Bê bối y tế Trung Quốc:

'Nữ hoàng vaccine' và con đường thành đại gia Trung Quốc

Cao Tuấn Phương là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.
Cao Tuấn Phương là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.
TP - Sự nghiệp của người được mệnh danh là “nữ hoàng vaccine”, một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã sụp đổ sau khi một trong những bê bối y tế lớn nhất nước bị phanh phui.

Trên một con phố đông đúc ở thành phố Trường Xuân, hai nhân viên an ninh đang gác bên ngoài một  khối nhà lớn nhưng vắng hoe. Tấm biển trên tường ghi:  “Viện Sản phẩm sinh học Trường Xuân”. Bên kia đường là khu tập thể dành cho những người của viện  đã về hưu. Nhiều người ở đây vẫn còn rất sốc khi chứng kiến Cao Tuấn Phương, người nổi lên trong ngành dược với danh hiệu “nữ hoàng vaccine” của Trung Quốc lại dính vào một trong những vụ bê bối y tế lớn nhất nước trong nhiều năm trở lại đây.

Từ gái quê thành tỷ phú USD

'Nữ hoàng vaccine' và con đường thành đại gia Trung Quốc ảnh 1

Từ một cô gái trẻ ở nông thôn.

Là chủ tịch và cũng đóng vai trò một trong những cổ đông lớn nhất của công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh - “đứa con đẻ” của Viện Sản phẩm sinh học Trường Xuân, bà Cao có tên trong danh sách một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.

Nhưng sau khi hàng trăm ngàn liều vaccine DPT “3 trong 1” của công ty Trường Sinh (phòng uốn ván, ho gà và bại liệt) bị phát hiện là kém chất lượng, dây chuyền sản xuất vaccine phòng dại bị phát hiện có gian lận về số liệu, sự nghiệp của “Cao đại gia” lung lay dữ dội.

Kể từ hôm 23/7 đến nay, 18 người, trong đó có bà Cao, các nhân viên thuộc quyền và một số người liên quan đến hoạt động của công ty, đã bị bắt, theo SCMP.

Mặc dù số phận của Cao Tuấn Phương sẽ được tòa án định đoạt, nó vẫn đương nhiên gây đồn đoán bởi bà Cao là một trong những  người siêu giàu tại Trung Quốc theo danh sách năm 2016 của tạp chí Forbes, với tài sản ước tính ở mức 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng).

Đối với một số người đã chứng kiến bà Cao, từ một cô gái quê trở thành tỷ phú USD, nhân vật trung tâm của câu chuyện bí ẩn này có tên là Trương Gia Minh, cựu viện trưởng Viện Sản phẩm sinh học Trường Xuân.

“Nếu ai đó biết rõ điều gì đã khiến bà Cao giàu lên như thế, đó phải là Trương Gia  Minh”, một bà lão ngoài 80 tuổi, người nhận mình đã làm ở Viện Sản phẩm sinh học Trường Xuân mấy chục năm trước khi nghỉ hưu vào những năm 90 của thế kỷ trước, nói.

Mặc dù một số tờ báo đưa tin rằng Cao, sinh năm 1954, là con gái của bí thư tỉnh ủy Cát Lâm, bà thực ra xuất thân trong một gia đình bình thường ở vùng nông thôn trong tỉnh.

Sau khi tốt nghiệp một trường kỹ thuật, cô Cao vào Viện Sản phẩm sinh học Trường Xuân làm việc ở vị trí kế toán, trong những năm 70 của thế kỷ trước, theo lời cựu đồng nghiệp. Xinh xắn, giao thiệp tốt, có kiến thức kế toán, dễ gần, bà rất được lòng cấp trên. Đáng kể hơn cả, Cao rơi vào mắt xanh của viện trưởng Trương.

Ông già ngoài 80 Lý Trường Thái từng làm phó cho viện trưởng Trương nhiều năm. Gần đây, khi phóng viên hỏi, ông Lý nói trong viện ai cũng biết Trương và Cao có mối quan hệ gần gũi.

Lý nói ông biết mọi chuyện từ khi ông bị ép làm thủ tục thăng chức cho Cao Tuấn Phương. Công ty tiền thân của Trường Sinh là Trường Xuân Industry được thành lập năm 1992, có chức năng làm kinh tế cho viện. Trương chỉ định Cao, lúc đó là kế toán trưởng, làm phó tổng giám đốc của công ty thành lập và đề cử Cao kế nhiệm ông ta. Còn ông Lý làm tổng giám đốc.

Chưa đến hai năm sau, năm 1994 Cao thay Lý làm tổng giám đốc công ty Trường Xuân Industry và bắt đầu xây dựng đế chế riêng của mình.

Gom cổ phần

Giai đoạn đầu của thiên niên kỷ mới, Trung Quốc tiến hành cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp kém hiệu quả bị tư nhân hóa, cổ phần hóa,  sáp nhập hoặc giải thể.

Một số người coi đây là bước tiến đại nhảy vọt của Trung Quốc trong tham vọng trở thành nền kinh tế thị trường, nhưng cũng có người chỉ trích vì cho rằng nhiều tài sản công đã dần rơi vào tay tư nhân với sự giúp sức của các quan chức tham nhũng.

Tại công ty Trường Sinh, quá trình tư nhân hóa bắt đầu diễn ra từ năm 2003, một năm sau khi nó đổi tên từ danh xưng cũ là Trường Xuân Industry.

Trong giai đoạn cổ phần hóa, bà Cao đã tìm đủ cách để nắm giữ 35% cổ phần, trị giá 40 triệu Nhân dân tệ, theo tờ Tin tức Bắc Kinh.  Bà Cao bị nói là  dùng thủ đoạn ép nhân viên cũ của công ty bán lại cổ phiếu để giành quyền kiểm soát.

Trước khi bê bối vaccine nổ ra, công ty Trường Sinh có giá tính theo cổ phiếu là 24 tỷ Nhân dân tệ. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định nghiêm ngặt về chuyện cấm ban lãnh đạo công ty nhà nước cổ phần hóa mua cổ phần của công ty, lãnh đạo tỉnh thành phố Trường Xuân vẫn bật đèn xanh cho lãnh đạo Trường Sinh. Giá cổ phiếu lúc Cao mua vào thấp hơn rất nhiều so với giá bán ra công chúng, theo tờ Nhà quan sát Kinh tế. Nhưng chính quyền thành phố Trường Xuân vẫn quyết định bán tài sản nhà nước cho tổng giám đốc Cao Tuấn Phương.      

Có một câu hỏi mà cho đến nay đồng nghiệp của Cao tại công ty vẫn chưa hiểu làm thế nào bà ta có đủ 40 triệu Nhân dân tệ để mua cổ phần tại thời điểm ấy. “Năm 1993, thu nhập cả năm của tôi mới được 15.000 Nhân dân tệ”, người từng là trưởng phòng sản xuất của Trường Sinh nói.
MỚI - NÓNG