Liên tiếp gây tai nạn
Trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt vụ việc liên quan tới loại xe tải, xe đầu kéo, nhất là “Hổ vồ” Howo gây nhức nhối dư luận ở nhiều địa phương,… Ngày 15/6, tại khu vực cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ chiếc xe tải “Hồ vồ” BKS 14C-022.63 đâm vào xe máy BKS 14T7-0632 lưu thông cùng chiều, kéo lê chiếc xe máy gần 200m, khiến hai người trên xe máy chết thảm mà lái xe và phụ xe không hay biết, phải đến khi người dân đuổi theo chiếc xe mới dừng lại.
Trước đó, ngày 31/5, tại thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một chiếc xe “Hổ vồ” khác mang biển số 38C -054.65 đang lưu thông trên quốc lộ 1A hướng Nam - Bắc với tốc độ cao bất ngờ đâm thẳng vào chiếc xe 16 chỗ ngồi biển số 29B-090.24 đỗ bên lề đường và kéo đi khoảng 10m. Sau đó xe này còn kéo sập rạp đám tang của một gia đình và đâm sập cổng nhiều nhà xung quanh làm một người bị trọng thương phải đi cấp cứu khiến hàng chục người dân hoảng loạn bỏ chạy.
Một khảo sát của lực lượng chức năng vào cuối năm 2014 chỉ ra rằng 100% xe tải “Hổ vồ” đều cơi nới thùng xe thành xe quá tải. Không chỉ gây nhiều tai nạn chết người, điều khiến dư luận bức xúc nhất là xe “Hổ vồ” đều bị coi là “hung thần” hủy diệt đường sá. Qua tìm hiểu, xe “Hổ vồ” là một trong những dòng xe tải tự đổ được nhập vào Việt Nam nhiều nhất trong gần 2 năm gần đây.
Nhiều sở giao thông địa phương phải cắt thùng nhiều xe “Hổ vồ” có chiều cao gấp 5 lần so với qui định, nhiều xe chở đầy cát ngày đêm phá đê bởi tải trọng vượt quá quy định tới 500-600%. Dòng xe này còn vi phạm qui định khi lắp săn còi hơi cỡ lớn (Tiền Phong từng phản ánh-PV). Nguyên nhân cơi nới quá đà bất chấp những quy định về an toàn chính là tác nhân khiến xe này gây tai nạn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe ô tô tải Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/7/2015 tăng đột biến qua 2 cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh với số lượng tăng gấp 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng giải thích, rằng: Việc xe tải Trung Quốc ồ ạt về nước có 2 lý do: Cơ quan chuyên môn (Bộ GTVT) siết chặt trọng tải, nên nhu cầu mua xe tải tăng cao. Ngoài ra, còn do Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2015 với thuế xuất nhập khẩu ô tô tải về 0% dẫn tới xe từ Trung Quốc về nước tăng nhanh.
Đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, ông Nguyễn Nhất Kha cho hay: Xe ô tô nói chung và xe ô tô tải Trung Quốc nói riêng nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi thông quan. “Cơ quan hải quan xem xét trên cơ sở Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do cơ quan đăng kiểm cấp để giải quyết thủ tục thông quan và xác nhận Tờ khai nguồn gốc để làm thủ tục”, ông Kha nói.
Trách nhiệm của đơn vị nào?
Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô được Thủ tướng ban hành tháng 7/2014, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc quản lý nhập khẩu và Bộ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với xe ô tô nhập khẩu. Song đến nay, 2 bộ này dường như đã quên việc thực hiện nghiêm túc chiến lược của Chính phủ, tạo ra nhiều lỗ hổng đáng tiếc.
Một thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đánh giá, quy trình đăng kiểm các loại xe nhập khẩu dễ dãi, đơn giản hơn rất nhiều so với xe lắp ráp trong nước. Việc kiểm tra xe và cấp chứng chỉ chất lượng chỉ từ 5-10 ngày tùy từng loại xe. Ngay cả động cơ, một phần quan trọng nhất của xe cũng không cần thử nghiệm.
Ngoài ra, chi phí thử nghiệm một kiểu loại xe nhập khẩu chỉ hết 12 triệu đồng. Trong khi với xe lắp ráp, sản xuất trong nước, thủ tục đăng kiểm lại “rườm rà” trải qua rất nhiều “vòng” thử nghiệm về an toàn, môi trường cho từng chi tiết như đèn, gương, kính, bình khí, lốp, động cơ… (Tổng cộng 19 lần thử nghiệm với 20 con dấu và chi phí trọn gói có loại xe đặc biệt như lần đầu xuất hiện lên tới 230 triệu đồng, cao gấp hơn gần 20 lần đối với xe nhập khẩu).
Chiều 16/10, trả lời Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho hay: Đây là hai loại hình xe khác nhau (trong nước và nhập khẩu), nên có những tiêu chuẩn quản lý chất lượng khác nhau.
“Liên quan đến xe nhập khẩu, chúng tôi dựa hồ sơ của các hãng gửi lên và sẽ thẩm định, kiểm tra thực tế có đúng với hồ sơ hay không. Chỉ có xe đúng tiêu chuẩn mới được cho phép lưu hành”, ông An nói thêm. Thống kê trong kiểm định, tỷ lệ xe không đạt đối với xe tải do Trung Quốc sản xuất khi kiểm định lưu hành là 37% so với tỷ lệ trung bình chung là 33% và so với xe tải do Hàn Quốc sản xuất là 20%.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 7/2014 xe trong nước chiếm 67% toàn thị trường, trong đó xe tải phải đạt tỷ lệ 78%. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng đầu năm 2015, số lượng xe tải có nguồn gốc Trung Quốc đã chiếm 45,3% thị trường và lớn hơn trong vài tháng gần đây.