Đây là một trong những nguyên nhân khiến có ý kiến cho rằng, nhiều dự án ở Hà Tây cũ chỉ là đầu cơ.
Khu đô thị Tiến Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình (nay thuộc huyện Quốc Oai) vẫn chỉ thấy trên biển quảng cáo |
Tốc độ cấp phép, phê duyệt khó tin
Đầu năm 2008, dư luận một phen xôn xao về sự kiện cấp đất siêu tốc chỉ trong một ngày cho một dự án tại xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Ngày 29/2/2008, UBND Tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 300/QĐ-UBND cho phép Cty Cổ phần Thương mại Quốc tế Thành Như làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn xóm Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Lương Sơn theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất một lần, và ban hành luôn Quyết định số 423 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế khu biệt thự nhà vườn nói trên.
Cùng ngày, Sở Xây dựng Hòa Bình có văn bản thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án.
Cũng ngày 29/2, UBND Tỉnh Hòa Bình ra luôn Quyết định số 424/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án. Vẫn trong ngày 29/2, căn cứ tờ trình của Sở KH&ĐT, UBND Tỉnh Hòa Bình cấp ngay giấy chứng nhận đầu tư dự án khu biệt thự nhà vườn cho Cty Cổ phần Thương mại Quốc tế Thành Như...
Kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT cho thấy, đến 31/7/2008, trên địa bàn bốn xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân của huyện Lương Sơn có 54 đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó 27 đồ án đã được UBND Tỉnh Hòa Bình phê duyệt, 27 đồ án đang nghiên cứu hoặc ở giai đoạn đề xuất chủ trương, tìm địa điểm.
Đáng chú ý là chỉ có ba dự án được thực hiện từ năm 2007 trở về trước được giao đất và đang triển khai, còn lại 24 đồ án mới được phê duyệt từ tháng 2 đến 7/2008…
Tại Hà Tây, kể từ khi có thông tin về việc toàn bộ tỉnh này sáp nhập về Hà Nội cho tới khi quyết định Hà Nội mở rộng chính thức có hiệu lực ngày 1/8/2008, hàng loạt quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư các dự án đô thị, quyết định thu hồi đất… cũng được cấp có thẩm quyền gấp rút ký ban hành.
Sáu dự án khu đô thị dọc theo con đường trục bắc nam Hà Tây cũ với diện tích chiếm đất khoảng 3.000 ha của Tập đoàn Nam Cường được UBND Tỉnh Hà Tây ký quyết định chấp nhận đề xuất dự án đầu tư ngày 27/3/2008.
Dự án khu du lịch và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây rộng hơn 200 ha được UBND Tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 ngày 10/7/2008 theo Quyết định số 2238/QĐ-UBND.
Dự án này được chính thức giao đất để thực hiện chỉ vỏn vẹn sau đó 11 ngày (21/7) và trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội đúng 10 ngày.
Những ngày cuối cùng, giờ cuối cùng trước thời điểm Hà Tây về Hà Nội, UBND Tỉnh Hà Tây vẫn ban hành hàng chục quyết định liên quan đến cấp đất.
Ngày 30/7/2008, UBND Tỉnh Hà Tây ban hành ba quyết định (số 3129, 3130, 3131) về việc thu hồi khoảng gần 600 ha đất thuộc địa bàn thành phố Hà Đông, Huyện Thanh Oai, giao cho Cty Cienco 5 Land để xây dựng các khu đô thị mới.
Ngày 31/7, dù bận bịu trước ngày hợp nhất Hà Nội, UBND Tỉnh Hà Tây vẫn ký quyết định thu hồi trên 78 ha đất tại huyện Thanh Oai để giao Cty Cienco 5 Land làm đường.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tây cũ chỉ trong hai ngày 30 và 31/7, ban hành gần 100 quyết định các loại. Trong đó, có nhiều quyết định liên quan đến quy hoạch, đất đai.
Riêng trên địa phận huyện Hoài Đức có hàng chục bản quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 cho các dự án xây dựng đô thị của nhiều doanh nghiệp khác nhau được phê duyệt chỉ trong tháng 7/2008.
Đầu tư hay đầu cơ?
Đó là bức xúc của một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Theo ông, tình trạng làm dự án tràn lan hiện nay chẳng khác tình hình hồi đầu những năm chuyển đổi từ thời bao cấp sang đổi mới khi “nhà nhà đục tường, nhà nhà xuống đường, nhà nhà làm dịch vụ”.
Kinh tế mặt tiền phát triển tràn lan khiến trật tự phố phường bị đảo lộn, kiến trúc đô thị méo mó, giao thông tắc nghẽn đến tận bây giờ vẫn chưa tháo gỡ nổi. Chênh lệch khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất đô thị mang lại lợi nhuận cực lớn đã tạo ma lực khiến người ta lao vào bất động sản.
Ruộng canh tác bị thu hồi, đền bù cho nông dân với mức rẻ mạt. Chỉ cần có dự án được phê duyệt, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng qua loa, lập tức giá trị đất chênh lệch so với trước khi có dự án có khi gấp hàng chục lần.
Đó là chưa kể một số chủ dự án còn được lợi lớn do chênh lệch giữa mức đền bù mà UBND các tỉnh Hà Tây và Hòa Bình áp dụng với mức giá của Hà Nội hiện tại.
Chẳng hạn tại huyện dày dự án nhất Hà Tây là Quốc Oai, giá đền bù cho nông dân chỉ 27 triệu đồng/sào, nhưng nay Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, mức giá đền bù được nâng lên thành 73 triệu đồng/sào. Với chỉ một dự án quy mô vài trăm ha đã thu hồi đất, số tiền chênh lệch rất lớn này sẽ không vào ngân sách nhà nước.
Hay như tại thủ phủ của Hà Tây (TP Hà Đông), giá đất ở trục đường Chu Văn An vọt từ 6,7 triệu đồng/m2 (khi còn thuộc Hà Tây) lên 15 triệu đồng/m2 ngay sau khi về Hà Nội. Chênh lệch giá đất cực lớn khiến các dự án đô thị mọc như nấm sau mưa và nó cũng được chạy với tốc độ phi mã.
Theo Phó TGĐ một tổng Cty xây dựng hàng đầu Việt Nam, thực trạng cấp phép, phê duyệt dự án ồ ạt thời gian qua không chỉ phá vỡ quy hoạch, lãng phí tài nguyên không sinh sôi được là đất đai, gây nhiều bức xúc, làm lẫn lộn nhà đầu tư chân chính và những kẻ đầu cơ.
Nhà đầu tư thật, kể cả tình hình khó khăn, sẽ vẫn triển khai các dự án, làm thật và tính đến hiệu quả của chúng. Còn doanh nghiệp đầu cơ thấy có lợi mới làm; nếu không, cứ bỏ hoang đất chờ thời.
Theo tính toán của ông, suất đầu tư xây dựng cho một hécta đô thị tiêu chuẩn cao cấp vào khoảng 15 triệu USD, tiêu chuẩn trung bình khoảng 10 triệu USD. Như vậy, một dự án quy mô 100 ha cần số vốn đầu tư tới cả tỷ USD.
Trên địa bàn Hà Nội mở rộng hiện nay, có hàng trăm đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị đã, đang và sẽ triển khai với quy mô chiếm đất khoảng trên 41.000 ha, lượng vốn cần huy động để xây dựng các khu đô thị này sẽ lớn khủng khiếp.
Liệu có bao nhiêu chủ đầu tư đủ năng lực tài chính, nhân sự và chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện dự án cần lượng vốn khổng lồ?
Vị Phó TGĐ trên đề nghị phải có tiêu chí rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư nhằm lành mạnh hóa và lập lại trật tự đầu tư đang hỗn loạn.
Khu đô thị chắp vá, manh mún, khó kiểm soát Theo thống kê, dân số đô thị được xác định trong quy hoạch hiện nay khoảng trên 6,8 triệu người, trong đó, riêng Hà Tây cũ có khoảng trên 3,7 triệu. Số dân này sẽ phá vỡ quy hoạch Vùng Thủ đô được phê duyệt. Nếu tập trung lớn dân số vào Thủ đô sẽ dẫn đến mất cân đối về phân bố dân cư trong vùng Thủ đô và phát triển mất ổn định, không bền vững. Để đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên đất, phù hợp; sử dụng vốn đầu tư an toàn, hiệu quả; tránh tình trạng quá dư thừa nhà ở, Tổ Công tác đề xuất dừng, hoãn, giảm, dãn tiến độ, chuyển công năng của một số dự án bất động sản chưa thực sự cần đầu tư sớm. Nguồn: Tổ Công tác của UBND TP Hà Nội |
(Còn nữa)
Vương Hạnh - Phùng Sưởng