Với tư cách là một thành viên quan trọng trong BTC "Lễ hội Áo dài 2016" sắp tới, bà có thể cho biết về mục đích, ý nghĩa và lý do ra đời của sự kiện này?
Chúng ta đều hiểu rằng, áo dài có một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đã có rất nhiều những sự kiện tôn vinh áo dài trên khắp các miền đất nước. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, chúng tôi là những Nhà thiết kế mong muốn dâng tặng một chương trình áo dài với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của bản sắc dân tộc trong tính nhân văn vốn có của áo dài.
Nhà thiết kế Minh Hạnh là một người đã có công rất lớn trong việc đưa tà áo dài Việt Nam vượt ra ngoài lãnh thổ, gây ấn tượng sâu đậm trong mắt bạn bè quốc tế.
Những điểm nhấn thú vị trong sự kiện lần này là gì, thưa bà?
Lần này, các nhà thiết kế chọn cho mình một loài hoa như sự tương kính dành cho phụ nữ. Không chỉ thế, áo dài lần này mở rộng hơn: Áo dài dành cho phụ nữ lớn tuổi, dành cho đàn ông lớn tuổi, dành cho thiếu nhi và đặc biệt có cả áo dài dành cho người khuyết tật. Những người mẫu không chỉ là những người mẫu chuyên nghiệp mà chính là sự xuất hiện của những nhan sắc một thời và vẻ đẹp này đã ghi dấu sâu đậm trong tình cảm của người Việt Nam. NSND Trà Giang, NSND Ngọc Lan, NSND Như Quỳnh sẽ lần đầu tiên làm người mẫu trình diễn áo dài trên sân khấu. Ngoài ra, các nghệ sỹ tên tuổi khác như: NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Vũ Dậu, NSƯT Minh Châu… Đặc biệt là sự xuất hiện của nữ Đại sứ Ý và nữ Đại sứ Anh quốc cũng sẽ gây nhiều bất ngờ khi xuất hiện với tư cách người mẫu.
Các Nhà thiết kế tham gia sự kiện lần này bao gồm những tên tuổi nào và tiêu chí lựa chọn nhà thiết kế tham gia ra sao?
Với tinh thần tự nguyện dâng tặng cho ngày Quốc tế Phụ nữ, các Nhà thiết kế đã quyết tâm cùng đóng góp để tổ chức. Có tất cả 18 Nhà thiết kế trong cả nước cùng tham gia sự kiện lần này. Tại Hà Nội có các Nhà thiết kế như: Hà Duy, Minh Minh, Thương Huyền, Nhi Hoàng, Quang Huy, Hùng Việt, Vũ Việt Hà, Thương Huyền, Đức Hải, Lan Hương, Cao Minh Tiến, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chu La, Genviet, Ngọc Hân; đến từ xứ Huế có: Xuân Hảo, Viết Bảo và từ TP.HCM là Công Huân, Phương Thanh, Minh Hạnh.
Không còn phải băn khoăn gì về vẻ đẹp vĩnh cửu của chiếc áo dài. Với góc độ của một Nhà thiết kế thời trang thì áo dài còn có giá trị tiếp biến. Tuy nhiên, trong sự phát triển quá nhanh hiện nay, những giá trị này cũng dễ dàng bị “đánh lừa” vì sự vay mượn giá trị truyền thống và dễ trở thành thảm họa. Việc tôn vinh áo dài vào những ngày ý nghĩa và tại một không gian thiêng liêng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là trách nhiệm của những Nhà thiết kế.
Vậy bà nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của đội ngũ Nhà thiết kế áo dài hiện nay?
