“Nước đến chân mới nhảy”?

Ai cũng sốt ruột, nhưng có vẻ như VFF vẫn đủng đỉnh. Chờ nước đến chân mới nhảy chăng?
Ai cũng sốt ruột, nhưng có vẻ như VFF vẫn đủng đỉnh. Chờ nước đến chân mới nhảy chăng?
Nhìn cảnh các đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines tích cực chuẩn bị, trong khi Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) vẫn án binh bất động, giới chuyên môn không khỏi lo ngại cho mục tiêu tranh chấp ngôi vô địch ở AFF Cup cuối năm nay.

> Nỗi lo chân sút nội

Đã từ lâu, nhiều nhà chuyên môn lên tiếng về sự thiếu hợp lý của kế hoạch tập trung đối với ĐTQG và ĐT U.23 QG. Theo đó, việc dành quãng thời gian lên đến 3 tháng cho các đội tuyển này tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup hay SEA Games là thiếu khoa học.

Ngay cả với những giải đấu lớn như World Cup hay Asian Cup, các ĐTQG hàng đầu trên thế giới và châu lục cũng chỉ có quãng thời gian chuẩn bị tối đa là 3 đến 4 tuần. Khoảng thời gian này được coi là vừa đủ để HLV chuẩn bị thể lực, lắp ghép chiến thuật, xây dựng đội hình cho đội bóng.

Trong khi đó ở VN, từ nhiều năm nay giải VĐQG thường phải thi đấu cấp tập trong các tháng đầu năm để kết thúc vào tháng 8 rồi sau đó toàn bộ quỹ thời gian từ tháng 9 trở đi được dành cho các ĐTQG chuẩn bị cho các giải đấu khu vực.

Vừa kết thúc quãng thời gian thi đấu V-League khá mệt mỏi, nhiều cầu thủ lại phải lao vào chiến dịch mới kéo dài đến 3 tháng trời nên xuất hiện tâm lý chán nản, thiếu động lực phấn đấu.

Đó cũng là lý do mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, ĐTVN thường đạt điểm rơi vào khoảng tháng 10 (thời điểm diễn ra các giải giao hữu quốc tế) rồi sau đó xuống phong độ và thất bại ở giải đấu chính.

Cách chuẩn bị theo kiểu của VN đã lạc hậu và không còn được bất cứ quốc gia nào trong khu vực áp dụng. Giờ đây, hầu hết các ĐTQG trong khu vực đã xây dựng lịch thi đấu, tập huấn của ĐTQG theo lịch thi đấu toàn cầu của FIFA. Tức là họ chia nhỏ các chuyến tập huấn trong năm ra thành nhiều đợt, mỗi đợt chỉ từ 7 đến 10 ngày.

Việc chia nhỏ các chuyến tập huấn ra giúp các cầu thủ luôn duy trì được sự hưng phấn, tích cực trong mỗi lần góp mặt ở ĐTQG. Đối với HLV, những trận đấu diễn ra từ đầu năm cũng giúp họ sớm phát hiện ra những vấn đề của đội bóng, những vị trí cần bổ sung, đồng thời lên được kế hoạch đường dài cho mục tiêu chính vào cuối năm.

Thế nên, các đội bóng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines đều đã thay đổi để có rất nhiều trận đấu giao hữu quốc tế trong năm. Chẳng hạn, ĐT Thái Lan đã thi đấu đến 13 trận trong vòng 12 tháng qua và đến ngày 29-2 tới, họ sẽ gặp Oman trên sân đối phương.

Các đối thủ của Thái Lan trong 12 tháng qua cũng có rất nhiều đội bóng mạnh, thuộc loại vượt tầm khu vực như Nauy, Australia, Saudi Arabia, Jordan… Được thi đấu với những đối thủ mạnh hơn hẳn, trình độ của các cầu thủ Thái Lan chắc chắn sẽ được nâng cao đáng kể.

Các đội khác trong khu vực cũng thi đấu rất nhiều trận trong năm như: Singapore đá 12 trận, Indonesia 10 trận, Malaysia 9 trận. Đến ngay cả đội bóng thuộc loại "chiếu dưới" của khu vực như Philippines cũng thi đấu đến 13 trận trong 12 tháng qua, gần gấp ba số trận của ĐTVN.

Và đến ngày 29-2 tới, tất cả các đội này đều tập trung ĐTQG để thi đấu theo lịch thi đấu toàn cầu của FIFA.

Trong khi đó nhìn lại ĐTVN, tất cả đều án binh bất động, phải đến tháng 9 tới thì đội mới có trận đấu đầu tiên trong chiến dịch chuẩn bị cho AFF Cup 2012 và sẽ thi đấu liên tục để bù cho cả năm.

Tức là đội sẽ không thi đấu trận nào trong suốt 11 tháng kể từ trận gặp Nhật Bản vào tháng 10 năm 2011, nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm sẽ lại thi đấu cả chục trận. Cách bố trí lịch thi đấu kiểu "no dồn, đói góp" này rất cần được thay đổi.

Xét về sự chuẩn bị, rõ là ĐTVN đã đi sau các đối thủ cả quãng đường dài. Đến ngay cả chuyện tìm kiếm tân HLV trưởng ĐTQG cũng chẳng phải công việc cấp thiết ở VFF hiện nay. Suốt hai tháng từ khi HLV Falko Goetz ra đi, người ta vẫn chưa rõ phương thức tuyển chọn người thay thế ra sao.

Chính các ứng cử viên được đề cử như Phan Thanh Hùng, Mai Đức Chung, Nguyễn Hữu Thắng… đều thừa nhận là chưa từng được VFF tiếp xúc chính thức để nói về chiếc ghế nóng này. Thế nên, không phải vô lý khi dư luận cho rằng VFF đã bỏ bê ĐTQG dù đây mới chính là bộ mặt của nền bóng đá.

Theo Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG