'Nữ 3 giỏi' ở tận cùng đất Mũi

Cô Lý Hòa Ly đang dạy học sinh. ẢNH: HÒA HỘI
Cô Lý Hòa Ly đang dạy học sinh. ẢNH: HÒA HỘI
TP - Gần chục năm nay, cô giáo trẻ dân tộc Khmer Lý Hòa Ly tận tụy gieo chữ cho con em dân tộc ở đất mũi Cà Mau- tận cùng Tổ quốc. Cô Ly được chọn là 1 trong 63 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội vào dịp 20/11.

“Nữ 3 giỏi”

Cô giáo Lý Hòa Ly (35 tuổi) dạy học ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), giáp biển Tây Nam. Cô Ly gắn bó với ngôi trường gần 10 năm nay.

Ngôi trường được thành lập từ năm 2003, thuộc xã vùng sâu, vùng xa có đông đông bào Khmer sinh sống, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 11,9%. Nhiều năm về trước, học sinh đến trường đa phần phải đi xuồng ghe, gần đây đường sá được đầu tư nên học sinh đỡ vất vả hơn.

Với lòng yêu nghề, yêu đồng bào dân tộc mình, cô Ly luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo trong hoạt động quản lý nội trú và giảng dạy của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhớ lại chặng đường đã qua, cô Ly chia sẻ: “Đồng nghiệp đánh giá về tôi và phong tặng “nữ 3 giỏi” - việc nhà, việc trường, việc nội trú. Tôi vui lắm!”.

Nhớ lại những năm đầu tiên đi dạy học, cô Ly cho biết, nhà ở xa trường hơn chục cây số, chồng công tác xa nhà. Một mình cô vừa lo công việc giảng dạy vừa chăm 2 con nhỏ rồi quản lý thêm các em ở nội trú. Thấy hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cho cô mượn căn phòng ở tạm trong trường để thuận tiện công việc. “Hai vợ chồng với đồng lương ít ỏi, làm cả chục năm vẫn chưa mua nổi căn nhà để ở. Nhiều đêm ngẫm nghĩ cũng buồn nhưng vợ chồng luôn động viên nhau. Mỗi ngày thấy nụ cười trên gương mặt học trò và được cống hiến tri thức giúp con em đồng bào mình là cũng vui rồi”, cô Ly bộc bạch.

Ðồng cảm với trò nghèo

Gần 10 năm gắn bó với nghề, cô Ly luôn tận tụy và nhiệt tình giúp đỡ các học trò. “Trăm nghe không bằng mắt thấy khi trực tiếp ở, tiếp xúc và quản lý các em nội trú. Hoàn cảnh các em còn khó khăn hơn rất nhiều. Các em chỉ mới 11 - 12 tuổi đã phải sống xa cha mẹ để được học tập. Trong số đó, nhiều em có cha mẹ đi làm thuê ở Bình Dương hoặc bố mẹ ly hôn. Một năm các em chỉ được gặp cha mẹ một vài lần, thiếu tình thương của cha mẹ dẫn đến các em thiếu tự tin trong giao tiếp, kỹ năng sống. Nhìn những em đó tôi cảm thấy thương xót vô cùng, rất đồng cảm với các em”, cô Ly chia sẻ.

Một trong những học sinh đang ở nội trú có hoàn cảnh khó khăn là em Sơn Chí Khải, học lớp 7. Nhà Khải cách trường gần chục cây số. Bố Khải thường xuyên đi đánh bắt cá ngoài biển khơi, còn mẹ đi làm thuê. Chỉ 2 ngày cuối tuần Khải mới được về thăm bố mẹ. “Về nhà em lại tranh thủ đi biển để phụ cha. Em sẽ cố gắng học để sau này có nghề nghiệp và việc làm ổn định để có thể giúp đỡ cha mẹ”, Khải nói.

Còn em Thạch Thị Điệp (học sinh nội trú), có cha mẹ đi làm thuê ở Bình Dương. Ở nhà Điệp sống cùng ông bà nội. “Cha mẹ mỗi năm về thăm nhà một lần vào dịp tết, còn lại suốt tuần em ở trường học và được thầy cô, đặc biệt là cô Ly chăm sóc, động viên những lúc khó khăn trong cuộc sống”, Điệp chia sẻ.

Là người trực tiếp quản lý các em ở nội trú, cô Ly luôn trăn trở làm thế nào để nâng chất lượng bữa ăn, chế độ chính sách cho học sinh. Đặc biệt, điều cô quan tâm nhất là làm thế nào để các em xác định được ước mơ và có đủ niềm tin để theo đuổi ước mơ của mình.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, dự kiến tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Thủ đô Hà Nội. Mỗi thầy cô giáo được tuyên dương sẽ nhận 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng.

Thầy Đoàn Văn Lạc, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi nhận xét, cô Lý Hòa Ly luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc và rất tích cực với học sinh, đặc biệt là các em ở nội trú. Mặc dù điều kiện khó khăn, vất vả nhưng cô vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và bằng khen cấp tỉnh.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.