Tại Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc sáng 30/12, GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, chưa bao giờ đất nước cần động lực khoa học và công nghệ như lúc này để phát triển các ngành, lĩnh vực.
Bà kể trong suốt 32 năm làm nghiên cứu, nhà khoa học phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính. Theo GS, mỗi nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu, nhà khoa học phải mất đến 50% năng lượng để làm những công việc không liên quan gì đến khoa học nhưng không làm thì không thể thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nữ GS mong muốn, với một số lĩnh vực KHCN phù hợp cần mạnh dạn thực hiện cơ chế quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả về tài chính, hướng tới mục tiêu đề ra, giải phóng 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho chuyên môn. Bà đề xuất, ngay khi thực hiện đề tài nhiệm vụ nên đi kèm mức kinh phí cho nghiên cứu để giảm ít nhất 5-7 cuộc họp mà ở đó các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu có khi cò kè từng đồng.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà. |
Bà cũng chia sẻ thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ KHCN, nhà khoa học gặp ma trận khó khăn, phải thực hiện những điều kiện mà nhà khoa học rất khó đáp ứng được. Vì vậy, nữ GS mong muốn quá trình thể chế hoá chính sách về KHCN luôn luôn tính đến đặc thù của nghiên cứu khoa học công nghệ, nhà khoa học.
Bà cho rằng, Dự thảo Luật KHCN sửa đổi đã mang đến những tư duy đột phá, giải quyết những bất cập mà các nhà khoa học đã kiến nghị nhiều năm nay, chẳng hạn như vấn đề rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chính sách khoán chi, ưu đãi thuế hay cơ chế Quỹ. Tuy nhiên, nữ GS cho rằng, cần lưu ý đến tính khả thi khi áp dụng. “Chúng tôi là người lăn lộn làm trực tiếp nên thấu hiểu quy định là thế nhưng khi thực hiện có rất nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc thể chế phải chú ý đến tính khả thi”, bà nói.
Nữ GS đặc biệt đề nghị cơ quan chức năng sớm đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vùng đệm, hay còn gọi là “vùng thung lũng chết” trong nghiên cứu, đó là vùng đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm thành sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Theo GS Hà, vùng đệm này tốn rất nhiều chi phí mặc dù rủi ro không quá cao như nghiên cứu khoa học. “Tôi biết nhiều người phải hy sinh cái này, cái kia, cá nhân tôi phải mang sổ đỏ đi cắm để thực hiện đam mê của mình, để cố gắng đưa kết quả nghiên cứu đi qua vùng đệm tạo ra sản phẩm thương mại, có sự đóng góp cho đất nước, thực sự khó khăn vất vả vô cùng”, nữ GS kể.
Nhà khoa học bày tỏ mong muốn, quản lý KHCN sẽ có sự đồng hành cùng các nhà khoa học đến sản phẩm cuối cùng để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm, cần đầu tư có trọng tâm, đầu tư đến ngưỡng, cùng nhà khoa học vượt qua điểm nghẽn trên con đường từ nghiên cứu đến nhà máy.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. GS Vũ Thị Thu Hà mong muốn, Nghị quyết sẽ nhanh chóng được thể chế hoá theo hướng giải phóng 100% năng lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tối đa hoá giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, mở ra một cơ hội bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra một dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.
Thúc đẩy nghiên cứu theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng
GS Vũ Thị Thu Hà cũng đề xuất cần thúc đẩy các nghiên cứu theo các hướng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chú trọng ưu tiên phát triển chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng cao. Bà cũng cho rằng, cần hiểu biết sâu sắc về lợi thế đặc thù về nguồn nguyên liệu của Việt Nam trước nhu cầu về vật liệu trên thế giới để có chính sách thúc đẩy nhanh chóng quá trình chế biến sâu, tránh nguồn lợi đó bị thất thoát.