Nữ thi sĩ trên thương trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Những tổn thương cứ trẻ nguyên sao chẳng chịu già” là một trong những câu thơ được độc giả yêu thích của nhà thơ Trần Thị Lưu Ly. Hiện nay, chị đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng. Độc giả yêu thơ Việt có lẽ còn chưa biết, song song với việc làm thơ, người phụ nữ không chịu nhận mình là doanh nhân này còn đồng hành và tham gia định hướng một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa có tiếng ở thành phố Cảng.

Công ty TNHH Vân Long là “đứa con” được chăm chút bởi hai vợ chồng nhà thơ Trần Thị Lưu Ly. Chị kể: “Đầu tiên chúng tôi làm xuất khẩu, sau đó mở thêm mảng sản xuất nhựa. Đó là nhựa phụ trợ cho lắp ráp đồ gia dụng như máy hút bụi, máy điều hòa, tủ lạnh…Hay nhựa phụ trợ trong máy in…”. Vân Long đang là đối tác uy tín của nhiều thương hiệu hàng đầu như LG Electronics, JX Nippon…

Con đường nào khiến người phụ nữ có tâm hồn bay bổng như Lưu Ly lại chọn sản xuất đồ nhựa? Chị cười, đáp: “Công việc này tôi không làm một mình được. Khi làm xuất nhập khẩu chúng tôi mới phát hiện, ngoài nhu cầu nguyên liệu, các nhà sản xuất ở Việt Nam còn có những nhu cầu khác, như vỏ bình ắc quy, không thể mang từ nước ngoài về vì rất cồng kềnh, nếu sản xuất được ở trong nước sẽ đỡ công đoạn vận chuyển, giúp giảm giá thành, tiết giảm chi phí cho cả người sản xuất và người mua hàng của công ty Vân Long. Từ đây, chúng tôi mới nghĩ phải đi vào lĩnh vực sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm chất lượng tốt cho khách hàng của mình thay vì nhập khẩu nước ngoài”. Công ty TNHH Vân Long được thành lập từ năm 1999. Trước đây, thi sĩ Trần Thị Lưu Ly từng có một công việc ổn định trong ngành du lịch nhưng chị mạnh dạn bỏ việc nhà nước để “tự bơi”.

Nữ thi sĩ trên thương trường  ảnh 1

Trần Thị Lưu Ly (áo trắng)

Sau hơn 20 năm Vân Long đã có 2 nhà máy sản xuất với nhiều trang thiết bị hiện đại. Không con đường nào trải hoa hồng. Để “nuôi” Vân Long lớn như hiện nay, vợ chồng Trần Thị Lưu Ly đã trải qua nhiều khó khăn, có thể đúc thành kinh nghiệm vượt “bão”: “Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải khi thành lập doanh nghiệp xuất khẩu đó là vấn đề vốn và kinh nghiệm quản lý. Sau khi củng cố được kinh doanh xuất nhập khẩu, chúng tôi lại tìm hiểu đầu tư vào sản xuất thì vấp phải khó khăn về công nghệ sản xuất và quản lý sản xuất. Mỗi giai đoạn của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam thay đổi cũng tác động không ít đến doanh nghiệp. Như năm 2008, khủng hoảng phố Wall, là giai đoạn khó khăn của Vân Long. Hay năm nay, với tỷ giá và lãi suất đều “phi mã” khiến Vân Long cũng phải “oằn” lưng gánh chịu”.

Trong kinh doanh, người phụ nữ đất Cảng muốn tạo giá trị bền vững, chị “ngại” quảng cáo công ty. Còn với văn chương chị chỉ viết những gì mình cảm nhận được và khắt khe với chính mình: “Thơ không được nằm ở tầm câu lạc bộ mà phải chuyên nghiệp”, chị nói. Trần Thị Lưu Ly ưu tiên viết thật với tâm tư, đánh giá dở/hay tùy thuộc người đọc. Cũng như quan điểm trong kinh doanh, chị không muốn quảng bá văn chương của mình, cứ để “hữu xạ tự nhiên hương”: “Đặc thù của văn chương lạ lắm, thơ hợp người này lại chưa chắc hợp người kia và ngược lại. Cứ lăng xê lại thành ra méo mó”.

Thời dịch bệnh, khó khăn về chip điện tử khiến việc lắp ráp máy giặt, tủ lạnh, ti vi… bị ngưng trệ. Điều này dẫn đến sản xuất nhựa phụ trợ bị chậm lại. Những người chèo thuyền phải điều chỉnh sản xuất, tạm dừng sản xuất hay sản xuất ít đi. Tuy nhiên, Vân Long lại nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối: “Khi các doanh nghiệp khác không sản xuất được dẫn đến tình trạng công nhân phải nghỉ việc, họ phải đi tìm việc. Mà, không chỉ công nhân, cả những quản lý ở cấp trung và cao cấp cũng sa vào tình trạng tương tự. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vốn lớn, trình độ quản lý tốt, thông thường họ trả thu nhập cao cho nhân lực mà họ muốn thu hút. Nhưng khi họ bị khủng hoảng, chúng tôi lại mời chính những nhân lực đó về làm cho doanh nghiệp của mình”, chị Trần Thị Lưu Ly chia sẻ. Tâm nguyện của vợ chồng nữ thi sĩ là phải xây dựng doanh nghiệp của Việt Nam tiếp thu tinh hoa trong quản lý nhân lực, quản lý sản xuất của người nước ngoài.

Nữ thi sĩ trên thương trường  ảnh 2

Trần Thị Lưu Ly

Kích thích văn hóa đọc

Đã từng điều hành trực tiếp công ty, sau này khi mọi việc vào quỹ đạo, chị Lưu Ly chuyển sang vai trò định hướng, dành việc điều hành cho đội ngũ anh em có năng lực và tin cậy. “Những năm gần đây, tôi chỉ tham gia với vai trò hội đồng thành viên và vai trò kiểm soát”, chị chia sẻ. Vì thế nữ thi sĩ có nhiều thời gian hơn cho thơ và cho việc đọc sách.

Yêu văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng khi hướng nghiệp chị lại chọn Đại học Thương mại. Bao năm mưu sinh, văn chương vẫn đau đáu trong chị. Đến năm 2010, nhân sự kiện của gia đình, Trần Thị Lưu Ly tập hợp những bài thơ đã sáng tác rải rác để in tập thơ chung với chồng. Sau đó, chị tiếp tục ra những tập thơ riêng. Năm 2018, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta thường nghĩ văn chương và thương trường là hai mảng đối lập, người theo đuổi chúng khó làm vẹn toàn cả hai. Song Trần Thị Lưu Ly nghĩ khác: “Tham gia trực tiếp vào việc mua bán hay điều hành trực tiếp công ty, đó là đụng vào vật chất, đụng vào tài chính. Còn văn chương là tinh thần. Nhưng bay bổng mà thiếu thực tế thì làm sao nói được những vấn đề của con người, vấn đề của cuộc sống? Nhờ điều hành công ty, đi vào những vấn đề liên quan vật chất, tôi cảm nhận cuộc sống xung quanh tốt hơn. Những cuộc giao lưu với nhiều người từ trong nước và ngoài nước giúp tôi hiểu hơn về con người, về thế giới tâm hồn, thế giới xúc cảm phong phú, đa dạng. Đến một lúc nào đó những trải nghiệm tự nhiên đi vào văn chương”. Tất nhiên chị cũng thừa nhận, việc kinh doanh từng chi phối đam mê văn chương, đôi lúc ý hay đến với chị, chị muốn viết nhưng mải lao vào công việc, cuối cùng chúng bị trôi đi: “Không viết ngay là quên nhưng nếu lao vào viết lại không giải quyết được những công việc khác. Đây là mâu thuẫn”. Nhưng thi sĩ Trần Thị Lưu Ly hứa hẹn: Năm 2024, muộn nhất là năm 2025, chị sẽ cho ra mắt tập thơ mới.

Tôi hỏi: Nhân viên trong công ty có thích thơ của lãnh đạo không? Chị cười, không trả lời thẳng câu hỏi: “Tôi hướng nhân viên vào văn hóa đọc, không chỉ đọc thơ, bất kể sách vở gì hữu ích cho tâm hồn, cho hiểu biết tôi đều khuyến khích họ đọc”. Văn hóa đọc được đưa vào văn hóa công ty. Chị còn “bật mí” bất ngờ: “Năm vừa rồi, tôi mua Giai phẩm Xuân của Tiền Phong, tặng anh em mỗi người một cuốn.

MỚI - NÓNG