Nghĩa trang TNXP Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nghĩa trang Thọ Lộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nghĩa trang Tân Ấp ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ba nghĩa trang cùng chung một điểm là rất nhiều liệt sĩ quê Thanh Hóa. Đặc biệt hàng loạt tên ghi ngày hy sinh 27/10/1967 và ngày 8/5/1972... Nghĩa là, rất nhiều TNXP có chung một ngày giỗ.
Huyền thoại đường 20 Quyết Thắng
Trước 1965, chưa có đường 20. Miền Bắc chi viện cho miền Nam theo đường Trường Sơn độc tuyến. Mùa mưa, xe qua Xeng Phan (Lào), đường ngập trong nước, vận tải vào Nam bị cắt suốt mấy tháng. Cấp bách, Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở tuyến vượt khẩu thứ hai: Đường 20 Quyết Thắng tránh Xeng Phan, phá thế độc tuyến. Lệnh vô cùng sáng tạo và táo bạo. Sau hơn 3 tháng quyết liệt, ngày 14/4/1966, đường 20 Quyết Thắng khai thông, dài 125 km. Bắt đầu những huyền thoại: Hang Tám cô, Hang Y tá Nguyễn Thị Sặng, anh hùng phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Liệu...
Địa danh hang Tám Cô, người ta nói nhiều rồi. Họ gồm 4 nam, 4 nữ TNXP đều 18-20 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Họ hy sinh ngày 14/11/1972, khi bị bom Mỹ đánh sập cửa hang.
Về địa danh hang Y tá hay còn gọi là Hang chị Sặng cũng đã thành huyền thoại. Anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội cựu TNXP Thanh Hóa, kể: "Chị Sặng, đơn vị C211, người phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa. Chị làm y tá, làm cấp dưỡng. Khi máy bay đến, TNXP trú ở hang ven đường 20, nơi chị Sặng chăm sóc, băng bó thương binh. Lính lái xe và TNXP gọi là hang Y tá. Chị Sặng hy sinh năm 1972 sau chuyến đưa thương binh về Phà Xuân Sơn. Sau này, rất nhiều huyền thoại về hang này. Hang Chị Sặng quen thuộc và thiêng liêng với TNXP và lính lái Trường Sơn đến nỗi, lái xe qua đây, từ Bắc vào hay từ Nam ra, đều dừng xe thắp hương cho chị, mong chị phù hộ cho xe an toàn. Chị Sặng được nhân dân, chiến sĩ ở đường 20 gọi là nữ chúa rừng xanh. Hiện nay, mộ chị đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Nhưng tên chị vẫn còn trên đường 20 và đã thành huyền thoại.
Anh Lê Mạnh Dũng, TNXP Thanh Hóa thời kỳ 1971-1972, người cùng đi trong đoàn, kể lại: “Chị Sặng cùng đơn vị tôi, C211, đội N25. Một ngày đầu tháng 9/1972, lệnh trên là tiếp tục hạ dốc Ba Thang đường 20 để thuận tiện cho xe ta vào chiến trường đỡ phải leo dốc. Sáng, sau khi hạ dốc Ba Thang xong, buổi chiều, máy bay Mỹ ném bom luôn. Đường mới, đất mới khác màu, địch phát hiện rất nhanh. Lệnh trên phải sơ tán ngay vào rừng sâu. Nhưng hôm sau, chưa kịp ổn định chỗ ở, máy bay lại đánh chỗ sơ tán. Chị Sặng hy sinh đúng hôm đó...Sau chiến tranh, đơn vị tôi về thăm lại đường 20 thì ngay cửa hang chị Sặng, thấy một bia đá có tên chị là Y tá Nguyễn Thị Sặng, hy sinh ngày... tháng 9 năm 1972, quê Thanh Hóa. Họ tên, địa điểm hy sinh là chính xác nhưng mộ chị đã đưa về qui tập ở Nghĩa trang Thọ Lộc, Quảng Bình chứ không phải ở nơi đặt bia. Khi chúng tôi đến, cạnh bia vẫn có bát hương nghi ngút khói. Ai làm bia? Mọi người đánh dấu hỏi. Lần sau chúng tôi vào đường 20 đã thấy có miếu thờ chị Sặng”.
Trận chiến ác liệt ngày 27/10/1967
Anh Nguyễn Hữu Oanh, sinh năm 1950, đơn vị TNXP 115, đơn vị anh hùng, kể lại: “... Sáng ngày 27/10/1967, đơn vị tôi ra mặt đường 20. Không may, toàn đơn vị bị lộ. Máy bay Mỹ đã tập trung hỏa lực dội bom bi, làm hầu hết TNXP hy sinh. Cứu thương cấp cứu không kịp”.
