Nước ngọt có gas không phải tương lai thế giới

Nước giải khát có gas đang chiếm 75% doanh số toàn cầu của hãng Coca-Cola - Ảnh: Bloomberg News
Nước giải khát có gas đang chiếm 75% doanh số toàn cầu của hãng Coca-Cola - Ảnh: Bloomberg News
TPO - Trong 13 năm qua, người Mỹ đã ít uống Coca Cola hơn trước. Tăng trưởng doanh số bán hàng nước giải khát có gas (soda) trên toàn cầu của hãng Coca-Cola trì trệ, khi người dùng ý thức được về lượng đường đưa vào cơ thể và căn bệnh béo phì đang lan rộng.

Tháng 3-2014, Tổ chức Y tế Thế giới đã đề nghị các cá nhân nên hạn chế tiêu thụ các loại đường thêm vào đồ ăn và thức uống, chỉ 6 muỗng/ngày - ít hơn 9 muỗng đường trong một lon Coca 12 oz (355 ml).

Người Mỹ ngán nước đường có gas 13 năm nay

Wall Street Journal nhận định dù sụt giảm là xu hướng chung trong toàn ngành sản xuất đồ uống, nhưng đó là tin đặc biệt tồi tệ với Coca-Cola khi soda đang chiếm 75% doanh số toàn cầu của hãng. Tốc độ tăng trưởng doanh số soda toàn cầu của hãng Coca-Cola giảm còn 1% trong năm 2013, từ mức 3% của năm 2012 do mối lo ngại về các vấn đề sức khỏe và béo phì.

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu "nguội lạnh" với hãng Coca-Cola. Giá cổ phiếu của công ty trong năm 2013 giảm 2,7%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 21%. Tuần trước, hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới Budweiser Anheuser-Busch InBev đã thế chân Coke để trở thành công ty giải khát có giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.

Doanh số bán hàng soda ở Mexico, thị trường lớn thứ 2 của Coca - Cola, giảm hơn 5% kể từ khi nước này áp thuế trên thức uống có đường hồi tháng 1-2014.

Một nhân tố khác cũng góp phần vào sự trì trệ của hãng Coca-Cola tại Mỹ là nhánh sản phẩm soda ăn kiêng (Diet Coke), với doanh số giảm 8 năm liên tiếp và giảm sâu trong 3 năm qua. Theo Beverage Digest, doanh số bán hàng Diet Coke năm 2013 giảm 6,8%, Diet Pepsi giảm 6,9% nhưng PepsiCo ít phụ thuộc vào sản phẩm soda hơn hãng Coca-Cola, vì nó có danh mục kinh doanh rộng lớn, bao gồm cả đồ ăn nhẹ và thực phẩm.

Doanh số nhóm sản phẩm nước ngọt không có gas (nonsoda) của hãng Coca-Cola, bao gồm nước ép Minute Maid, Dasani và nước uống thể thao Powerade, tăng 5% trong năm 2013.

Nhà tư vấn công nghiệp tại Bevmark LLC Tom Pirko cho rằng: "Nước đường có ga không phải là tương lai của thế giới".

Chuyên gia phân tích thị trường đồ uống John Faucher tại J.P. Morgan cho rằng hãng Coca-Cola nên đa dạng hóa danh mục sản phẩm bằng các thương vụ thâu tóm. Coca-Cola đã là nhà sản xuất nước ngọt lớn nhất thế giới nhưng vẫn có thể mở rộng phạm vi kinh doanh sang trà, cà phê và sữa - nơi mà Coca-Cola chỉ là nhân tố rất nhỏ bé. "Lãi suất hiện tại thấp và hãng Coca-Cola có rất nhiều tiền mặt".

Đầu tư ngắn hạn và tiền mặt của hãng Coca-Cola tổng cộng 17,12 tỉ USD tính đến cuối tháng 12-2013, tăng từ 13,46 tỉ USD cùng kỳ năm trước đó. Các nhà nghiên cứu công nghiệp liệt kê một số công ty hãng Coca-Cola có thể mua về, bao gồm Arizona Beverage - chiếm khoảng 25% thị trường trà uống liền ở Mỹ hay Monster - hãng sản xuất nước năng lượng lớn nhất Mỹ.

“Mạch máu” của Coca-Cola

Năm 2013, Giám đốc điều hành (CEO) Coca-Cola Muhtar Kent cho biết doanh số soda tại Mỹ giảm 2% là điều bất thường. Soda có thể tăng trưởng khỏe mạnh trở lại, thậm chí ở Mỹ, nhất là khi nó mang thương hiệu trùng tên Coke của hãng, ông nói.

Muhtar Kent vẫn thường xuyên khẳng định sản phẩm tiên phong Coke là "khí oxy" và "mạch máu" của hãng Coca-Cola.

Hãng dự tính tăng chi tiêu cho quảng cáo toàn cầu thêm 1 tỉ USD trong vòng 3 năm tới, từ với mức 3,3 tỉ USD năm 2013. Phần lớn trong số đó sẽ đổ về nhóm sản phẩm soda, bao gồm Sprite và Fanta. Hãng Coca-Cola cho biết hoạt động tài trợ cho giải bóng đá World Cup 2014 tại Brazil sẽ là chiến dịch tiếp thị lớn nhất từ trước đến nay của hãng.

Dựa trên hơn 200 nghiên cứu, hãng Coca-Cola đang cố chứng minh chất tạo ngọt nhân tạo sử dụng trong sản phẩm Diet Soda là an toàn. Đồng thời, hãng cũng lên kế hoạch tung ra sản phẩm Coca-Cola Life - loại thức uống có hàm lượng calo vừa phải và sử dụng đường chiết xuất từ thực vật - ra nhiều thị trường hơn, sau khi thành công ở Argentina và Chile trong năm 2013.

Hãng Coca-Cola khẳng định dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng doanh số bán hàng thức uống trên toàn cầu của hãng năm 2013 tăng 2% và doanh thu tăng 3%, xét trên khía cạnh tiền tệ trung tính. Hãng cho biết đang tiếp tục chiếm thị phần lớn ở Mỹ và trên thế giới hơn PepsiCo hay các hãng sản xuất đồ uống soda và thức uống không chứa carbonate.

Theo Theo Wall Street Journal
MỚI - NÓNG