Ô mai Hồng Lam dùng đường hóa học gấp 8 lần cho phép

Phát hiện ô mai có sử dụng hàm lượng đường hóa học vượt 8,3 lần mức cho phép.
Phát hiện ô mai có sử dụng hàm lượng đường hóa học vượt 8,3 lần mức cho phép.
Qua kiểm tra phát hiện loại ô mai mơ chua ngọt là sản phẩm của Công ty cổ phần Hồng Lam có hàm lượng đường hóa học (Cyclamete) vượt quá 8,3 lần chỉ tiêu công bố.

Thông tin trên vừa mới được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế công bố.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thực hiện Kế hoạch số 1066/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 30/11/2015 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và Mùa Lễ hội Xuân năm 2016, Đoàn Thanh tra, kiểm tra theo Quyết định số 5632/QĐ-BYT do Cục An toàn thực phẩm chủ trì đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, đoàn đã lấy 14 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, kết quả có 11 mẫu đạt, 03 mẫu không đạt chất lượng theo quy định.

Cụ thể, phát hiện một mẫu kim chi cải thảo cắt lát, sản phẩm của Công ty cổ phần CJ Foods Việt Nam có địa chỉ tại KCN Tân Bình (phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh) không đạt về chỉ tiêu Coliforms (1,3x102 CFU/g). Mẫu được lấy tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận trên đường Lê Thánh Tông (Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình).

Một mẫu ô mai mơ cam thảo, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát, số 07/70 tổ 2, Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội). Mẫu lấy tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận, địa chỉ Tổ 5 đường Lê Thánh Tông (Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình) không đạt về chỉ tiêu Cyclamate (Natri Cyclamate 1595 mg/kg).

Đặc biệt, quá trình kiểm tra còn phát hiện một mẫu ô mai mơ chua ngọt, NSX: 17/11/2015; HSD: 17/11/2017, sản phẩm của Công ty cổ phần Hồng Lam (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) không đạt về chỉ tiêu Saccarin và hàm lượng Cyclamate như công bố. Trong đó, hàm lượng Cyclamate còn vượt quá mức giới hạn công bố tới 8,3 lần, Saccarin vượt quá 6,5 lần công bố.

Cũng theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm mẫu ô mai mơ chua ngọt trên được lấy tại Công ty TNHH thương mại Quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long- Chi nhánh Espace Big C the Garden Mall (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Với các mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo cho cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạm dừng lưu thông lô sản phẩm vi phạm, xử lý cơ sở chịu trách nhiệm về sản phẩm theo quy định; đồng thời giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này trên địa bàn để giám sát và xử lý cơ sở vi phạm theo quy định.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, kể cả những ngày nghỉ Tết, Cục vẫn chỉ đạo Thanh tra Cục và các lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực, đôn đốc các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công bố công khai cơ sở vi phạm theo quy định, công bố kịp thời các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết nhằm lựa chọn thực phẩm an toàn.

Được biết, saccarin và Cyclamate được các nhà khoa học gọi là siêu chất tạo ngọt. Cụ thể, saccarin có độ ngọt gấp 200-700 lần đường ăn, còn Cyclamate cũng có độ ngọt 30-50 lần đường mía ăn.

Theo các chuyên gia trong ngành, bất kỳ một loại đường hóa học nào cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không dùng đúng hàm lượng cho phép. Nếu dùng đúng hàm lượng cho phép thì các hóa chất đó sẽ được cơ thể người đào thải ra ngoài. Còn dùng quá hàm lượng cho phép, cơ thể người không thể đào thải ra ngoài hết, các hóa chất còn sót lại trong cơ thể thì kiểu gì cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.