Ở nơi chưa hẹn ngày về

Bác sĩ Linh (bên phải) và đồng nghiệp thăm khám bệnh nhân COVID-19 nặng
Bác sĩ Linh (bên phải) và đồng nghiệp thăm khám bệnh nhân COVID-19 nặng
TP - Trận chiến với COVID-19 còn dài và ngày về với gia đình của bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn xa ngái. Anh có biệt danh “Bác sĩ 91” từ ngày trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh mắc COVID-19.  

Hôm ấy, một ngày hè nóng nực, nhưng sự cấp bách của dịch bệnh còn thiêu đốt hơn nhiều, Ban Giám đốc và đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức một buổi chia tay nho nhỏ dành cho ekip đầu tiên gồm 3 bác sĩ được cử chi viện cho Đà Nẵng. Anh nhớ lại: “Không khí ấy giống như những người lính sắp lên đường hành quân. Chúng tôi bảo nhau mà thực ra là động viên nhau mới đúng, mỗi người cố gắng làm đúng quy trình về phòng hộ, nguyên tắc lúc thực thi nhiệm vụ và quan trọng nhất là phía sau mình còn rất nhiều người. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Ban Giám đốc hay các phòng ban thường tới nhà động viên gia đình vợ con, nên chúng tôi cũng cảm thấy rất ấm lòng”.

Ngày nhận nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại Đà Nẵng, bác sĩ Linh không hề cân nhắc mà nhận lời ngay. Tại đơn vị Hồi sức cấp cứu vừa được các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy giúp thiết lập tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, bác sĩ Linh chia sẻ: “Tôi chưa cầm súng ra chiến trường nhưng trận chiến hiện tại phải thắng”.

Ngay từ ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, anh cùng đồng nghiệp được chi viện và ngay lập tức túc trực ngày đêm để chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Không ít đêm, lễ tân khách sạn giật mình thấy bóng dáng bác sĩ Linh đi vút qua tầm 2-3 giờ sáng. Ấy là lúc anh vội vã đến bệnh viện cấp cứu ca bệnh nặng nguy kịch. Từng kinh qua nhiều trận chiến không tiếng súng, đơn cử như vụ sập cầu Cần Thơ làm chết hơn 50 người, nhưng với bác sĩ 91, kẻ thù mang tên COVID-19 nguy hiểm và bí ẩn hơn. Anh mang tâm thế vào trận với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hơn cả với quyết tâm bằng mọi giá phải giữ lấy sinh mệnh người bệnh.

Ngày chia tay gia đình đi nhận nhiệm vụ khẩn cấp, bác sĩ Linh không đặt mốc thời gian đoàn tụ. Hơn ai hết, vợ con anh hiểu người thân của mình cần chỗ dựa vững chắc nơi hậu phương, để dành toàn tâm, toàn sức chiến đấu với kẻ thù vô hình. “Chúng tôi khi lên đường ít ai đặt ra mốc thời gian trở về mà chỉ tâm niệm hai điều: gia đình và nhất định sẽ quay trở về”, bác sĩ Linh tâm sự.

Giọng anh trầm xuống nhưng dứt khoát: “Có thể tôi cũng như các đồng nghiệp của mình chấp nhận hy sinh một chút, nhưng sẽ giải quyết được rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân, cho cả cộng đồng và xã hội. Nếu tất cả đều cố gắng để dập tắt dịch thì chắc chắn những nỗ lực của chúng ta sẽ được đền đáp”.

Đợi họ phía trước luôn là những ca bệnh mà mạng sống như ngọn đèn dầu leo lét, mong manh trước gió. Bác sĩ Linh và các đồng nghiệp không chỉ cùng chung kẻ thù mà còn nương vào nhau, vượt qua những khó khăn trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Không phải không có lúc chạnh lòng nhớ nhà, nhưng anh và các nhân viên y tế đều xác định chiến thắng dịch bệnh, cứu chữa được nhiều nhất bệnh nhân rồi mới trở về.

MỚI - NÓNG