Nữ tiến sĩ 16 năm “ôm” virus

Kiểm định chất lượng vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế.
Kiểm định chất lượng vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế.
Gần 20 năm nghiên cứu về rotavirus, PGS - TS Lê Thị Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế đã cùng đồng sự sản xuất ra vaccine ngừa tiêu chảy, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu đứa trẻ.

Đoạn trường đi đến thành công

Việt Nam là nước thứ 4 (sau Bỉ, Mỹ và Trung Quốc) sản xuất thành công vaccine ngừa tiêu chảy.

Theo TS Luân, trong 5 năm đầu đời, trẻ em trên khắp thế giới đều bị tiêu chảy do rotavirus. Tại Việt Nam, tiêu chảy do rotavirus cũng chiếm đến 50% các ca bệnh tiêu chảy. Hàng năm, số trẻ tử vong vì bệnh này chiếm khoảng 4-8% tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì mọi nguyên nhân.

Hàng nghìn trẻ đã tử vong vì căn bệnh quái ác, cũng là hàng nghìn bà mẹ phải gánh chịu nỗi đau sinh ly, tử biệt. TS Luân cho biết, virus có trong phân, có khả năng tồn tại rất lâu trên tay, trên sàn nhà và các đồ vật bị nhiễm, do đó, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Vào năm 2008, nước ta đã cho phép nhập vaccine ngừa rotavirus, tuy nhiên, giá thành quá đắt, rất ít người dân có điều kiện cho con sử dụng.

Từ năm 1998, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất chương trình giám sát bệnh tiêu chảy của trẻ ở Việt Nam. TS Luân và các đồng nghiệp đã lao vào cuộc chiến với rotavirus.

Lúc đó, TS Luân không thể ngờ đoạn trường mình trải qua lại dài dằng dặc như vậy. Nhưng với tấm lòng người mẹ, với mong muốn ngăn chặn bệnh tật hoành hành, TS Luân cùng đồng nghiệp đã không ngừng “chiến đấu” với con virus chết người này.

TS Luân tâm sự, nhiều lúc, chị tưởng mọi cố gắng đã đi vào ngõ cụt khi điều kiện tại Việt Nam còn thiếu thốn. TS Luân đã “ôm” con virus sang tận Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để tìm môi trường thuận lợi phát triển virus trên tế bào. Thành công, chị lại mang virus đã được nuôi cấy về Việt Nam, mất thêm 2 năm nữa để tìm ra quy trình phù hợp.

Suốt 10 năm, vaccine mới được nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm và đưa ra thí nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. TS Luân lại mất nhiều năm để thí nghiệm trên hơn 100 con khỉ tại đảo Rều (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) để đánh giá tính an toàn và khả năng phòng bệnh của vaccine.

TS Luân tâm sự: “Run nhất là giai đoạn thử nghiệm trên người. Lúc đầu, chúng tôi chọn được 30 người lớn tình nguyện thử nghiệm. Sau kết quả an toàn, chúng tôi lại lựa chọn hơn 300 trẻ em 6-12 tuần tuổi tham gia thử nghiệm. Cho dù cha mẹ trẻ đã được tư vấn kỹ, đồng ý ký vào các giấy tờ về pháp lý nhưng sau khi cho trẻ uống vaccine chúng tôi vẫn mất ăn mất ngủ ”.

Cho đến khi các xét nghiệm cho thấy, các cháu uống vaccine đều đáp ứng miễn dịch tốt, không gây ra phản ứng phụ, hay biến chứng nguy hiểm thì TS Luân và đồng nghiệp vỡ òa hạnh phúc. Để “chắc ăn” hơn nữa, nhóm nghiên cứu lại tiếp tục thử nghiệm trên 800 trẻ và cho kết quả miễn dịch tốt.

Vaccine “thuần” Việt

Đến tháng 5.2012, sau 16 năm nghiên cứu, rotavin-M1 chính thức được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường. Đến nay đã có 100.000 trẻ tại 60 tỉnh, thành được tiêm vaccine rotavin-M1.

“Hiện nay, trên thế giới chỉ có Mỹ, Bỉ, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam sản xuất thành công vaccine Rota. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt Nam” – TS Luân khẳng định.

Vaccine rotavin-M1 ngừa tiêu chảy có giá hơn 600.000 đồng/liều, rẻ hơn 1/3 lần so với vaccine ngừa tiêu chảy nhập ngoại cùng loại. Vaccine để uống (không được tiêm), liều đầu tiên cho trẻ từ 6 -10 tuần tuổi; liều thứ 2 cách liều 1 trong vòng 2 tháng.

Hiện trung tâm đã sản xuất 300.000 liều để cho uống tại các điểm chủng ngừa vaccine dịch vụ được ngành y tế cấp phép. Nghiên cứu trên thực địa lâm sàng hiệu quả phòng bệnh cho trẻ là trên 80%.

TS Luân cũng rất mong muốn vaccine rotavin-M1 sẽ được đưa vào chương trình chủng ngừa mở rộng để có thêm nhiều trẻ em có cơ hội ngừa bệnh tiêu chảy. Khi đó, Trung tâm có khả năng đáp ứng 3-4,5 triệu liều/năm.

Với những công trình nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine ngừa bệnh tiêu chảy, TS Luân đã vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Kovalepxkaia vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 này. Đó là giải thưởng xứng đáng dành cho người phụ nữ dành cả đời trong phòng thí nghiệm, tìm cách phòng bệnh cho biết bao nhiêu trẻ nhỏ.

Theo Tuấn Kiệt

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG