Ồ ạt xuất khẩu lợn sang Trung Quốc: Coi chừng 'dội biên' như dưa hấu

Người nuôi chớ thấy giá cao ồ ạt vào đàn tránh tình trạng “dội chợ”.
Người nuôi chớ thấy giá cao ồ ạt vào đàn tránh tình trạng “dội chợ”.
TP - Thị trường Trung Quốc đang “hút” hàng trăm xe lợn hơi từ Việt Nam mỗi ngày qua biên giới, khiến giá lợn trong nước tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, thị trường Trung Quốc chỉ “chớp nhoáng”. Người dân cần chủ động, chớ thấy giá cao mà ồ ạt vào đàn lúc này có thể dẫn đến dư hàng như dưa hấu.

Trung Quốc “hút” lợn Việt Nam

Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) – đơn vị chăn nuôi lớn nhất miền Bắc cho biết, Trung Quốc đang “hút” lợn hơi rất mạnh, nên đẩy giá lợn lên cao. Các trang trại đang xuất lợn hơi siêu nạc giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, còn giá lợn tại các công ty lớn như C.P (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) cao hơn, ở mức khoảng 52.000 đồng/kg.

Theo ông Chiến, giá lợn hơi liên tục tăng khá ổn định từ Tết tới nay. Với mức giá trên, bà con chăn nuôi đang lãi ở mức trên 1 triệu đồng/tạ. Hộ nào chủ động được con giống, có thể lãi khoảng 1,2 triệu đồng/con. Thấy lợn được giá, người dân ồ ạt vào đàn, đẩy giá lợn giống tăng cao. Ông Chiến cho biết, giá lợn giống siêu nạc đã lên tới 1,7-1,8 triệu đồng/con (loại 6-7 kg/con), cao hơn khoảng 300-400 nghìn đồng/con so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ trang trại chăn nuôi lợn Minh Phú ở Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, Trung Quốc đang nhập lợn hơi với giá 63.000-65.000 đồng/kg, cao hơn mức giá trong nước khoảng 10.000 đồng/kg. Theo ông, nhu cầu của phía Trung Quốc rất lớn, gần như có bao nhiêu nhập bấy nhiêu. Do nhu cầu gom hàng đi Trung Quốc, nên giá lợn ở phía Bắc có lúc đẩy lên đến 54.000 đồng/kg, cao hơn dịp trước Tết tới 10.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ở phía Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, do Trung Quốc hút hàng, nên giá lợn hơi cũng liên tục tăng trong các tuần qua, hiện giá ở mức 52.000 đồng/kg. Giá lợn tăng cao, khiến nhiều trang trại xuất chuồng sớm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, loại lợn thị trường Trung Quốc ưa thích có trọng lượng lớn, từ trên 120 kg/con trở lên.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá phía Trung Quốc đang mua tương đối cao, nên xuất khẩu tiểu ngạch lợn hơi sang Trung Quốc rất sôi động. Hiện mỗi ngày, có đến 300-400 xe, ngày ít cũng tới 100 xe ô tô chở lợn xuất qua biên giới (loại xe khoảng 15 tấn) sang Trung Quốc.

Nguồn lợn “hút” ra biên giới, chủ yếu đến từ các vựa lợn lớn của cả nước như Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc là Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, đây là thời điểm nguồn cung lợn Trung Quốc giảm sút và thiếu, nên họ tăng mua từ Việt Nam.

Rủi ro Trung Quốc ngừng nhập hàng

Ông Trần Văn Chiến cho rằng, Trung Quốc hút hàng ồ ạt chỉ là “chớp nhoáng”, không bền vững, vì  mua bán tiểu ngạch, không có hợp đồng. Ông cảnh báo, nếu cứ chạy theo giá của họ, bà con ồ ạt vào đàn, lớn bé, to nhỏ đều nuôi, đến lúc Trung Quốc dừng mua đột ngột, giá lợn Việt Nam “lao dốc” thì rất nguy hiểm.

