Nông thôn mới tư duy

Nông thôn mới tư duy
TP - Từ lẻ tẻ gần chục năm trước đến đầu năm 2011 này, hàng trăm xã ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng loạt triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đang tạo nên những thay đổi sâu rộng.

Nếp sống văn minh

Trường tiểu học A Vĩnh Phú Đông ở xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu) có quang cảnh đáng chú ý. Không phải ở những dãy phòng học hai tầng khang trang mới xây, không phải vẻ sung túc xung quanh. Thậm chí, còn thấy sự nghèo nàn của vùng quê chưa giàu ở cổng rào cũ, con đường lầm bụi. Đáng chú ý là sự quang đãng của cổng trường với tấm bảng “khu vực cấm mua bán - 50 m”.

Ở đây không còn như nhiều nơi khác, hàng quán bu đầy cổng trường. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông cho biết, từ khi kè bờ sông trước cổng trường, con đường làng mở rộng, xã kiên quyết tổ chức lại nếp sống văn minh trật tự nơi công cộng, không chỉ ở trường học, còn chợ, bến xe, bến đò.

Những thay đổi cụ thể như thế đang diễn ra sâu rộng ở huyện Phước Long, một trong năm huyện chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới toàn quốc giai đoạn 2010-2020, hiện đã kè được 130 km bờ sông rạch. Bờ sông được kè, giao thông mở ra gần 700km đường nhựa và bê tông, bắc mới và sửa chữa gần 1.000 cầu.

Dăm năm trước, ô tô khó đến trung tâm huyện, nay thông suốt đến trung tâm 8 xã, thị trấn. Bí thư Huyện ủy Trần Hoàng Duyên cho biết, kinh phí xây dựng do dân đóng góp hơn nửa. Các xã, thị trấn đều đã có nhà văn hóa và đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tổ chức lại sản xuất

“Chúng tôi quy hoạch lại các vùng sản xuất để khai thác tiềm năng lợi thế”, Bí thư Trần Hoàng Duyên nói thêm. Phước Long thuộc vùng trũng, thấp hơn các địa phương xung quanh 0,2 - 0,3m, thuần nông, được tính toán để phát triển đa canh, xoay quanh lúa-tôm-cá-màu. Tôm có tôm sú, tôm càng xanh; cá nước ngọt, nước mặn và cá sấu (nay hơn 200.000 con).

Đòn bẩy là khuyến khích phát triển trang trại để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. So với 5 năm trước, ở Phước Long hiện nay, số trang trại tăng 400%; sản lượng thủy sản tăng 50%, lúa tăng 30%; thu nhập đầu người tăng 2,5 lần.

Kinh tế hội nhập toàn cầu, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế là hướng đi cho kết quả tốt đẹp ở nhiều địa phương. Xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) một thời rất nghèo vì ngả nghiêng giữa lúa và tôm, từ khi kết hợp lúa-tôm thì khá. Giống lúa đặc sản ST đưa xuống ao tôm cho năng suất cao và tôm lại ít dịch bệnh. Lúa-tôm thắng lợi, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển, mỗi năm nộp thuế hơn 10 tỷ đồng.

Ở xã cực nghèo Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) lại kiên quyết bỏ cây lúa, tập trung nuôi tôm sú. Đất ở đây nhiễm mặn nặng, một thời ngọt hóa để làm lúa, năng suất cao nhất chỉ đạt 1,2 tấn/ha. Đồng lúa Mỹ Long Nam khi đó là “cánh đồng chó ngáp”.

Khi tập trung nuôi tôm sú, thủy lợi và dịch vụ khoa học kỹ thuật cũng tập trung, huyện và tỉnh cử cán bộ chuyên trách xuống giúp đỡ, lợi nhuận từ đất tăng vụt lên, bình quân mỗi héc-ta 200 triệu đồng. Một vụ tôm sú, sản lượng hơn 3.100 tấn, trị giá gần 400 tỷ đồng. Xã hồi nào nghèo xơ xác, đường về rất trắc trở, nay đang phấn đấu, tháng 6-2011 sẽ cứng hóa hệ thống thủy lợi và tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 35%.

Được Mùa
Được Mùa.

Khoa học kỹ thuật

Mỹ Long Nam nuôi tôm thắng lợi nhờ thuê kỹ sư thủy sản. Bà con ký hợp đồng với kỹ sư giỏi, trả công 5% lợi nhuận. Mỗi vụ tôm bình quân 4 tháng, có kỹ sư nhận được cả trăm triệu đồng. Kỹ thuật được coi trọng từ khi quyết định bỏ cây lúa; huyện giúp xã đầu tư hệ thống thủy lợi và huấn luyện kỹ thuật nuôi tôm trước, sau đó mới triển khai nuôi. Ba năm nay, phát triển nuôi tôm sạch nên 100% diện tích có lời, điển hình như ông Nguyễn Văn Hồ ở ấp 5, nuôi 2,7 ha năm 2010 lãi 2,2 tỷ đồng. “Dân Mỹ Long Nam bây giờ tự hào giỏi kỹ thuật nuôi tôm”, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Nam Nguyễn Văn Trãi nói “nên còn được các đại lý dịch vụ hỗ trợ vốn, thức ăn, thuốc thú y”.

Ở xã Trung An (Thốt Nốt, Cần Thơ), ông Nguyễn Văn Hậu có 1,6 ha đất, trước đây làm lúa theo kinh nghiệm, chi phí lớn nên lợi nhuận thấp. Ông được hướng dẫn trồng lúa chất lượng cao, trồng thêm rau, bầu bí. Ông cho biết: “Riêng vụ dưa hấu năm nay, tôi lời trên 60 triệu đồng”. Xã Trung An thu nhập bình quân mỗi héc-ta đất gần 70 triệu đồng, thúc đẩy thương mại-dịch vụ và ngành nghề phát triển chiếm hơn 67% tổng giá trị kinh tế.

Cổng trường học quang đãng với “khu vực cấm buôn bán-50 mét”
Cổng trường học quang đãng với “khu vực cấm buôn bán-50 mét”.

Bà con ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) tập trung hơn 100 ha ruộng để làm lúa chất lượng cao. Một doanh nghiệp phân bón ứng vật tư nông nghiệp, Cty Gentraco (Cần Thơ) bao tiêu sản phẩm, bà con sản xuất thắng lợi, đời sống mọi mặt đều lên, ấp Thầy Ký hiện là điển hình nông thôn mới của Cần Thơ. Nông dân xã Viên Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) làm gần 2.000 ha lúa thơm ST5, đã mua hơn chục máy gặt đập liên hợp, trong đó có một gia đình mua 4 chiếc.

Xây dựng nông thôn mới, khoa học kỹ thuật được coi trọng từ khâu lập quy hoạch. Bí thư Huyện ủy Phước Long Trần Hoàng Duyên tâm đắc: “Chúng tôi mời một doanh nghiệp từ Cần Thơ về lập quy hoạch cho các xã. Xác định phương hướng, công trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, không hô hào khẩu hiệu chung chung như trước”.

Giai đoạn 2010-2020, Trung ương chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới ở 5 tỉnh, 5 huyện, 11 xã, trong đó ĐBSCL có tỉnh An Giang, huyện Phước Long (Bạc Liêu), xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) và xã Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang).

Vùng ĐBSCL đang triển khai xây dựng nông thôn mới 43 xã (tỉnh Bạc Liêu), 36 xã (TP Cần Thơ), 30 xã (tỉnh An Giang), 30 xã (Đồng Tháp), 22 xã (Cà Mau), 22 xã (Vĩnh Long), 17 xã (Trà Vinh), 11 xã (Hậu Giang).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.