Nước mắt đàn bà là vô ích

Nước mắt đàn bà là vô ích
LA - Vì công việc, tôi thường phải liên hệ với luật sư.

Nước mắt đàn bà là vô ích

LA - Vì công việc, tôi thường phải liên hệ với luật sư.

Nước mắt đàn bà là vô ích ảnh 1
 Ảnh: minh họa - Internet
 

Tại Đài Loan, người di dân mới là những cô dâu, những lao động mà hỏi tới đâu họ… đụng luật tới đó. Rất ít cô dâu và lao động nắm rõ những quyền lợi và những quy định của pháp luật Đài Loan mà mình phải tuân thủ. Thậm chí có những người đã nhảy lầu tự tử chết rất đáng tiếc nhưng đã nhất quyết không chịu đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân mình. Họ sợ phải nhờ cậy pháp luật chứ không sợ chết.

Cho nên những người đến nhờ tôi giúp thường là những số phận quá đặc biệt, và những luật sư làm việc miễn phí cùng tôi cũng thường phải sẵn sàng đón nhận những lắt léo không ai ngờ. Gần đây có một người tâm sự với tôi: “Tôi có cảm tưởng có một vài cô dâu Việt Nam đang lợi dụng tôi, họ luôn nói rất hay, rất có lý, ví dụ như kể lể bị chồng đánh, muốn xin giúp ly hôn, nhưng khi tôi nhận làm rồi tìm hiểu mới biết, thì ra họ trốn đi làm gái, trộm tiền gia đình, giờ muốn nhờ luật sư hoặc lừa luật sư để giúp nhập được quốc tịch Đài Loan và ly hôn. Nếu được thì tốt, còn bị tôi phát hiện thì cũng chả sao, đằng nào luật sư trợ giúp di dân cũng làm việc miễn phí!”

                                                                        ***

Nên người đàn bà đầu tiên năm 2008 rất đặc biệt, chị bình tĩnh nói thật. Chị nói, tôi đi bán dâm, tôi bị cảnh sát bắt, tôi bị đuổi về Việt Nam, tôi cần giúp đỡ để quay lại Đài Loan sống với chồng.

Sau khi hỏi han tỉ mỉ, mới biết thì ra cảnh sát mới bắt được chị, chưa kịp đưa ra toà, chị đã được chồng giúp trốn về Việt Nam. Hỏi kỹ nữa mới biết, chồng năm nào cũng về Việt Nam thăm vợ vài lần, chu cấp tiền bạc cho vợ đầy đủ, cho con về nước ở với vợ, và tuyệt nhiên không hề khinh ghét người vợ Việt đấy. Hỏi kỹ hơn nữa mới biết rằng, ông chồng Đài Loan đã tốn không biết bao nhiêu tiền trước đây để thuê luật sư giúp đưa vợ về lại xứ Đài nhưng không được. Tôi chỉ giải thích rằng, chị đã phạm pháp, ít nhất chị sẽ bị quản chế cấm nhập cảnh 5 năm, thôi hãy kiên nhẫn chờ và coi đó là bài học để tránh sai lầm.

Người đàn bà đó nói, tôi nhất định phải quay lại Đài Loan cho bằng được, tôi phải kiếm tiền ngay, kiếm nhiều tiền bằng mọi giá, kể cả bằng cách bán thân. Hỏi tiếp nữa mới biết, người đàn bà ấy có một gia cảnh kém may mắn ở Việt Nam, và cần tiền, vô cùng nhiều tiền để giúp người anh trai bị tai nạn nằm liệt giường. Chắc chắn phải có cách để trốn tránh pháp luật, đưa chị chạy sang Đài Loan chứ! Mỗi lần tôi về Việt Nam chị đều gọi điện ngay hỏi có tiến triển gì không.

Tôi xót xa thay cho người đang năn nỉ tôi. Chị đã chạy vạy khắp nơi, lăn lóc liên hệ mấy tháng trời chỉ để xin được giúp. Nhưng tôi chỉ có thể lạnh lùng nói: Chị đã vi phạm pháp luật một lần rồi, chị đang cố tình vi phạm pháp luật lần nữa đấy. Chị đang có 2 đứa con ngoan và một người chồng cao thượng thương vợ, chị hãy giữ gìn nó bởi đó là tài sản duy nhất của chị hiện nay. Nói toạc ra, chị đừng để các con khinh bỉ mẹ, hãy giữ đức cho các con chị. Sau khi hết hạn quản chế, chị sang Đài Loan làm việc kiếm tiền chính đáng chứ đừng bán dâm nữa, bởi chính chị cũng biết, thêm một núi tiền nữa, bệnh anh trai chị cũng không thể khỏi.

