Ô nhiễm nguồn nước đe dọa hơn 20 triệu dân

Ô nhiễm nguồn nước đe dọa hơn 20 triệu dân
TP - Ngày 23/12, tại hội thảo “Cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức, Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương Phạm Danh cho biết hàng ngày có hàng triệu người dân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai cho sinh hoạt nhưng mức độ ô nhiễm trên sông này ngày càng tăng.

Cụ thể: Quan trắc gần đây cho thấy nồng độ DO trong nước sông giảm dần từ lượng lưu đến hạ lưu. Hàm lượng N-NH3 và COD tăng dần từ hạ lưu lên thượng lưu. Giá trị trung bình của chỉ số N-NH3 vượt quy chuẩn từ 1,3 đến 2,6 lần. Nước sông Đồng Nai có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và mức độ ô nhiễm tăng dần từ thượng lưu đến hạ lưu.

“Hàng ngày, sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 1,73 triệu mét khối nước thải sinh hoạt từ các khu vực dân cư và 1,54 triệu mét khối nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Cuộc sống của hơn 20 triệu người ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chắc chắn hiệu quả từ hoạt động kinh tế không thể bù đắp chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường, phục hồi chất lượng nước”, ông Danh cảnh báo.   

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thừa nhận cơ chế phối hợp toàn vùng còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Cơ chế phối hợp trong bố trí nguồn lực cũng chưa hiệu quả. Ông Thăng dẫn chứng: Chủ tịch UBND TPHCM đang là chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng không điều phối được các tỉnh trong vùng vì chưa có cơ chế ràng buộc. Địa phương nào cũng được trung ương giao nhiệm vụ, chỉ tiêu và không nơi nào chấp nhận hy sinh lợi ích của địa phương để đảm bảo lợi ích của vùng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.