Nước mắt của những ông chủ hãng xe

0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Thượng Hải, chủ hãng xe Hà Hải đang lau dọn xe chờ ngày hoạt động
Anh Nguyễn Thượng Hải, chủ hãng xe Hà Hải đang lau dọn xe chờ ngày hoạt động
Người rao bán từng chiếc xe như cắt một phần máu thịt để cố gắng duy trì hoạt động của công ty vượt qua đại dịch. Người lại phải đi làm phụ hồ để nuôi gia đình. Đó là những trải lòng “đẫm nước mắt” của những ông chủ vận tải hành khách mà chúng tôi gặp.

Khi chủ xe khách đi làm… thợ hồ

Tại một trạm trộn bê tông nhựa ở tỉnh Phú Thọ, ít ai biết rằng, người đàn ông bệ vệ, tay thoăn thoắt xúc từng xẻng cát nổi bật nhất trong đám lao động thời vụ lại chính là ông chủ hãng xe khách Anh Tuyên (chuyên chạy tuyến Nam Định - Hà Nội). Những ngày Hà Nội giãn cách, xe đắp chiếu, anh quyết định lên đây làm cùng người em họ mong có nguồn thu gửi về cho vợ con trang trải cuộc sống. Ở đây hơn hai tháng qua, ông chủ Tuyên không nề hà bất cứ việc gì, từ quán xuyến công việc chung của trạm đến xúc cát đá, phụ hồ như công nhân mùa vụ.

“Việc gì tôi cũng xông vào làm, vừa quán xuyến công việc chung, vừa thúc anh em công nhân hoàn thành sớm, công việc thuận lợi mới nhanh có tiền. Lương của tôi làm ở đây cộng thêm cả lương công nhân may của vợ ở quê vào nữa vẫn chưa đủ để trả nợ ngân hàng. Tiền ăn học của 3 cháu ở nhà thì chưa tính”, anh Tuyên buông chiếc xẻng, gạt những giọt mồ hôi chia sẻ.

Nước mắt của những ông chủ hãng xe  ảnh 1

Dàn xe nằm đắp chiếu hơn 2 tháng qua của anh Hải

Anh Tuyên kể, hơn 10 năm trước, anh gom góp được chút vốn rồi vay thêm ngân hàng sắm dăm xe khách để làm ăn. Lúc đó, vận tải hành khách không giàu nhưng cũng đủ lo cho vợ, con bữa cơm tươm tất, anh em có công ăn việc làm ổn định. Những năm về sau, ngành vận tải cạnh tranh khốc liệt hơn bởi các hãng xe ra nhiều, đầu tư cao hơn nhưng anh vẫn duy trì được hoạt động và có một lượng khách ổn định.“Nghề vận tải khốc liệt và vất vả, tuy nhiên nguồn thu nhập cũng đảm bảo. Trừ tất cả các loại chi phí từ trả lương thợ, tiền bến bãi, khấu hao xe…, thu nhập đủ để nuôi ba cháu ăn học, trả nợ ngân hàng”, anh Tuyên nhớ lại.

Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2017 thành phố Hà Nội quyết định chuyển luồng tuyến, các lốt xe của anh Tuyên đều chuyển về bến xe Nước Ngầm cũng là lúc sóng gió bắt đầu với doanh nghiệp của anh. “Đấy là quãng thời gian rất khó khăn trong thời kỳ làm nghề vận tải hành khách của tôi. Hơn một năm trời, xe đi “chở gió” xe về cũng “chở gió”, bởi lượng khách hàng cố định khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm… gần như mất sạch”, anh Tuyên chua xót.

Khi được hỏi về mong ước hiện tại, che giấu ánh mắt u buồn, anh Hải đáp khẽ: “Chỉ mong mọi thứ trở lại bình thường. Anh em lái xe hàng ngày được vặn vô lăng, được phục vụ hành khách trên những cung đường…”

Năm 2019, anh Tuyên xin chuyển lốt xe từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Yên Nghĩa, thay đổi giờ xuất bến. Sau mấy tháng, khách bắt đầu đông hơn, nguồn thu ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát. “Dù sao thời điểm ấy dịch bệnh chưa căng, xe còn chạy túc tắc, còn gắng gượng được”, ông chủ nhà xe Anh Tuyên nói.

