Nước mắt của một thần đồng không bị quên lãng

Nguyễn Thế Hoàn đạt HCV Olympic Toán quốc tế.
Nguyễn Thế Hoàn đạt HCV Olympic Toán quốc tế.
Câu chuyện của nam sinh đạt huy chương vàng có bố mẹ làm phụ hồ đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngay từ bé em đã có khả năng đặc biệt.

Được thầy cô giáo gọi là thần đồng

Nguyễn Thế Hoàn (sinh năm 1997 tại xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đang là học sinh 12A1, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Vừa qua, Thế Hoàn trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất (khi đang học lớp 11) của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế và là một trong 3 người mang về HCV cho đoàn.

Ngoài ra, Hoàn còn đạt nhiều học bổng như Phát triển toán học quốc gia của Viện Toán học, Học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt, Shinnyo-En của Nhật Bản. Đặc biệt, 9X là một trong những Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng cậu bé vàng này lại có khả năng biết đọc, biết viết khi mới 3 tuổi. Cô Nguyễn Thị Thảnh (mẹ của Hoàn) cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, Hoàn đã thích các con số, chữ viết.

"Trong khi chơi cùng bố, Hoàn hỏi về chữ thêu trên mũ, bố nói đó là tên của cậu và đánh vần cho Hoàn nghe. Sau đó, ngày nào Hoàn cũng dùng gạch viết tên mình, tên người thân trên chiếc sân nhỏ. Tôi nghĩ cháu chỉ biết viết thôi, nhưng đến một ngày chị họ Hoàn sang chơi và mang theo một tờ báo, con dọc vanh vách trước sự sửng sốt của mọi người. Nhìn lên đồng hồ, Hoàn đọc chính xác cả giây, phút, giờ" - cô Thảnh kể lại.

Khi ấy, Hoàn mới 3 tuổi và chưa qua bất kỳ trường lớp nào. Sau khi bộc lộ khả năng hiếm có, Hoàn thường được thầy cô giáo, người trong làng gọi là thần đồng của quê lúa Thái Bình.

Nghĩ lại về điều này, Hoàn chia sẻ: “Em không phải là thần đồng lắm đâu. Kết quả học tập của em phần nhiều là do thành quả của đam mê và sở thích. Em cũng khá may mắn trong các kỳ thi".

Phát huy được khả năng vốn có, trong suốt 11 năm liền Hoàn đạt danh hiệu học sinh giỏi với nhiều giải thưởng cấp huyện, tỉnh. Tốt nghiệp cấp 2, Thế Hoàn cùng lúc thi đỗ ba trường là khối chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Sư phạm và THPT chuyên Thái Bình. Chàng trai này lựa chọn ĐH Khoa học Tự nhiên để đi sâu theo hướng nghiên cứu.

Năm lớp 11, Thế Hoàn xuất sắc đạt HCV Quốc tế về Toán học. Mặc dù được ĐH Quốc gia Singapore tuyển thẳng với hỗ trợ 100 % học phí nhưng Hoàn quyết tâm lấy học bổng tại trường top trên của Mỹ.

Thời gian này, Hoàn học song song chuyên Toán 6 buổi/tuần và tiếng Anh 5 buổi/tuần tại trung tâm để chuẩn bị cho việc du học.

Nước mắt của một thần đồng không bị quên lãng ảnh 1

Thế Hoàn cùng đoàn học sinh Việt Nam dự thi tại Nam Phi.

Bố mẹ làm phụ hồ và chiếc bánh mì đầy nước mắt

Phía sau sự thành công của con với tấm HCV Olympic quốc tế là sự hi sinh, vất vả của người làm cha mẹ. Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Hòa, chị Nguyễn Thị Thảnh khăn gói từ vùng quê nghèo Thái Bình lên Hà Nội làm nghề phụ hồ khiến nhiều người xúc động.

Để tiết kiệm chi phí, anh Hòa và chị Thảnh không thuê nhà trọ mà công trình ở đâu thì dựng lán sống ở đó. Mỗi tháng, hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu đồng. Còn Thế Hoàn thương bố mẹ nên tiết kiệm bằng cách ở trong ký túc xá của trường, nhịn ăn sáng và dành số tiền phần thưởng sau mỗi kỳ thi đưa cho mẹ.

Trước khi lên Hà Nội, anh Hòa từng làm người khuân vác thuê hàng hóa còn chị Thảnh làm may tại gia đình. Hoàn chia sẻ: “Bố mẹ làm ở quê thu nhập chỉ bằng một nửa so với Hà Nội. Tuy nhiên, làm phụ hồ cũng không ổn định vì mỗi khi trời mưa, ngập lụt sẽ phải tạm dừng công việc".

Hoàn nhớ lại: “Ngày em còn nhỏ, bố đi khuân vác gạo thuê trên một chiếc xe đạp từ sáng đến tối. Mỗi ngày tiền công của bố là 40.000 đồng. Mặc dù làm rất mệt nhưng ngày nào bố cũng mua bánh mì về cho hai anh em. Chỉ trị giá vài trăm đồng thôi nhưng chúng em rất thích. Sau này lớn lên mới thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ mỗi ngày nhưng vẫn luôn nghĩ đến con".

Nhiều khi nghĩ tới bố mẹ, Hoàn ứa nước mắt: “Gần đây mẹ em bị gạch rơi vào người. Có hôm em sang thăm thấy bố xách xô vữa, mẹ bê gạch, nhìn thương lắm”.

Nước mắt của một thần đồng không bị quên lãng ảnh 2

Cuộc sống vất vả của bố mẹ chàng trai vàng. Ảnh:Lê Hiếu.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thiếu thốn về vật chất, nhưng chưa bao giờ Thế Hoàn cho rằng cái nghèo làm cản trở con đường em đến với tri thức. Hoàn tâm sự: “Nếu không có tiền, thay bằng việc mua một quyển sách em sẽ khắc phục bằng cách đi mượn và đọc hết chứ không bỏ phí trang nào. Em không sợ nghèo. Nghèo là động lực giúp em vươn lên. Con người nếu không có ước mơ, sống không rõ mục đích mới là điều đáng sợ".

Hoàn kể lại, từ khi học trên Hà Nội, tối nào bố mẹ cũng gọi điện, tuần nào cũng tranh thủ thời gian vào KTX thăm con.

"Bố mẹ làm việc vất vả là vì em. Nếu em có được học bổng toàn phần du học tại Mỹ thì bố mẹ sẽ về quê, không còn bôn ba nơi xứ người nữa. Vì vậy em luôn cố gắng hết mình".

"Nếu sau này có nhiều tiền, em sẽ xây một căn nhà bên Mỹ và đón bố mẹ sang ở cùng” – Hoàn bày tỏ về cuộc sống trước mắt và tương lai.

Trưởng thành từ sự yêu thương của bố mẹ, Thế Hoàn coi việc học là con đường tốt nhất để phụ giúp gia đình. Gặt hái được những thành công bước đầu, chàng trai này chia sẻ bí quyết: "Em luôn làm những gì quan trọng trước”.

Đam mê Toán học, chàng trai vàng Olympic kính trọng GS Ngô Bảo Châu. Trong một bài văn tưởng tượng năm lớp 11, Hoàn đã tưởng tượng về một cậu bé thay đổi cuộc đời khi GS có ảnh hưởng tích cực. Chàng trai kể lại bài viết, qua đó gửi gắm ước mơ của mình: “Nhân vật là Nguyễn Thế Hoàng, ban đầu là một học sinh ham chơi, đua đòi nhưng sau đó đã gặp bước ngoặt lớn trong cuộc đời là thích học Toán, được HCV quốc tế, đi du học Mỹ và đạt giải thưởng Fields danh giá".

Theo Quyên Quyên

Theo Zing
MỚI - NÓNG