“Nhìn dưa hấu, thanh long… có lúc dội biên đã lãnh hậu quả nhãn tiền. Nếu tiếp tục, chắc chắn một lúc nào đó sẽ xảy ra dư thừa. Đặc biệt, với động vật sống như heo trên 1 tạ mà dừng ở biên giới thì nguy to, nên phải hết sức thận trọng”. 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, xuất lợn hơi tiểu ngạch chẳng khác gì xuất các loại nông sản khác như dưa hấu, cần thận trọng. “Nhìn dưa hấu, thanh long… có lúc dội biên đã lãnh hậu quả nhãn tiền. Nếu tiếp tục, chắc chắn một lúc nào đó sẽ xảy ra dư thừa. Đặc biệt, với động vật sống như heo trên 1 tạ mà dừng ở biên giới thì nguy to, nên phải hết sức thận trọng”- ông Trúc nói.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho rằng: “Điều cần cảnh báo là Trung Quốc chỉ mua heo của Việt Nam thường vào mùa lạnh. Vừa rồi, do thời tiết quá lạnh, heo phía họ cũng chết nhiều, nên hụt nguồn cung, họ chỉ tăng mua nhất thời”.

Cũng theo ông Bình, Trung Quốc hiện là nước nuôi heo nhiều nhất và chiếm 60% lượng heo của thế giới. “Họ ăn nhiều thịt, nhất là thịt mỡ vào mùa lạnh. Do vậy, khi đàn heo của Trung Quốc phục hồi, lúc đó mới chết mình, không những họ không mua, còn tuồn qua nữa mới căng”- ông Bình cảnh báo.

Ông Bình phân tích: Cách bền vững nhất là người chăn nuôi phải nghĩ đến việc cạnh tranh với các nước như trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó là việc thịt heo của Mỹ, Canada, Đan Mạch… sang Việt Nam, chúng ta sẽ đối phó, tồn tại ra sao? “Chưa kể, thịt heo chúng ta đang bẩn từ dư lượng, kháng sinh, hóa chất… Khi người tiêu dùng quay sang dùng thịt đông lạnh nhập từ các nước về, thì người nuôi chỉ có “chết”. Vì chất lượng thịt, ATTP họ tốt hơn mình”- ông Bình nói.

Trước tình trạng trên, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi  khuyến cáo: Người dân không nên thấy giá cao mà vào đàn ồ ạt lúc này. Nên tính toán chu trình chăn nuôi hợp lý, để khi có bất lợi, bà con vẫn có thể bán được lợn. “Nếu vào đàn ồ ạt lúc này, đến tháng 8, 9, 10 tới mới xuất bán. Nhưng đó cũng là thời điểm mùa mưa bão ở Trung Quốc, lúc đó vận chuyển khó khăn, ngập lụt… lợn của ta không bán được sẽ thiệt hại lớn”- ông Vân nói.

Ông Vân cho biết, trước đây, do Trung Quốc thu mua thất thường nên giá lợn hơi có lúc “tụt không phanh” một lúc tới 10.000 đồng/kg, gây thiệt hại lớn. Ông nói: “Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với các tỉnh và có cảnh báo. Việc xuất khẩu tiểu ngạch không ổn định, không tuân thủ theo quy định nào cả, nên rất dễ xảy ra tình trạng thừa - thiếu; đang mua lại dừng đột ngột, giá đang cao lại cho lao xuống thấp… ảnh hưởng đến sản xuất, quá trình chu chuyển đàn lợn của các nhà sản xuất”.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, việc xuất tiểu ngạch khiến kiểm soát cũng kém, dễ lây lan các loại dịch bệnh. “Chưa kể, xuất tiểu ngạch lợn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất trong nước. Chúng tôi đã bàn với các tỉnh biên giới, để họ có tác động, giúp các doanh nghiệp nhận rõ về vấn đề này”.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.