Nước sinh hoạt đô thị: Tuân thủ quy chuẩn về chất lượng nước còn bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 15/12/2023, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay".

Tham dự tọa đàm có PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; PGS. TS Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Quân đội, Học viện quân y; Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ; Chuyên viên Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Ths. Nguyễn Thu Phương và Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, thực tế, hiện nay tại một số khu vực đô thị vẫn bị thiếu nước sạch hoặc chất lượng nước chưa đảm tiêu chuẩn theo quy định, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cũng như cuộc sống của người dân.

Các đô thị đã được quy hoạch rất cụ thể và rõ ràng từ cơ sở hạ tầng cho đến mạng lưới cấp, thoát, nhưng thời gian qua vẫn có tình trạng một số khu đô thị bị thiếu nước sạch, hoặc chất lượng nước không đảm bảo vẫn cung cấp cho người dân sử dụng. Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định; công tác kiểm định giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm….

Đánh giá về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay, PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ.

Nước sinh hoạt đô thị: Tuân thủ quy chuẩn về chất lượng nước còn bỏ ngỏ ảnh 1

Nhà báo Khánh Toàn, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tặng hoa các khách mời.

Cũng đưa ra nhận xét về chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị, PGS. TS Phạm Ngọc Châu cho rằng nguồn nước cung cấp cho đô thị và đặc biệt là Hà Nội rất nan giải. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nguồn nước cung cấp phải hợp vệ sinh là đảm bảo chất lượng và số lượng.

Hiện nay giám sát chất lượng nước đã có các cơ quan chuyên ngành giám sát các chất lượng nguồn nước, tuy nhiên về thực tế, chúng ta nên có hệ thống cảnh báo thường xuyên chứ không phải có vấn đề mới đem mẫu nước đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng nước nên được công khai minh bạch để bên cung cấp nước có thể có những phương pháp nghiên cứu và thay đổi chất lượng nước.

“Chúng ta cần đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân. Vấn đề an ninh quốc gia là cần đảm bảo nguồn nước cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp..., đảm bảo chất lượng nguồn nước cho các khu vực cả thành thị và nông thôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo đó là công tác quản lý và khoa học công nghệ” - PGS. TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho rằng trước tiên phải rà soát, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị hiện nay để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị; trong đó, cần sớm xây dựng ban hành Luật Cấp, thoát nước.

“Trước mắt phải rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị để có giải pháp đảm bảo việc cung cấp ổn định và chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị hiện nay như: Nhu cầu của người dân và khả năng cung cấp nước của hệ thống, giá cả, quản lý, vận hành, chất lượng nước. Tránh tình tái diễn việc thiếu nước sinh hoạt dân xếp hàng dài để lấy nước ở các chung cư cao tầng; nước sinh hoạt bị ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân – Theo tôi, trách nhiệm này thuộc đơn vị cấp nước và cơ quan quản lý được phân cấp”, ông Vẻ nói.

MỚI - NÓNG