Ở nơi có sáu mùa

Cô giáo A Vô Thị Ngôn và lớp học trong nhà Gươl ở thôn Chà Nốc
Cô giáo A Vô Thị Ngôn và lớp học trong nhà Gươl ở thôn Chà Nốc
TP - “Bất đáo khu 7 phi hảo hán” – đó là lời dân gian truyền từ lâu, thời còn huyện Hiên (tỉnh Quảng Nam - nay đã chia hai).

> Chờ ngày điện sáng Gary

Chúng tôi lên “khu 7” – nay thuộc huyện Tây Giang, sát biên giới Việt- Lào. Nơi đây đa số là đồng bào Cơ tu sinh sống, với những câu chuyện đời thường ít được biết.

Chăm học, thèm học

Cô giáo A Vô Thị Ngôn và đám trẻ mẫu giáo trong nhà Gươl khá bất ngờ nhìn khách lạ. Chút ánh sáng sót lại từ ngọn núi Tà Xiên, cố len vào vách nhà Gươl, heo hắt chiếu vào những trang giấy ngoằn ngoèo chữ.

Thiếu trường, nên nhà Gươl thành chỗ cho các cháu ê a học bài. Những ánh nhìn trong như con nước đầu nguồn, da đen xạm vì mưa nắng. Cô giáo bảo, không đứa nào nghỉ học đâu.

Tôi đang ở thôn Chà Nốc xã Ch’ơm. Chà Nốc theo tiếng Cơ tu là ngọn núi, là nóc nhà. Đây là thôn cuối cùng của Tây Giang, sát biên giới Việt- Lào. Bản vắng ngắt. Bà con đi rẫy chưa về.

Chuối mọc um tùm, như trùm kín mọi nóc nhà. Tôi hỏi anh Sơn, sĩ quan biên phòng, thì được biết, ở đây có chừng 400 khẩu.

Cách biệt quá, nên bà con tự cấp tự túc, lấy chuối, bắp sắn là cây lương thực chính, tất nhiên là có lúa nước. Họ không tiêu tiền và không có nhu cầu dùng tiền. Nhưng, ở đây đã có người học đến thạc sĩ đấy, là thầy giáo A Lăng Bên.

Lên Tây Giang lần này, lại biết thêm, cán bộ chủ chốt 4 xã khu 7 đều đã học đại học. Với vùng xuôi, đó là chuyện thường, nhưng miền núi, đến bây giờ mà còn chấp nhận cái cảnh chủ tịch, bí thư xã chỉ biết đọc biết viết, là hỏng ngay, làm lãnh đạo mà trí óc mờ mịt thì sao vận hành cỗ máy cho nó chuyển động đúng hướng và tịnh tiến được.

Tôi có mấy phút trò chuyện vội vàng với Briu Hết, một thanh niên ở thôn Trú. Hết nói: “Tụi em ở đây thèm được đi học nhiều, nhưng chỉ đến lớp 9 là nhiều đứa phải nghỉ vì điều kiện gia đình khó khăn”.

Tôi đọc trong mắt Hết sự tiếc nuối như cây rừng trầm mặc. Không được học lên nữa, không đi ra khỏi làng để mở mang đầu óc, sẽ không cơ hội nào mở ra cho em, rồi cuối cùng chấp nhận lấy vợ sớm, vác rựa lên rẫy, uống rượu và hóa lão bên bếp nhà sàn.

Tối, tôi hỏi anh Briu Hơi - phó chủ tịch HĐND xã, cái bản Chà Nốc chênh vênh ấy, nhưng sao mà khá thế? Anh đáp rằng, ở đó bà con giỏi đôi bàn tay lắm, đất đai màu mỡ, bằng phẳng, nên không lo đói.

