NSND Anh Tú trưởng thành cùng NSND Lê Khanh, Lan Hương, NSƯT Chí Trung, Minh Hằng từ những ngày đầu thành lập. Cho tới khi Anh Tú sang Nhà hát Kịch Việt Nam, họ vẫn giữ tình đồng nghiệp, tình bạn gắn kết.
“Anh Tú thực sự thăng hoa rong những năm tháng phụ trách nghệ thuật Nhà hát Kịch Việt Nam. Huy chương trong nghệ thuật không phải hoàn toàn là yếu tố khẳng định bản thân, nhưng điều đó chứng minh sự ghi nhận công lao của anh ấy làm vẻ vang thêm cho Nhà hát”, NSND Lê Khanh nói.
Chị bảo biết Anh Tú phải cố gắng rất nhiều khi lựa chọn về Nhà hát Kịch Việt Nam gánh vác công việc. “Các thế hệ lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam cố gắng làm vẻ vang truyền thống Nhà hát đã khó, Anh Tú khó khăn gấp 10 lần vì bị sức ép rất lớn. Anh Tú từng nhiều lần tâm sự bị so sánh vì Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam có hai phong cách khác nhau”, Lê Khanh chia sẻ.
“Cuộc đời Anh Tú ngắn nhưng đáng sống. Những gì trong số năm làm nghề ít ỏi, đặc biệt trong những năm cuối đời anh ấy làm được bằng cả cuộc đời thậm chí bằng nhiều cuộc đời. Có nhiều nghệ sĩ chỉ ước mơ nhưng không thực hiện được, nhưng Anh Tú thực hiện được tất cả những gì anh ấy muốn. Tôi thấy những gì bạn mình để lại ngày một lớn”, NSND Lê Khanh.
Trả lời câu hỏi Tiền Phong về những vai diễn ấn tượng của cặp đôi Anh Tú-Lê Khanh khi còn ở Nhà hát Tuổi trẻ, chị nhắc về Vũ Như Tô và Rừng trúc. Trong vở Vũ Như Tô của tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Anh Tú đóng Vũ Như Tô và Lê Khanh đóng Đan Thiềm.
“Vở này đến bây giờ nó càng thấy rõ ý nghĩa của sinh mệnh được chọn làm ngành nghệ thuật. Vai Vũ Như Tô hiện thân cho tư tưởng khát vọng của nghệ sĩ, Đan Thiềm xuất hiện ít là nhân vật có quyết định quan trọng để Vũ Như Tô bước qua tự ái cá nhân, quan lại trong chiều với tư tưởng không tin tưởng, không trọng vào nhân tài đất Việt, để quyết định xây cửu trùng đài cho chúa Trịnh.
Đây là vở lớn xuyên thời gian không gian. Đó cũng là vở có kỷ niệm lớn đóng cùng Anh Tú. Giọng nói nghệ sĩ này làm cho người ta luôn tin tưởng. Anh có giọng rất đẹp.
Vở Rừng trúc chúng tôi đóng hai vợ chồng của triều vua trớ trêu cuối Lý đầu đời Trần. Lý Chiêu Hoàng dưới sự sắp đặt của mẹ và thái sư Trần Thủ Độ kết duyên với Trần Cảnh, để một năm sau nhường ngồi cho Trần Cảnh. Những vai ấy không có Anh Tú chắc chắn tôi và vở kịch không thể toả sáng, đẹp và có nhiều giá trị như thế”, Lê Khanh khẳng định.