Ở nơi tiêm chủng mong ngày nắng

Giám sát triển khai Chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cùng đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: Hằng Nga.
Giám sát triển khai Chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cùng đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: Hằng Nga.
TPO - Để có tỷ lệ của toàn quốc là 97% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ và phòng được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, phải tổ chức nhiều điểm tiêm ngoại trạm vất vả, chọn tiêm vào ngày nắng vì vào ngày mưa, không thể di chuyển trên đường rừng núi lầy lội.

Bác sỹ Nguyễn Thị San, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng Sơn La, đã có khoảng 20 năm gắn bó với tiêm chủng mở rộng. Những ngày đầu được phân công làm nhiệm vụ thống kê tiêm chủng mở rộng, chị không mường tượng được công tác tiêm chủng mở rộng lại nhiều khó khăn đến thế.

Địa bàn rộng, giao thông đi lại rất khó khăn, dân cư thưa thớt nên việc triển khai tiêm chủng tại cơ sở gặp nhiều trở ngại, điểm tiêm chủng lưu động ngoài trạm nhiều và nhiều điểm tiêm chủng cán bộ y tế phải đi bộ đến điểm tiêm chủng mất hàng ngày đường, nhiều bản không được thực hiện tiêm chủng thường xuyên hằng tháng đặc biệt vào các tháng mùa mưa.

“Chúng tôi chỉ còn cách khắc phục là tổ chức nhiều điểm tiêm chủng ngoài trạm, tiêm chủng nhiều ngày trong tháng mặc dù số lượng trẻ không nhiều, đặc biệt vào những tháng mùa mưa phải chọn... ngày nắng mới tổ chức tiêm chủng”, bác sỹ San kể.

Ở nơi tiêm chủng mong ngày nắng ảnh 1

Đường đến điểm tiêm chủng tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hằng Nga.

Trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là các bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, việc vận động các gia đình đưa con cháu đi tiêm chủng rất khó khăn. Người dân quen hơn với việc “cúng ma” và đổ tại trời nếu có trẻ em bị ốm.

Mỗi ngày tiêm chủng, các cán bộ y tế lại vượt rừng vào bản, gặp các trưởng bản, người già trong bản để vận động trước, rồi mới vận động các bậc bố mẹ và người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng. Nhờ những biện pháp này, dù có nhiều địa bàn khó, vùng núi, vùng “lõm” tiêm chủng, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi toàn tỉnh của Sơn La luôn năm sau cao hơn năm trước và năm 2015 đạt trên 96%.

Tiến tới loại trừ bệnh sởi

Theo bác sỹ San, Sơn La đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh ở quy mô huyện năm 2005 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi như mục tiêu chung toàn quốc sau 2018. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đã giảm rất mạnh.

Có kết quả này là nhờ nỗ lực của tiêm chủng mở rộng, khi tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 đạt trung bình trên 94%. Các chiến dịch tiêm ngừa như OPV, sởi-rubella đều được tiến hành đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. “Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục được đặt là nhiệm vụ y tế ưu tiên trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh”, bác sỹ San cho biết.

MỚI - NÓNG