Đỉnh Kelud phun bụi và mảnh vụn mù mịt trên một khu vực rộng, bao trùm thành phố Surabaya cách đó khoảng 130km. Một số thị trấn bị bao trùm bởi lớp bụi dày tới 4cm. Ba sân bay chính ở Surabaya, Solo và Yogyakarta bị buộc phải đóng cửa vì tầm nhìn hạn chế và bụi có thể làm hỏng động cơ máy bay.
Hôm 13/2, khoảng một giờ trước khi Kelud phun bụi, chính quyền cảnh báo và thúc giục người dân ở 36 làng trong bán kính 10km quanh núi lửa phải sơ tán. Nhiều người đã quen với cảnh núi lửa phun trào nên miễn cưỡng rời bỏ nhà cửa, tài sản. Một số người đã sơ tán vẫn cố quay lại nhà hôm 14/2 để lấy quần áo và tài sản có giá trị, nhưng bị buộc phải quay lại vì núi lửa liên tục phun đá và bụi, bay xa tới 200km. Những ngôi làng gần núi lửa nhất hầu như trở thành màu trắng xám hoàn toàn. Bụi dày khiến người đi bộ và phương tiện gặp nguy hiểm khi di chuyển trên đường.
Đỉnh Kelud cao 1.731m rung chuyển nhiều tuần nay và bắt đầu phun trào tối 13/2. Các chuyên gia Indonesia nói rằng, đợt phun trào này đang giảm dần cường độ và sẽ trở nên tĩnh lặng hơn trước khi phun trào đợt mới mạnh hơn.
Lần gần đây nhất mà núi lửa này phun trào là năm 1990, khiến vài chục người thiệt mạng. Đợt phun trào năm 1919 giết chết khoảng 5.000 người.