Đó cũng là nguyên nhân khiến nơi đây lần đầu tiên được chọn tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Xác con tàu cổ 700 năm ở “nghĩa địa tàu cổ” Bình Châu. Ảnh: Trần Tuấn
Hội thảo (do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức) khai mạc sáng nay 15/10 với 170 đại biểu, trong đó có 48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 17 quốc gia.
Trong lịch sử giao thương, vùng biển Bình Châu (Bình Sơn) không lạ gì trên bản đồ hàng hải quốc tế với một mũi đất nhô ra biển được gọi là mũi Ba Làng An. Phía nam mũi Ba Làng An là cảng Sa Kỳ, phía bắc là eo biển Vũng Tàu. Với địa thế đó, trên hải trình của “con đường tơ lụa” trên biển Đông hàng trăm năm trước, tàu buôn của thương gia các nước thường ghé vào eo biển Vũng Tàu neo đậu mỗi khi gặp bão tố, hoặc vào mua bán, tiếp tế lương thực, nhiên liệu…
“Có không ít tàu bị sự cố dẫn đến chìm tại eo biển này, nên nơi đây giờ được xem là một nghĩa địa tàu cổ” - TS Đoàn Ngọc Khôi - Phó GĐ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết.
Nghĩa địa tàu cổ
Nghĩa địa tàu cổ này chính thức được khám phá từ năm 1999, do Công ty trục vớt VISAL (Cục Hàng hải Việt Nam) phối hợp tỉnh Quảng Ngãi khảo sát. Kết quả phát hiện tại Hòn Nhàn có nhiều đồ gốm sứ xanh trắng đời Minh, đáy ghi hiệu Tuyên Đức niên chế (1426 -1435).
“Hội thảo sẽ xác lập tư liệu cho việc lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa khảo cổ học dưới nước, để Quảng Ngãi trở thành điểm đến nghiên cứu trao đổi khoa học cũng như đào tạo phát triển ngành khảo cổ học dưới nước”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích
Mở rộng khảo sát về phía bắc của Vũng Tàu phát hiện nguyên xác thuyền buồm cổ bị đắm, cách bờ khoảng 20m, ở độ sâu khoảng 4,5m. Tiếc rằng, xác con tàu sau đó không còn nguyên do ngư dân lặn dùng mìn đánh hỏng.
Qua hiện vật thu giữ được, giới khảo cổ nhận định con tàu cổ đắm vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Cuối năm 2012, con tàu cổ Bình Châu 2 (khoảng 700 tuổi) cũng được phát hiện tại eo biển Vũng Tàu, được tỉnh cho phép Công ty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương khai quật trong năm 2013 bằng phương pháp đóng cừ Larsen.
Tàu có chiều dài 23,4m, ngang rộng nhất là 5,6m, thân chia làm 13 khoang, 12 vách ngăn. Dấu tích còn lại trên thân tàu cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm. Hiện vật thu được bao gồm đồ dùng thủy thủ đoàn và hàng buôn bán, trong đó đồ men ngọc ở vào thế kỷ 13, đồ men nâu có niên đại ở thế kỷ 14.
Gần đây, dấu tích con tàu cổ thứ 3 cũng được phát hiện tại vùng biển Vũng Tàu. “Chưa thấy khu vực nào có nhiều di sản văn hóa biển phân bố một cách dày đặc như ở vùng biển Vũng Tàu - Bình Châu, với 8 tàu cổ đắm được phát hiện (5 tàu bị cá nhân khai quật trái phép, 3 tàu đã và đang thăm dò, khai quật có tổ chức).
Các tàu này tập trung trong phạm vi hẹp, cách bờ biển chừng 300m, sâu chỉ từ 2 - 4m” - thạc sĩ Đoàn Sum, Chủ tịch HĐQT công ty Đoàn Ánh Dương, cho biết.
Bí ẩn trong lòng biển Lý Sơn
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia khảo cổ học dưới nước, cho biết: Khảo sát bước đầu, phát hiện nhiều hiện vật gốm sứ, phiến đá Balad cổ nằm ở độ sâu dưới mặt nước 4 - 10m, dưới rạn san hô, cách nhau khoảng 70m ở khu vực gần bờ đảo Bé (xã đảo An Bình, Lý Sơn). Đây được xem là dấu tích bước đầu của hai con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Lý Sơn.
Theo ông Lâm, phiến đá Balad là nguyên vật liệu dùng để giằng hai bên mạn thuyền buồm nhằm cân bằng trong quá trình di chuyển. Còn hiện vật gốm sứ thu được có niên đại từ thế kỷ 15 - 17. Được biết, trước năm 2007, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đã phối hợp Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ học dưới nước xung quanh vùng biển Lý Sơn và xác định ở đây có dấu tích của nhiều tàu cổ bị đắm.
Đặc biệt còn tìm thấy cả vòng kiềng đồng sản xuất ở Tây Ban Nha. Có thể khẳng định, trên hải trình của “con đường tơ lụa” qua vùng biển Việt Nam, trong đó có Lý Sơn, một số thương thuyền bị sự cố dẫn đến đắm chìm tại đây.
Mới đây, đội thợ lặn của công ty Đoàn Ánh Dương cũng phát hiện vòm đá dài hơn 10m ở vùng biển gần bờ đảo Bé. Ông Lâm khẳng định, đây là dấu tích dung nham núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, có nhiều dải san hô tuyệt đẹp và độc đáo so với nhiều vùng biển khác trong cả nước.
Vòm đá cách mặt nước khoảng 6m, uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20m. Đỉnh của mái vòm cao so với đáy biển nơi cao nhất khoảng 5m. Điều kỳ lạ ở đây là, vòm đá được phát hiện dưới đáy biển đảo Bé tuy lớn hơn nhưng có hình thù, kết cấu không khác gì mấy so với cổng tò vò ở trên mặt đất của đảo Lớn thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh.
Cùng với các di chỉ khảo cổ học giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh cách đây trên dưới 3.000 năm chảy dọc bờ biển trong tỉnh, thì Quảng Ngãi cũng đang sở hữu một kho báu di sản văn hóa dưới biển khá phong phú và độc đáo. Vấn đề là cần được quy hoạch, bảo tồn, để mỗi người dân trong vùng sống hài hòa và có trách nhiệm với các di sản này.