Nữ tướng công an: Có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm mua sắm thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk). Ảnh Như Ý
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk). Ảnh Như Ý
TPO - Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân cho rằng, do có vướng mắc về mặt pháp lý nên có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư, mua sắm trang thiết bị trực tiếp.

Chiều 25/7, thảo luận tại Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) quan tâm đến vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế. Đại biểu Xuân cho rằng, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết thì nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, do có vướng mắc về mặt pháp lý nên có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ, dựa vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư, mua sắm trang thiết bị trực tiếp. Chưa kể có thể xuất hiện một số tình huống phát sinh phức tạp hơn nữa.

Đáng lưu ý, Tướng Xuân cho rằng, không nên đưa nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV lần này, mà cần có một Nghị quyết, chuyên đề riêng, tên gọi riêng.

“Trong khi nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa thể sửa đổi, bổ sung, thì việc ra một Nghị quyết riêng của Quốc hội là cần thiết, khách quan, tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành”, đại biểu cho hay.

Đại biểu tỉnh Đắk Lắk đánh giá, dù kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm.

Chính vì vậy, việc tiết kiệm chi ngân sách là rất cần thiết, cần tính toán để tiết kiệm chi thường xuyên. "Tạm dừng đầu tư các dự án đầu tư công không cần thiết, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19", nữ đại biểu cho hay.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị có giải pháp kết hợp chuỗi sản phẩm, lưu thông hàng hóa đến các đô thị và các vùng dịch, đảm bảo vận chuyển nông sản nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất. Qua đó, Chính phủ cần có các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng và trồng thêm cây xanh.

“Tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cùng với việc thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tại các đô thị, nông thôn, rừng tập trung do Thủ tướng Chính phủ phát động, cần giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh có rừng điều tra, đánh giá thực hiện Dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng sau 10 năm kết thúc dự án”, đại biểu nêu.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cùng quan tâm đến vấn đề dịch bệnh, và cho rằng, chúng ta phải sống trong bối cảnh bình thường mới chứ không thể trở về cuộc sống bình thường cũ được nữa.

"Chúng tôi lo lắng rằng nếu không có các giải pháp mạnh, cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu đã được đề ra trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì hậu COVID-19 khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng”, đại biểu cho hay.

Nữ đại biểu đoàn Thanh Hoá cho rằng, nếu nguồn lực không được bố trí đầy đủ để thực hiện các mục tiêu kế hoạch này thì chúng ta sẽ rất khó thực hiện được mong muốn Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Đồng bào ở miền núi có nhắn nhủ chúng tôi rằng, khi ở thành phố, đô thị miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán, không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở vùng miền núi khó khăn, vùng dân tộc rất ít khi nhìn thấy mặt của đồng tiền, nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp, tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch”, đại biểu bày tỏ.

MỚI - NÓNG