Còn học hành, thì cha mẹ và xã rất quan tâm. Hôm qua, tôi ở lại đêm tại thôn Trú cách đó không xa, khoảng 7 giờ tối bỗng nghe vang tiếng kẻng, thầm nghĩ chắc kẻng mời bà con đi họp khi có đoàn công tác lên rồi. Nhưng lạ là chủ nhà vẫn điềm nhiên ngồi kể chuyện.

Tôi thắc mắc: “Kẻng gì thế?”. “À, kẻng nhắc học sinh học bài đấy. Tối nào cũng đánh kẻng” - Briu Đươm, chủ nhà trả lời. “Thế nó lười không học thì sao?”.

“Đâu có được. Thôn phân công người đi kiểm tra, đứa nào không học thì chúng nó và bố mẹ chúng nó sẽ bị nhắc nhở ngay, nhiều lần như thế là sẽ bị già làng quở trách, ra họp làng sẽ bị bà con phê phán”.

Nhiều năm đi núi, hằn lên trong tôi câu hỏi như vết dao chém vào cây rừng, là sao đồng bào cứ đói nghèo mãi thế? Dân trí vùng cao bây giờ bảo quá thấp, là không đúng nữa. Dẫu rằng, không thể căn cứ vào con số báo cáo thành tích xóa mù, phổ cập, mà lấy làm vui.

Nhưng thực tế, trải qua nhiều thế hệ, những chủ nhân của núi rừng bây giờ đa số là biết chữ, đầu óc họ không còn dừng lại ở chỗ chỉ nghĩ việc săn bắn hái lượm nữa rồi, thế nhưng sao cứ quẩn quanh với ăn cái mặc?

Không đói, nhưng tiền hiếm lắm

Thôn A Roi xã Gary Ảnh: Lê Trung Việt
Thôn A Roi xã Gary.  Ảnh: Lê Trung Việt.
 

Ngồi ở nhà bí thư xã Ch’ơm là Riah Đươm, tôi hỏi chị Zơ Râm thị Đây - vợ bí thư chuyện này. Chị bảo, như nhà mình này, hết gạo mới rồi, giờ đang ăn lúa rẫy cũ, chờ đến tháng 6 mới có lúa mới.

Hết lúa cũ thì ăn sắn, ăn bắp. Không đói đâu, nhưng đồng tiền thì hiếm lắm. Ở đây, sắn là cây chiến lược. Chở xuống dưới A Xan bán, thương lái ép từ 3.000 xuống còn 1.500 đồng/kg, bắp cũng chỉ 5.000 đồng/kg.

Anh Phạm A - phó chủ tịch huyện giải thích rằng, huyện chưa lo được đầu ra, hơn nữa, bà con làm theo thời vụ thất thường, nên đành chịu thôi.

Tây Giang là huyện đứng đầu bảng về làm lúa nước của các huyện miền núi trong tỉnh, hiện đã có 450 ha diện tích lúa nước, và nếu tiếp tục khai hoang, thì con số sẽ lên 1.200 ha.

Tôi đi Tr’Hy, lên A Xan, Ga Ry rồi Ch’ơm, ngất ngây trước những ruộng lúa nước nằm giăng mình dưới thung lũng như những chiếc võng xanh đong đưa, như là câu khẳng định lâu lắc rồi, là kinh nghiệm và kỹ thuật làm lúa nước, chẳng xa lạ gì, và như thế, bà con không đói vì thiếu lương thực.

Lãnh đạo huyện cũng thường nói rằng, mùa mưa bão phải tắc đường lên khu 7 thời gian một tháng trở lên mới đáng lo. Có nơi thôn A Grih, bà con còn bán gạo lại cho bộ đội biên phòng.

Nhưng, không sợ đói thì cũng không phải và càng không đúng trong mục tiêu phát triển, ít ra trong thời điểm này. Lúa nước ở rừng, không phải là bài toán chiến lược. Làm sao ở rừng, mà giàu được từ rừng, mới là căn cơ đúng. Lúc đi lẫn lúc về, tôi mấy lần căn vặn bí thư huyện ủy Briu Liếc về chuyện này.