Anh Lâm, Phó Chủ tịch Hội TNXP kể thêm trận chiến đấu ngày 27/10/1967: “... Sáng hôm đó, đơn vị pháo của bộ đội ta, trên đường vào chiến trường, đến khu vực tôi đóng quân thì trời sáng. Ngụy trang bị lộ, hai chiếc máy bay OV10 của Mỹ phát hiện ra trận địa pháo và khu vực TNXP làm đường. Suốt từ trưa đến 5 giờ chiều, địch ném bom liên tục xuống khu vực chúng tôi. Anh em hy sinh hầu hết, chỉ còn tôi và anh Lạc bị thương nặng. Tôi đưa anh đi cấp cứu nhưng anh đã tắt thở. Đầu trận đánh, đơn vị tôi chỉ hy sinh 2 người nhưng việc cấp cứu bị lộ, máy bay quay lại ném bom tiếp làm thương binh hy sinh hết. Tổng cộng hôm đó, liệt sĩ 35 người, trong đó TNXP 11 người và 24 bộ đội”.
Anh Nguyễn Hữu Oanh kể tiếp trận 27/10/1967: “ ... Tối hôm ấy, chôn cất đồng đội xong, những người còn lại trở về lán trại trong rừng. Nhìn hai chảo cơm to, nấu xong còn nguyên. Nhiều người sáng ra mặt đường, tối không về nữa. Những người ngồi vào mâm không ai cầm được nước mắt, họ lại đứng dậy. Làm sao nuốt nổi cơm khi đơn vị vơi người đi quá nhiều. Đêm không được đốt đèn. Tôi nhìn những con đom đóm lập lòe bay trong đêm. Sao đêm ấy những con đom đóm to đến thế.
Vào sạp trong lán còn tang thương hơn. Những ô nằm của đồng đội như những ô ăn quan thời trẻ. Những màn màu xanh rủ xuống là có người ngủ, những sạp không bỏ màn là những đồng đội không bao giờ về nữa. Đếm bao nhiêu màn không bỏ xuống sạp là biết bấy nhiêu người đã hy sinh...”.
Những giọt nước mắt ở nghĩa trang Tân Ấp
Lần này trong 3 nghĩa trang TNXP (Vạn Ninh, Thọ Lộc, Tân Ấp) được đến viếng, đặc biệt đều có TNXP Thanh Hóa và nhiều người hy sinh trong một ngày. Tất cả ba nghĩa trang đều có những người bạn của các cựu TNXP trong đoàn. Trong 100 người đi viếng có đến 2/3 là nữ TNXP. Xem tên trên mộ có tên bạn chiến đấu họ đều bật khóc. Đến nghĩa trang Tân Ấp, một chị cựu TNXP khóc bạn gái: “Th ơi, hôm ấy đáng lẽ mi không chết nhưng mi xung phong ra mặt đường thay cho tau vì tau đến tháng, mà mi chết. Hu hu...”. Nghe đoạn khóc bạn ấy, tôi bật khóc.
Trong chuyến về lại đường 20, vấn đề phiên hiệu và chính sách cho TNXP mà anh em đã nói với tôi, cứ ám ảnh mãi. Trước khi chia tay đường 20 Quyết Thắng, tôi hỏi anh Lê Trung Sơn, chủ tịch Hội: Vấn đề cấp bách nhất với TNXP Thanh Hóa hiện nay là gì? Anh Sơn trả lời: Có ba vấn đề cấp bách tồn đọng hiện nay về TNXP Thanh Hóa: Phiên hiệu TNXP tình nguyện, chính sách cho phiên hiệu đó và một số trường hợp về thương binh liệt sĩ. Thanh Hóa có nhiều TNXP được huy động đi làm nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng kinh tế nhưng lại mang phiên hiệu khác và có tên là Thanh niên tình nguyện. Bản chất họ làm nhiệm vụ TNXP nhưng chính vì phiên hiệu khác nên chính sách cho họ theo TNXP sau này rất khó giải quyết. Đến năm 2019, về cơ bản chính sách chế độ cho TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết, nhưng còn tồn đọng chưa giải quyết chính sách được là hơn 25.000 người có liên quan đến phiên hiệu. Trong số thanh niên tình nguyện đó, có 9.772 người đi trước 30/4/1975 và 15.500 người đi sau 1975. Đây cả là một vấn đề. Về thương binh liệt sĩ, còn một số trường hợp Thanh niên tình nguyện đi làm đường bị đất đá lấp mà hi sinh hay bị thương nhưng chứng minh chưa rõ ràng nên chưa được giải quyết. Nhiều thanh niên tình nguyện đã ngoài 70, bao năm không có chế độ gì. Khi viết đơn xin đi TNXP họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Đi phục vụ Tổ quốc. Hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề chính sách, chế độ cho TNXP vẫn tồn đọng. Đó là nỗi niềm của bao người đang sống.
Tôi hỏi anh Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Cựu Hội TNXP Việt Nam, anh nói rằng: Về cơ bản, chính sách TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết ổn thỏa, chỉ còn một số rất ít tồn đọng. Ít là bao nhiêu. Thanh Hóa còn 25.000 TNXP mang tên Thanh niên Tình nguyện, con số ấy gợn lên nhiều điều.