Thâm tâm cầu mong những phép lạ tốt lành hơn đến với người đàn bà ấy. Số phận kỳ lạ nhưng đâu có lấy hết của chị tất cả.

                                                                        ***

Người đàn bà thứ hai ngồi phủ phục khóc hết ngày này sang ngày khác trước cổng ngôi nhà người chồng Đài Loan. Rũ ra như người đã chết.

Nhà chồng chị ở ngay dưới chân văn phòng luật sư tôi thường đến làm việc. Tôi đã đi qua ngôi nhà đó nhiều lần, tôi biết, ngồi ăn vạ ở cổng nhà người ta, đờ đẫn ngày nối ngày không phải là một lựa chọn tốt, nơi đó là một trong những nơi tấp nập nhất trung tâm Đài Bắc, bao nhiêu người đã lạnh lùng bước qua nước mắt và nỗi đau của người đàn bà ngoại quốc mất con.

Chị xây nhà cho chồng ở, mở công ty cho chồng làm, đẻ hai con cho mang quốc tịch chồng, rồi ly hôn xong vẫn để cho người chồng ở lại sống trong ngôi nhà của mình để cùng chăm sóc con. Ai ngờ người chồng sau ly hôn đã cưới vợ khác, người Đài, và mang vợ sang TP.HCM ở cùng vợ cũ. Thế là hai vợ chồng họ điềm nhiên sống dưới mái nhà của chị. Chị đã nhẫn nhục chịu đựng tới mức tối đa không ai có thể hình dung, thế nhưng một ngày đi làm về thấy nhà trống trơn, các con biến mất trong đời chị cho tới tận ngày hôm nay. Chị chỉ biết làm mỗi một việc là mua vé máy bay, bay sang đứng khóc trước cổng nhà người chồng, mặc bố mẹ chồng xua đuổi.

Hai đứa con chị cũng đã bị bố và dì ghẻ mang sang nước thứ ba sống để cắt đứt hẳn mọi mối liên hệ. Giờ đây chị chỉ còn đầu mối duy nhất để hy vọng là đứng trước cái cổng, sắt uốn gạch đỏ, giữa trung tâm Đài Bắc rũ rượi, khi hết hạn visa thì rũ rượi bay về TP.HCM.

Hồi mới nhận vụ này tôi đã rất phẫn nộ, tại sao lại nhu nhược để cho tới mức mất hết mọi thứ trong đời? Và tưởng cô dâu Việt Nam này yếm thế, mới chịu để cho chồng cũ ôm người đàn bà khác vào sống trong nhà mình theo kiểu một ông hai bà. Rồi tức tưởi chạy theo chồng đòi hai đứa con đã bị bắt trộm mang ra nước ngoài.

Nhưng khi gặp tại Việt Nam thì tôi ngã ngửa, bởi đó không phải là một cô dâu Việt Nam mù chữ, quê mùa, mà chị đang là một lãnh đạo cao cấp rất xinh đẹp của một tập đoàn tài chính quốc tế hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, tài năng của chị gấp mười lần tôi và thu nhập của chị gấp mười nghìn lần tôi.

Thế nhưng vì sao người đàn bà ấy lại cư xử một cách bản năng và mù quáng trong cuộc hôn nhân với một người đàn ông Đài Loan như thế? Làm sao một người như thế chấp nhận bay tới cái cổng sắt trên đường Trung Hiếu (Đài Bắc) chỉ để đứng chờ nhà chồng rủ lòng thương cho nhìn thấy mặt con một lần? Hay khi đã trở thành người mẹ, chị đã thấy không còn gì quan trọng với người mẹ hơn hai đứa con mình, vì con có thể hy sinh tất cả.

Theo pháp luật thì chị đã thua trắng. Chỉ còn một kẽ hở duy nhất. Tôi và các luật sư lập ra một kế hoạch rất tỉ mỉ để giúp chị, không chỉ dựa vào luật pháp mà còn những mối quan hệ, khả năng lobby, đưa sự kiện dân sự thành một án điển hình đưa ra bàn nghị luận chính phủ Đài Loan. Có những lúc ai to mồm hơn sẽ thắng. Hoặc ai liều mạng ôm bom cảm tử xông ra thì lại sẽ giữ được mạng.

