Cá nuôi bè trên sông Đồng Nai chết do nước thải công nghiệp gây ô nhiễm . Ảnh: Đ.M |
Theo Sở TN&MT Đồng Nai, sông Đồng Nai đoạn qua TP. Biên Hòa đang bị ô nhiễm khá nặng bởi các chất hữu cơ, chất rắn do khu dân cư; các khu công nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trên địa bàn TP. Biên Hòa, bệnh viện thải ra.
Lượng nước thải công nghiệp hiện nay là trên 500 ngàn m3/ngày đêm. Nguồn phát sinh nước thải chủ yếu từ các ngành chế biến, dệt nhuộm, giấy... Ngoài ra, mỗi ngày đêm còn có hàng chục ngàn khối nước thải sinh hoạt từ khu vực TP Biên Hòa đổ ra sông Đồng Nai nhưng chưa được xử lý.
Kết quả từ Trung tâm Quan trắc Đồng Nai cho thấy, khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng là đoạn gần Công ty Proconco, Ajinomoto, cầu Đồng Nai và cầu Rạch Cát.
Ông Lê Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, một nguyên nhân nữa khiến nước sông bị ô nhiễm, nhiễm mặn là lượng mưa quá ít, nước từ đầu nguồn về không đủ pha loãng tẩy mặn xâm nhập.
Ông Bình đưa ra cảnh báo, nếu không có những biện pháp kịp thời thì với lượng nước thải như hiện nay, chỉ 2 - 3 năm nữa, sông Đồng Nai sẽ mất khả năng tự làm sạch.
Việc đánh giá mức độ ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã được ngành quản lý môi trường Đồng Nai kiểm tra, ghi nhận và đề ra các biện pháp xử lý, song khắc phục thì vẫn rất chậm.
Hiện mới dừng lại ở việc tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở có nguồn nước thải trực tiếp ra sông, suối. Nếu phát hiện nguồn nước thải gây ô nhiễm thì phạt hành chính và gia hạn khắc phục. Do đó, có không ít doanh nghiệp bị phạt 3 - 4 lần vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Việc di dời các nhà máy ra khỏi khu vực dân cư cũng được tiến hành quá chậm.
Nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đoạn ở khu vực TP Biên Hòa cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Đồng Nai khi mỗi ngày có hàng chục tấn thức ăn chăn nuôi cá được đổ xuống sông. Hơn nữa, thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng cá nuôi bè bị chết khiến người dân lao đao. Một cán bộ ở Chi cục thủy sản Đồng Nai cho rằng, nếu không có các vụ cá bè chết thì ai biết được tình trạng nước thải nguy hại đang đổ ra sông?
Trong khi đoạn sông qua TP Biên Hòa được đánh giá đang bị ô nhiễm với các họng xả thải của các nhà máy, các khu dân cư, chợ, bệnh viện thì cũng trên đoạn sông này là các họng lấy nước của các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho TP Biên Hòa (Đồng Nai), thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) và TPHCM.
Việc xử lý chất lượng nước nguồn cấp cho các nhà máy nước được kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên, với mức độ nguồn nước đang ô nhiễm như hiện nay, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng nước nguồn cung cấp cho các nhà máy nước cũng gia tăng. Các nhà máy nước buộc phải tăng chi phí xử lý nước, có nhà máy phải ngưng lấy nước vào một số thời điểm trong ngày khi độ mặn đã vượt ngưỡng cho phép.
Hiện nay, theo cơ quan chức năng, chỉ có thể đi ngược về phía thượng nguồn thì chất lượng nước sông Đồng Nai mới đạt tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc di dời các nhà máy nước hiện nay không đơn giản.
Mặt khác, theo công bố mới đây của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) tại dự án “Ngăn ngừa ô nhiễm nước trong hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai” thì việc sông Đồng Nai bị ô nhiễm như hiện nay là do chất thải của nhiều tỉnh, thành trong khu vực gây ra.
Các giải pháp quản lý, thực hành tốt hơn trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước đã được xác định. Tuy nhiên, giải pháp vẫn chỉ mới là... giải pháp.