rời khỏi thành phố, khiến hơn 1/3 phòng khám và bệnh viện bị bỏ trống.
Hàng nghìn binh lính và cảnh sát liên bang nỗ lực tiêu diệt các băng nhóm tội phạm, nhưng bạo lực liên tiếp xảy ra ở khu vực dọc biên giới và Juarez là trung tâm của cuộc chiến giữa các băng nhóm tội phạm và chính quyền. Hơn 8.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng vì bạo lực liên quan ma tuý, từ khi chiến dịch truy quét bắt đầu.
Ông Pablo giải thích cho Maria, y tá đến từ Anh, về nghề y tá ở Juarez Ảnh: BBC. |
Ông Pablo nói mình không chỉ lo lắng cho sự an toàn của bản thân mà còn rất lo cho con cái, đặc biệt là các cô con gái. Trong hai thập kỷ qua, hàng trăm phụ nữ trong thành phố đã mất tích, một số bị sát hại, còn một số không bao giờ được tìm thấy.
“Hầu hết chúng tôi đều bị ảnh hưởng. Có thể không chỉ trong gia đình của mình mà hàng xóm hay những người chúng tôi biết đều bị tác động”, ông Pablo nói.
Con gái của một người hàng xóm của ông Pablo trong một lần đi tìm việc đã không bao giờ trở lại. Ước tính 96% vụ giết người ở Juarez không được điều tra đến cùng.
Chị gái đầu của ông Pablo là Trine De La Cruz vì lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình đã đồng ý để gia đình chuyển đến Mỹ vì họ có hai quốc tịch. Họ quyết định như vậy khi thấy hàng xóm bị các nhóm tội phạm bắt cóc.
Chồng và con của bà Trine đang sống với họ hàng ở biên kia biên giới, trong một ngôi làng vùng ngoại ô El Paso, một trong những địa điểm sinh sống an toàn nhất ở Mỹ.
Bà Trine, cũng là một y tá, cho biết, bà cảm thấy không thoải mái khi phải xa chồng con. “Tôi đã nghĩ đến việc rời khỏi đây, nhưng đây là công việc của tôi. Tôi đã làm được 21 năm rồi”, bà Trine chia sẻ.
Bà phải giữ kín danh tính của mình, đeo khẩu trang và che phù hiệu ghi tên khi chữa cho bệnh nhân, do cảnh sát đưa đến từ phòng giam.
Các bệnh viện được bảo vệ suốt ngày đêm bởi các lực lượng được trang bị khí hạng nặng. “Khi bạo lực nổ ra, một số tay súng xông vào bệnh viện và bắt cóc bệnh nhân. Có 6 kẻ mang súng lục và súng trường từng làm như thế. Tôi chỉ biết chạy và trốn dưới gầm bàn”, ông Pablo kể.
Cuộc chiến chống ma túy Năm 2006, Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc chiến chống lại các băng nhóm tội phạm buôn lậu ma tuý qua biên giới sang Mỹ. Ngay sau đó, 5.000 binh lính được triển khai trên các đường phố ở Juarez. Năm 2007, có 300 người bị sát hại. Con số này tăng lên hơn 3.000 vào năm 2010. Hầu hết vụ bạo lực đều liên quan cuộc chiến đẫm máu giữ băng Sialoa và các băng nhóm ma tuý ở Juarez để giành quyền kiểm soát những tuyến đường buôn lậu ma tuý sang Mỹ. Năm 2012, Tổng thống Calderon nói rằng, các vụ giết người ở Juarez đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2010, nhờ thành phố tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, bạo lực giảm nghĩa là băng Sinaloa đã thắng thế. |
Gia Tùng
Theo BBC