Rất tiếc là vào cuối năm 2008, khi chị lại đứng khóc trước cánh cổng nhà chồng thì chị đã quyết định, ngay lúc đó, nghe lời người chồng cũ ở nước ngoài nhắn về Đài Loan, đồng ý viết đơn rút lại đơn kiện để được chồng “cho phép nhìn thấy mặt con”. Tôi đã thuyết phục rất nhiều rằng, người đàn ông nếu tử tế thì họ đã tử tế ngay từ trước, giờ lấy gì đảm bảo họ thương tình chị hoặc giữ lời? Rằng chị bỏ cơ hội này thì sẽ không bao giờ còn cơ hội cuối cùng nào. Rằng mục đích của chị là đòi lại quyền nuôi con vĩnh viễn chứ không phải để được nhìn thấy con một lần rồi thôi. Vào lúc cuối cùng không giữ nổi bình tĩnh, tôi đã mắng người đàn bà mù quáng yếu đuối. Khi công sức chúng tôi và cả chị nữa giờ đây đã đổ xuống sông xuống bể.

                                                                        ***

Người đàn bà thứ ba không nói với tôi câu nào. Chị đã chết. Người nhà tại Việt Nam cuống quýt tìm tôi chỉ để xin giúp cho đừng mất xác. Người chồng có tiền, có quyền, có nhà, có tất cả, có vợ trẻ là chị, đã bất ngờ chết, để lại một đàn con lớn xác đuổi cổ bà dì ghẻ đến từ Việt Nam. Sau cái chết của chồng, tay trắng, bị đuổi khỏi nhà, bị các con chồng giữ toàn bộ mọi giấy tờ tuỳ thân vì sợ chị tranh chấp gia tài lớn thừa kế, chị phát bệnh ung thư và tức tưởi chết ngay sau chồng vài tháng.

Chị không dám về Việt Nam, nói, làm sao tôi dám mang tấm thân hôi thối này về nữa. Thà chết nơi đất người còn hơn. Một người đàn ông quen chị đã cho chị ở nhờ, cho đến lúc chị chết.

Có một người nào đó gọi từ Đài Loan cho gia đình, gọn lỏn: “Chết rồi, nhà sang mà lấy, không họ vứt đi mất xác!” rồi dập máy như thể sợ bị nhờ vả. Họ hàng chị gọi khắp nơi cho tất cả những tổ chức, cơ quan, bộ, văn phòng, ở Việt Nam và ở Đài Loan mà họ có thể nghĩ được ra, nhưng không ai giúp đỡ. Nên khi gọi đến tôi, gia đình dường như tuyệt vọng và trút lên tất cả mọi thất vọng đau khổ uất ức. Họ cũng chả có tiền để sang Đài Loan.

Để họ khỏi cuống cuồng lo lắng, tôi đành phải mắng phủ đầu, xác người đâu phải cái rác mà vứt đi đâu thì vứt. Tiếp đó liên hệ về Cao Hùng để biết, phía Cục xã hội địa phương sẽ lo mọi thứ. Có thể vài ngày nữa sẽ đưa lọ tro để mang về Việt Nam thôi.

Tôi lúc đó nghĩ, giờ mình bụng chửa vượt mặt, lê không nổi bước, nếu đi thêm cả nghìn cây số lấy bình tro xương rồi lại lặc lè lôi theo dọc đường hành trình về Việt Nam, chắc mình chết dọc đường quá.

Mình chết mình chả sợ, mình đã sống rất hạnh phúc sung sướng, đã tự hào được sống hết sức là mình, hết sức cống hiến. Nhưng còn con mình thì sao? Rồi còn nước mắt những người thân, làm sao mình chịu nổi?

Nhưng không phải bỗng dưng, nếu số phận xếp sắp cho mình gặp gỡ những thân phận, những con người, những năm tháng này, hẳn phải có duyên do? Có thể sau khi sinh con, sức khoẻ khá hơn và có thời gian, chắc chắn mình sẽ đi Cao Hùng giúp họ!

Trước Tết, tôi hỏi thăm gia đình, họ cho biết vẫn bó tay chịu chết từ đó đến giờ. Chỉ yên tâm là mọi chuyện hậu sự đã được thu xếp xong mà thôi.

Mỗi người đàn bà một số phận, long đong mười hai bến nước, đi cũng dở ở chẳng đặng. Không biết điều gì giăng mắc giữa chúng tôi, hay chính là sự đồng cảm thân phận đàn bà? Khi viết về những số phận này, chỉ thấy nước mắt đàn bà là vô ích, dù khóc cho mình hay khóc cho ai.

Trang Hạ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG