Nuôi và xuất khẩu cá tra: Càng làm càng lỗ

Nuôi và xuất khẩu cá tra: Càng làm càng lỗ
TP - Sáng 25-1, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2012, có rất đông lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp tham dự, phát biểu thẳng thắn.

> Kiểm tra, xác minh nguồn vốn cho vay với cá tra
> Nghi ngờ khoản vay 38.000 tỷ đồng cho cá tra

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2012 diện tích nuôi cá tra 5.910 ha; sản lượng hơn 1,28 triệu tấn.

Cá tra đã được xuất sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng kim ngạch chỉ hơn 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2011. Hầu hết những thị trường chính đều sụt giảm nhập khẩu cá tra.

Rừng giá cả, chất lượng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sụt giảm thị trường rất đáng lo nhưng còn đáng lo hơn là giảm lợi nhuận.

Thị trường EU, kim ngạch 425,8 triệu USD giảm 19,1%, so với năm 2011, giá bình quân có tăng 4% nhưng đó là tính cả sản phẩm giá trị gia tăng và sản phẩm theo đặt hàng của đối tác với những yêu cầu kỹ thuật khắt khe; vả lại giá đầu vào đều tăng cao hơn, nên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu “giảm tối đa”.

Thị trường Mỹ lớn thứ hai của cá tra, kim ngạch gần 358,9 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2011 nhưng giá lại giảm.

Giá xuất khẩu giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm tối đa, chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra “chào phá giá lẫn nhau để giành hợp đồng”, theo Tổng cục Thủy sản.

Thị trường Mỹ, VASEP quy định thống nhất giá sàn hàng tháng nhưng không duy trì được, Tổng Thư ký Hòe than thở, các doanh nghiệp chào hàng “một rừng giá”, làm các nhà nhập khẩu cũng phiền trách vì không biết đâu mà lần.

Có một rừng giá còn do có một rừng chất lượng, tốt xấu lẫn lộn. Tổng cục Thủy sản nhận xét “còn xuất hiện một số ít doanh nghiệp kinh doanh chụp giựt đã lợi dụng mạ băng (nước đá - pv), lạm dụng quá mức các phụ gia giữ nước nhằm mục đích tăng trọng”, “thậm chí tỷ lệ mạ băng lên đến 30-40%. Vì vậy, giá cá tra bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử của ngành”.

Nên doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi cá tra, càng làm càng lỗ. Tổng cục Thủy sản cho biết, ĐBSCL có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Trong đó, có 20 công ty chế biến dưới 30 tấn/ngày mà nhiều công ty “đang bị thua lỗ”.

Còn người nuôi cá tra, chỉ quý 1/2012 có lời; những quý khác càng về cuối năm càng lỗ vì so với quý 1, giá thành tăng khoảng 6% trong lúc giá bán lại giảm 20-30%. Mỗi ki-lô-gam cá tra nguyên liệu, người nuôi thường lỗ 1.500-4.000 đồng.

Quản lý nói nhiều làm ít

Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nói, chất lượng cá tra tốt xấu lẫn lộn có nguyên nhân ở Bộ NN&PTNT tổ chức “kiểm soát rất hời hợt”.

Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá tra là chất lượng thức ăn thủy sản, theo ông Dũng, Bộ NN&PTNT đã quy định phải ghi tỷ lệ đạm tiêu hóa lên bao bì nhưng các doanh nghiệp không làm và “Bộ không kiểm soát hoặc kiểm soát rất yếu”.

Cho nên, một số doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản đã sử dụng hoá chất tăng trọng bằng cách tích nước cho con cá, làm mất giá trị con cá tra dù Việt Nam đang độc quyền.

Vốn cho ngành cá tra, một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đại diện NHNN Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31-12-2012, tổng dư nợ 22.777 tỷ đồng, trong đó nuôi hơn 7.790 tỷ, chế biến gần 14.987 tỷ.

Còn xa mới đáp ứng được nhu cầu, chẳng hạn nuôi cá tra cần 6-10 tỷ đồng/ha, với gần 6.000 ha cần 36.000 - 60.000 tỷ đồng.

Trong lúc vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho ngành cá tra vay lại còn giảm, năm 2012 chỉ bằng 37% năm 2009.

Đại diện VASEP cũng như nhiều doanh nghiệp đề nghị được vay vốn theo chu trình sản xuất, khoảng 9-10 tháng, thay vì chỉ 4 tháng như hiện nay.

Ông Đào Quang Dương, Vụ phó Vụ Tín dụng NHNN, nói đã có cơ chế cho vay vốn theo chu trình sản xuất kinh doanh, nay cần thực hiện.

Vấn đề cho vay vốn theo chu trình sản xuất kinh doanh là nguyên tắc tín dụng, với cá tra còn được ưu tiên thế nhưng những người trong ngành cá tra kiến nghị thực hiện nguyên tắc ấy cũng đã ba năm.

Cũng nhiều năm qua, quy hoạch vùng nuôi cá tra được đặt ra và đến nay, Tổng cục Thủy sản vẫn nhận xét, năm 2012 “công tác quy hoạch nuôi cá tra chưa theo kịp sản xuất, nghề nuôi cá tra vẫn còn phát triển một cách tự phát”.

Cũng từ lâu, nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp kiến nghị đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện và hơn hai năm trước, Bộ NN&PTNT bắt tay dự thảo một nghị định của Chính phủ.

Qua nhiều lần hội thảo, đến cuộc họp sáng 25-1 ở Cần Thơ vẫn là dự thảo, sửa được hai chữ trong tên gọi, từ “Nghị định Quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra” thành “Nghị định Quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra”, chưa biết lúc nào ban hành. Hiệp hội Cá tra ĐBSCL được Bộ NN&PTNT hạ “quyết tâm” thành lập vào đầu năm 2010, đến nay cũng chưa biết bao giờ ra đời.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng và Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói, năm qua, truyền thông loan tin nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra phá sản hoặc mấp mé bờ vực phá sản là không đúng thực tế (chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp khủng hoảng nợ) khiến ngân hàng không dám cho vay nên ngành cá tra càng khó khăn.

PV Tiền Phong hỏi ông Dũng, nhưng ở đâu có con số chính xác? Ngay cả con số trong báo cáo của Tổng cục Thủy sản trình bày ở hội nghị cũng không thống nhất, công ty chế biến cá tra hiện nay, chỗ thì 55, chỗ 64, chỗ thì khoảng 70.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.