Ngày càng nhiều những Nhà thiết kế mong muốn được chạm đến chiếc áo dài và cũng chính vì thế ngày càng nhiều những Nhà thiết kế chuyên tâm cho chiếc áo dài. Và thực tế cũng đang có ngày càng nhiều người dân tìm đến với áo dài và mặc áo dài trong nhiều sự kiện quan trọng của năm. Trong dịp Tết vừa qua, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều gia đình đã chọn cho tất cả thành viên những chiếc áo dài phù hợp và họ rất kiêu hãnh khi mặc áo dài ra đường để du xuân trong những ngày đầu năm mới. Đây là một tín hiệu rất đáng tự hào và vui mừng.
Theo bà, một tà áo dài như thế nào được gọi là đẹp hoặc hợp chuẩn với truyền thống và thời đại?
Tôi sẽ không trả lời như thế nào là đẹp bởi vẻ đẹp tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân. Tôi chỉ muốn nói rằng, chiếc áo dài có linh hồn, chính vì thế khi thiết kế hoặc khi mặc cần phải biết giữ gìn cho linh hồn chiếc áo dài mãi mãi được thanh cao.
Khó nhất chính là điều này, bản lĩnh hay không cũng là câu chuyện này. Cần phải cân bằng truyền thống và tính thời đại. Để giữ được linh hồn áo dài mãi mãi thì người sáng tạo và người sử dụng cũng cần hướng đến sự thanh cao.
Bà có trăn trở gì về sự tồn tại và phát triển của áo dài Việt Nam hiện nay?
Cũng có quá nhiều điều cần nói nhưng chúng ta cần những nguồn năng lượng tốt để dâng tặng cho áo dài. Khi chúng ta đi tìm Mỹ thì Chân, Thiện là điều phải được nuôi từ lúc mới sanh ra. Áo dài làm chúng ta tự hào và đó chính là động lực để phát triển.
Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin. Chúc bà năm mới nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui và thành công. Chúc Lễ hội Áo dài thành công tốt đẹp.
Lễ hội Áo dài 2016 mang chủ đề “Áo dài của chúng ta” sẽ diễn ra từ ngày 1/3 đến 4/3 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đêm nghệ thuật trình diễn áo dài sẽ diễn ra vào đêm 4/3 theo hình thức kể một câu chuyện về tà áo dài Việt Nam. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Hà Nội
Trước đó, Lễ hội Áo dài đã được tổ chức lần thứ nhất vào tháng 3/2014 tại Công viên Đầm Sen - TP. HCM với chủ đề “Áo dài và hoa”. Trong khuôn khổ của Lễ hội Áo dài 2014 có nhiều chương trình ca múa nhạc và biểu diễn thời trang áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng, hội thi vẽ áo dài trên giấy, hội thi duyên dáng áo dài, diễu hành áo dài và hoa… Đặc biệt là các cuộc triển lãm chuyên đề như: “Áo dài Việt Nam qua khói lửa chiến tranh”, “Áo dài Việt Nam xưa và nay”, “Triết học Âm Dương trong áo dài Việt Nam” và tư vấn “Trang phục áo dài đẹp”…
Lễ hội Áo dài lần hai được tổ chức vào tháng 3/2015 tại TP. HCM với chủ đề “TP. HCM – Thành phố Áo dài”. Hơn 40 đơn vị doanh nghiệp, các nhà thiết kế - nghệ nhân áo dài và thương hiệu áo dài lâu năm ở TP.HCM tham gia Lễ hội. Trong khuôn khổ sự kiện có chương trình biểu diễn nghệ thuật áo dài của các nhà thiết kế trẻ, cuộc thi Duyên dáng áo dài, Ảnh đẹp áo dài, Vẽ tranh áo dài…Hoa khôi Áo dài 2014 Lan Khuê là hình ảnh đại diện đồng hành suốt lễ hội.
Ngoài ra, trong các kỳ Festival Huế hàng năm, Lễ hội Áo dài luôn là một điểm nhấn không thể thiếu. Lễ hội Áo Dài qua nhiều năm đã đi vào lòng người dân Việt vì sứ mệnh của sự gìn giữ vẻ đẹp truyền thống dân tộc đã được phát huy và mạnh mẽ hơn qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên cả nước.