Kết quả xét nghiệm nước máy ở Viện hóa học ngược với xác nhận của sở y tế Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Các nhà máy nước nhiễm amoni Các nhà máy nước nhiễm amoni nặng theo thứ tự giảm dần là Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai, Cáo Đỉnh. Đối với trạm cấp nước mini, nhiễm amoni nặng nhất là trạm cấp nước phòng không không quân (khu vực đường Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ...). Mức nhiễm nặng nhất là 60mg/l, nhẹ nhất khoảng 15 - 18mg/l. |
Trong khi những mẫu nước này lại được Sở Y tế Hà Nội khẳng định đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của Bộ Y tế.
Tại nhà bà Nguyễn Thị Thế, ngõ 231 đường Giáp Bát, ngày 15/3, TS Trần Văn Nhị cùng các cộng sự Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) lấy nước máy chảy trực tiếp từ vòi, cho vào hai lọ và nhỏ thuốc thử.
Sau vài giây, nước trong một lọ từ trong chuyển sang vàng. Lọ còn lại chuyển sang đỏ. TS Nhị khẳng định, màu vàng chứng tỏ nước nhiễm amoni, màu đỏ chứng tỏ nhiễm nitrite.
Lấy mẫu kiểm tra trong ngày tại các hộ khác như gia đình bà Phương ở 92 Phương Liệt; ông Quỳnh ở 126 sông Lừ; ông Lâm ở ngách 15, ngõ 19, đường Kim Đồng … đều cho kết quả tương tự.
Các mẫu thử này khi được đưa về làm tại phòng thí nghiệm của Viện đều có kết quả nhiễm nồng độ amoni ở mức cao, chủ yếu trên 10 mg/l, so với tiêu chuẩn Việt Nam là 1,5 mg/l.
TS Nhị cho biết, việc thử nghiệm này đều do các hộ dân đề nghị khi thấy nước luộc thịt không có màu trắng mà chuyển màu đỏ hồng. Nguyên nhân, theo các nhà khoa học do amoni trong nước ức chế một loại enzym trong thịt khiến thịt dù luộc nhừ mấy cũng đỏ hồng.
Theo TS Nhị, nhiều năm nay ông và các cộng sự có nhiều nghiên cứu, khảo sát về nước máy Hà Nội. Kết quả cho thấy nhiều nhà máy nước nhiễm amoni nặng. Số liệu điều tra, khảo sát của các đơn vị khác mà TS Nhị và các cộng sự có trong tay cũng cho kết quả tương tự. Các cuộc kiểm tra thực hiện liên tục thời gian qua theo yêu cầu của dân cũng cho thấy mức độ nhiễm amoni là không đổi.
Sở Y tế nói gì?
Theo TS Nhị, ông đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, nhiều hội thảo trong và ngoài nước về công nghệ xử lý amoni và khẳng định, ngoài nhà máy nước Nam Dư mới hoạt động là xử lý tốt amoni, chưa có nhà máy nào áp dụng công nghệ xử lý amoni. Một trong những nguyên nhân là lý do kinh tế. Với mức độ nhiễm amoni như của nhà máy nước Pháp Vân, để xử lý triệt để, chi phí phải tăng thêm bốn lần so với hiện nay. * Theo các nhà khoa học, bản thân amoni không gây bệnh. Nhưng nước nhiễm amoni khi bơm lên khỏi mặt đất, tiếp xúc với không khí, amoni gặp oxi và vi sinh vật biến thành nitrite. Chất này kết hợp với các thành phần trong thức ăn, gây ra bệnh u bướu. Đặc biệt, nước nhiễm nitrite nguy hiểm hơn với trẻ dưới sáu tuổi do hệ enzym phân hủy nitrite chưa phát triển. |
Để tìm hiểu thực hư chất lượng nước máy Hà Nội, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội - đơn vị quản lý nước sinh hoạt. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở, khẳng định, nước máy Hà Nội đảm bảo tuyệt đối các chỉ tiêu cho phép.
Hàng tháng, Trung tâm Y tế Dự phòng đều lấy mẫu kiểm tra. Ông Hạnh cũng khuyến cáo nhân dân nên sử dụng nước máy làm nước ăn vì đã được xử lý phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập riêng đến chỉ tiêu amoni và đề nghị cho biết kết quả kiểm tra trong các tháng gần đây, cán bộ Sở Y tế Hà Nội cho hay, riêng amoni thì trong hai tháng, tháng 12/2008 và tháng 1/2009, nhà máy nước Định Công không đạt tiêu chuẩn. Hàm lượng đo được là 2mg/l.
Theo ông Hạnh, hàm lượng này "chỉ chênh hơn tiêu chuẩn một chút." Nhưng như vậy có nghĩa là nước cấp của nhà máy này không đảm bảo các chỉ tiêu cấp nước của Bộ Y tế.
Vậy tại sao nhân dân khu vực này không được thông báo về chất lượng nước mình vẫn phải bỏ tiền ra mua?
Nhiều nhà máy nước được cho là vẫn chưa có hệ thống xử lý amoni. Ảnh: Công Đạt |
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, cho hay, khi phát hiện ra chỉ tiêu amoni vượt chuẩn, Trung tâm có phản hồi tới nhà máy để xem xét và xử lý đạt chuẩn.
Thực tế, hai tháng liên tiếp, nhà máy vi phạm mà không phải chịu hình thức xử lý nào.
Chúng tôi đề nghị được cung cấp bản kết quả đo kiểm chất lượng nước của các nhà máy nước trên địa bàn Hà Nội thời gian qua nhưng lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội từ chối.
Khi được hỏi về khảo sát của các nhà khoa học Viện Hóa học, ông Hạnh cho biết, "sẽ xem xét lại". Hôm nay, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sẽ trực tiếp đi xuống các khu vực có thông tin nhiễm amoni trong nước máy để tiến hành lấy mẫu. Kết quả sẽ có trong mười ngày tới.