Sau một năm, để duy trì hoạt động, trả một phần nợ gốc ngân hàng, anh Tuyên quyết định bán bớt một số xe chỉ giữ lại một xe để hành nghề. “Vốn vay ngân hàng còn gần một tỷ đồng. Bây giờ xe không chạy được, nguồn thu không có, lãi ngân hàng cũng đã đến lúc phải đóng…”, anh Tuyên nói và chia sẻ thêm, hiện mỗi tháng anh phải trả cho ngân hàng khoản nợ gần 30 triệu cả gốc lẫn lãi.

“Xẻ thịt” công ty… trả lãi ngân hàng

Cũng trong ngành vận tải, mấy ngày qua nghe tin Hà Nội nới lỏng giãn cách, ngành vận tải có dấu hiệu được hoạt động trở lại nhưng anh Nguyễn Thượng Hải, chủ hãng xe Hà Hải (Thái Bình) chẳng “khởi sắc” lên là bao.

Đầu tư vận tải chuyên tuyến cố định Thái Bình - Hà Nội hơn 20 năm qua, chưa bao giờ anh Hải gặp khó khăn đến mức cùng kiệt như thế này. “Sau đợt chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm (đầu Hà Nội - PV) khách không có, hàng cũng không, mỗi chuyến xe đi, về tằn tiện lắm cũng chỉ đủ trang trải tiền đường, bến bãi và lương cho anh em. Khi vừa vực lại thì dính đại dịch…”, anh Hải chua chát.

Anh Hải kể, sau sóng gió chuyển luồng tuyến giữa năm 2017, không chịu khuất phục trước những khó khăn, đầu năm 2019, anh quyết định dồn hết vốn liếng, vay ngân hàng đầu tư hơn 10 chiếc xe Limousine để chạy hợp đồng giữa Thái Bình và Hà Nội. Biết là đi sau những hãng xe khác nhưng để có chỗ đứng, anh Hải và anh em trong công ty huy động tất cả những gì mình có, với kinh nghiệm hơn 20 năm ấy, công ty cũng dần lấy được thị phần. Mọi hoạt động bắt đầu đi vào ba rem thì đại dịch bùng phát.

“Hoạt động của công ty trì trệ dần. Các chuyến xe từ thưa khách rồi đi đến dừng hẳn khi giãn cách. Vấn đề về trả vốn, lãi ngân hàng là một chuyện nhưng nhìn cảnh anh em lái xe cho mình “chạy ăn từng bữa” quả không cam lòng. Đầu tiên tôi bán chiếc xe riêng để trang trải, hỗ trợ anh em. Những tưởng chỉ ngày một, ngày hai là lại tiếp tục. Nhưng ai dè, khó khăn kéo dài cả năm qua”, anh Hải nói như bật khóc.

Vừa lau dọn dàn xe đắp chiếu hơn 2 tháng qua, anh Hải vừa chia sẻ với chúng tôi như thủ thỉ với chính mình: “Chẳng biết công ty có còn duy trì được nữa hay không. Cứ đà này cả dàn xe rồi cũng bị ngân hàng kê biên hết”.

Để duy trì hãng xe và hỗ trợ anh em thợ thuyền, anh quyết định bán dần từng chiếc xe để mỗi tháng trả hàng trăm triệu tiền vốn và lãi ngân hàng cũng như hỗ trợ lái, phụ xe thời điểm khó khăn. “Mấy chiếc xe bán được tiền tỷ, nghe thì nhiều nhưng so với gốc, lãi ngân hàng và hỗ trợ anh em lái, phụ xe cũng chỉ như muối bỏ bể”, anh Hải ngao ngán cho hay.

Cũng theo chia sẻ của anh Hải, hiện tại hơn 20 lái, phụ xe của hãng nghỉ dịch nên đã phải bươn chải cuộc sống bằng những ngành nghề khác. Có người đi phụ hồ, có người phụ giúp trong một gara xe, thậm chí nằm nhà “ăn bám” vợ và chờ ngày xe lăn bánh.

Mấy hôm nay, anh Hải quay cuồng gọi điện cầu cạnh các mối quan hệ tại Hà Nội để tìm cách xin ngân hàng xem xét cơ cấu nợ theo văn bản của Chính phủ. “Ngân hàng họ cơ cấu khoản nợ của công ty xuống nhóm 2 vì từ tháng 4/2021 tôi chưa xoay được tiền trả lãi. Họ yêu cầu phải đưa tài sản khác vào thế chấp, thanh toán nhưng giờ tôi không còn gì”, anh Hải lo lắng và cho biết, năm trước anh có đơn đề nghị xem xét vì công ty bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng ngân hàng không chấp thuận. Anh vừa làm lại đơn đề nghị gửi ngân hàng thêm lần nữa.

MỚI - NÓNG