Anh Liếc từng xuất hiện trên Tiền phong Chủ nhật với tư cách là nhân vật chủ tịch huyện tại Quảng Nam nhưng đi bộ nhiều nhất nước, rồi là chủ tịch huyện mà bỏ công sức ra viết cuốn sách về tiếng thông dụng Cơ tu - Kinh và Văn hóa làng Cơ tu, đem dạy phổ cập cho cán bộ người Kinh ở huyện và các vùng lân cận nơi có đồng bào Cơ tu sinh sống.

Cây sâm thử nghiệm thành công ở Ch’ơm Ảnh: Lê Trung Việt
Cây sâm thử nghiệm thành công ở Ch’ơm Ảnh: Lê Trung Việt.

Tôi đã vào vườn sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm ở thôn D’rược, xã Ch’ơm. Cây sâm ở đây được 7 năm tuổi, đem đi kiểm nghiệm chất lượng so với sâm Ngọc Linh bên Nam Trà My, thì như nhau.

Một tín hiệu đáng mừng để huyện xác định chắc chắn đây là cây xóa đói giảm nghèo. Nhưng tôi cảnh báo anh Liếc, rằng Nam Trà My đấy, bao nhiêu năm huyện kêu trời, rằng, sâm quý và đắt thật, nhưng là của tỉnh, còn huyện chẳng được gì ngoài việc thỉnh thoảng công an phải vào cuộc điều tra mất sâm, rồi xã Trà Linh thủ phủ của sâm nhưng có hơn 65 % hộ đói nghèo.

Cán bộ Tây Giang thì nói, đâu có được, cây sâm này là chủ trương di thực của huyện! Bí thư Liếc kể: Anh ra đến Tây Bắc, đem giống thảo quả và táo mèo về thử nghiệm. Hôm ở xã A Xan, lãnh đạo cho hay, thảo quả phát triển tốt 99%, sâm thì bình thường, còn táo mèo thì chưa biết thử nghiệm thế nào vì không rõ đất đai thổ nhưỡng.

Bừng lên trong tôi câu hỏi: Cán bộ kỹ thuật ở đâu mà không giúp dân, giúp xã. Huyện thiếu và yếu cán bộ, thì cán bộ tỉnh đâu?

Tỉnh ở đâu, là câu hỏi lớn mấy mươi năm qua. Không phải tỉnh bỏ mặc huyện, nhưng kỹ thuật - cái cần thiết như hơi thở, như cơm ăn nước uống cho bà con, để có thể xác định được, trồng cây gì, nuôi con gì là được ở miền núi, thì đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.

Một cán bộ tỉnh thở dài ngao ngán, rằng: lật lại tất cả những dự án liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp miền núi, khi dự án kết thúc, có ai đứng ra chủ trì họp, phân tích kết quả, nguyên nhân một cách nghiêm túc và trách nhiệm, rằng ta làm như thế là thất bại, phải làm khác đi; hoặc làm như thế là đúng, phải nhân rộng ra? Có bao nhiêu dự án, xong rồi là thôi, tiêu hết tiền, là hết chuyện?

Có tiền thì làm, không tiền thì thôi? Bao nhiêu nghị quyết, họp hành về miền núi rồi cũng trôi tuột như những hố thẳm đại ngàn. Miền núi của tỉnh có một lợi thế rất lớn bên cạnh cây lâm nghiệp, chính là dược liệu, nhưng bao nhiêu năm rồi, có động tĩnh gì về chuyện này đâu.

Bí thư Liếc nói: “Mình làm thử nghiệm, như cá tầm chẳng hạn, đưa lên đây nuôi, có ông dưới xuôi còn nói là làm bậy! Không thử thì sao mà biết được - mất. Huyện không ngồi chờ đâu, dân mình thì mình phải lo. Các anh bảo lo miền núi đói nghèo, thì các anh giúp đi, cách nào?”.

Xa xôi cách trở

Tây Giang cũng đang sắp xếp lại dân cư, thực hiện nghị quyết trung ương về nông thôn mới, đã sắp xếp 46/70 thôn.

Tôi lội vào thôn A Chia, còn lại là thôn Vòong 2, gọi thì thế nhưng không phải thế, nó vẫn thuộc thôn Vòong 1 xã Tr’Hy, nhưng cách đến 5 km, sinh hoạt hội hè đều phải về đó, bởi giấy tờ xin tách ra làm 2 thôn đã 7 năm rồi nhưng không được.

Khổ nhất là trẻ con đi học xa xôi. Lí do không tách được là thiếu ngân sách trả lương cho cán bộ thôn, nên tỉnh dừng lại. Phong quang, sạch sẽ, ngăn nắp, nhưng quạnh quẽ buồn.

Tôi hỏi anh Liếc: “Nông thôn mới miền núi Tây Giang, có gì đặc biệt khi thực hiện?”. Anh đáp: “Tôi yêu cầu khi thực hiện, là anh phải đăng ký hộ, thôn không xin cứu đói. Làm gì mà mới mưa bão là la lên. Được như thế thì làm”.

Câu chuyện chủ trương chính sách từ trên xuống, đâu có như một công thức toán, cứ thế mà làm. Nóng nhất hiện nay ở miền núi là chuyện thực hiện nghị quyết 30A.

Thực tế tại Tây Giang đang nổi lên một vấn đề bộc lộ sự bất hợp lý từ chủ trương của trung ương, là chia tiền xuống tận hộ. Người miền núi tại Quảng Nam, nhất là người Cơ tu, sống cố kết chặt chẽ với nhau theo cộng đồng làng.

Tiền trồng rừng, giữ rừng, là phải đưa về cộng đồng làng quản, vì rừng là cộng đồng làng biết, là tài sản chung của cả cộng đồng, còn riêng biệt mỗi gia đình, rồi nhóm hộ không biết rừng nào là của mình đâu, nên giao tiền cho họ, có ngăn được phá rừng?

Còn nếu đưa tiền đến tận hộ, nhưng với điều kiện phải cắm mốc, thì tiền đâu để làm chuyện này? Bó tay. Một lần nữa, tôi không nén được tiếng thở dài.

Những người làm nghị quyết về kinh tế miền núi, theo tôi, là phải am hiểu văn hóa miền núi, mà phải am hiểu thật sâu sắc, chứ không phải ngồi phòng lạnh, nhìn bản đồ rồi vẽ vời ra, thì mới làm được, còn cứ nghĩ có cục tiền, chia năm xẻ bảy ném ra đó, rồi cuối cùng tiền cũng bay mất như những cơn gió rừng…

Xe đang chạy trong nắng xuân muôn nơi, qua cua, thoắt, hanh hao rồi sẫm tối, sương mù la đà, se lạnh. “Ở đây có 6 mùa đấy”. Giọng anh Liếc vang lên. “Thì bạn thấy đó, cùng trên một đoạn đường, lúc như mùa thu, lúc như mùa đông, mà ta đang ở mùa xuân, thì chẳng phải 6 mùa ư”.

Tôi nhìn những bản làng thấp thoáng trong sương và mây, những mái nhà tôn xanh như những chiếc nấm xanh rùng mình thở rồi bay lơ lửng trong mây mù. “Bất đáo khu 7 phi hảo hán”.

Lời truyền miệng này có từ thuở huyện Hiên bởi đường xa hiểm trở trùng trùng, đến bây giờ xem ra đã bị xếp vào ký ức rồi, vì đường ô tô đã đến tận thôn, xã giáp biên. Nhưng để có được sự thay đổi lớn lao về giao thông này, phải tốn gần 35 năm đấy. Vậy thì, cái sự phú quý giàu sang, phải tốn bao nhiêu năm mới đáo đến đây?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG