Việt Nam có hai huy chương vàng
IChO 46 được tổ chức tại Việt Nam, từ ngày 21 đến 28/7. Trong số 291 thí sinh dự thi có 28 em đoạt huy chương vàng, trong đó Việt Nam có hai em là Phạm Mai Phương và Phạm Ngân Giang (đều là học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Nội - Amsterdam).
Đặc biệt, trong số ba em đạt điểm cao nhất có Phạm Mai Phương của Việt Nam (hai em còn lại một của Singapore, một của Ucraine). Ngoài ra ban tổ chức còn trao 63 huy chương bạc, 92 huy chương đồng cho các thí sinh tham dự. Hai thí sinh còn lại của Việt Nam là Đỗ Việt Hưng (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) và Đoàn Quốc Hoài Nam (Trường THPT Chuyên Quốc học Huế) đều đoạt huy chương bạc. Đây là một kết quả khá cao so với thành tích đi thi IChO của Việt Nam kể từ khi chúng ta bắt đầu tham gia kỳ thi này (từ năm 1997).
Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học, các thầy cô giáo và các học sinh đến từ 77 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự cuộc thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2014, lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
“Các em học sinh chính là những chủ nhân của cuộc thi này - một cuộc thi mà tất cả chúng ta là người chiến thắng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hóa học là một trụ cột quan trọng của khoa học cơ bản. Những thành tựu của khoa học hóa học đã đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của nhân loại.
“Trong kỷ nguyên khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ ngày nay, sự phát triển của khoa học hóa học sẽ tiếp tục là lĩnh vực khoa học được quan tâm, thúc đẩy ở cả tầm quốc gia và toàn cầu. Ở Việt Nam, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển và trọng dụng những tài năng khoa học công nghệ, trong đó có những tài năng về hóa học”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Cô gái vàng của IChO 2014
Chia sẻ với báo giới tại lễ bế mạc, Phạm Mai Phương cho biết mình làm bài khá tốt, dù xảy ra một sự cố nho nhỏ hôm thi lý thuyết. Hôm đó Mai Phương sốt, thậm chí đến gần cuối giờ còn bị ngất xỉu. Vì thế, kết quả bài làm lý thuyết của em không mỹ mãn như mong đợi vì thế mạnh của em chính là lý thuyết. Tuy nhiên, đề năm nay khá là vừa sức với học sinh Việt Nam nên các bạn trong đoàn khá phấn chấn.
“Sau buổi thi, bọn em và mấy bạn Đài Loan, Mỹ trao đổi đáp số với nhau thì thấy kết quả tương đối sát với nhau nên mọi người đều tự tin là mình làm tốt”, Mai Phương kể.
Cũng theo Mai Phương, đề thi hơi dài nhưng bao quát được các lĩnh vực mà hóa học hiện nay đang quan tâm. Các thí sinh nói chung đều nhận xét đề thi hay, đặt ra được nhiều thách thức với những người thi.
Một may mắn với thí sinh Việt Nam là câu thực hành về muối két vô cơ tuy gây nhiều khó khăn cho thí sinh nước ngoài nhưng đội Việt Nam đều làm được rất tốt.
“Tôi rất ấn tượng với những gì trải nghiệm ở Việt Nam. Từ đề thi đến sự đón tiếp nhiệt tình của người Việt Nam”.
GS Peter Wothers,
Chủ tịch Ủy ban Olympic
Hóa học quốc tế
Cả bố và mẹ của Mai Phương cũng đều có mặt tại lễ bế mạc - chị Bùi Thanh Huyền và anh Phạm Quang Đạt. Họ đều là những dược sĩ, nghề mà liên quan nhiều tới lĩnh vực hóa học nên việc Mai Phương quyết tâm chọn học chuyên hóa khi vào THPT khiến họ đều cảm thấy rất vui.
Anh Phạm Quang Đạt cũng cho biết, khi còn là học sinh THCS Phương học chuyên toán. Kỳ thi vào THPT, Phương đỗ điểm rất cao vào chuyên toán của ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng rồi em đã tự tìm hiểu rồi quyết định học chuyên hóa của Hà Nội - Amsterdam. Dù học hóa, Phương vẫn rất thích học toán. Ngoài ra, Phương còn dành sự đam mê cho âm nhạc.
Dự định của Phương là sẽ tìm học bổng để du học ở Mỹ.