“Nóng” quản lý vàng, bất động sản

“Nóng” quản lý vàng, bất động sản
TP - Ngày thứ hai (27/9) của Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2013 các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được mổ xẻ. Vấn đề quản lý thị trường vàng, giải quyết khủng hoảng thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá dưới nhiều góc độ.

> Vàng độc quyền - Vì ai?
> 'Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt'

Theo PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, khoảng 5 năm lại đây, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến vàng trở thành công cụ trú ẩn lý tưởng của cả thế giới. Quy mô của thị trường vàng nước ta rất lớn, việc tích trữ vàng miếng đứng vào top các quốc gia hàng đầu trên thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc.

“Phải coi vàng đúng theo chức năng của nó, đó là một loại tiền tệ đặc biệt, để tránh tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế thì không được xem vàng là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, thị trường vàng phải được lưu thông một cách bình thường, khi người dân có nhu cầu bán vàng để lấy tiền chi tiêu hoặc đầu tư, kinh doanh, họ phải thực hiện được một cách dễ dàng. Có như vậy mới có thể huy động được số vàng đang cất trữ trong dân để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế”, ông Long phân tích.

TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn biến động khó lường, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới việc quản lý, phát triển thị trường vàng Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Liên quan đến thị trường BĐS, GS-TSKH Đặng Hùng Võ “điểm mặt” những khiếm khuyết đối với quy hoạch BĐS, góp phần gây nên những khủng hoảng thiếu - thừa kéo dài ở lĩnh vực này. Đáng chú ý như, quá trình đô thị hóa chưa được xem xét đồng bộ giữa chuyển dịch vốn đầu tư, đất đai, lao động. Ông Võ lấy ví dụ, thành phố Vạn Tường (Dung Quất, Quảng Ngãi) có khả năng thu hút dân cư, tạo việc làm từ khu kinh tế, nhưng không đủ hạ tầng xã hội nên người lao động lại quay về các khu dân cư nông thôn để sinh sống. Ngược lại, nhiều khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển có kết cấu hạ tầng khá tốt, nhưng hoạt động kinh tế rất chậm, không tạo được việc làm để thu hút dân cư.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, sự phục hồi của thị trường BĐS phụ thuộc chủ yếu vào các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của các nhà đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường. Từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương cũng như địa phương, cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng. Các nhà đầu tư cũng cần tính tới việc tái cấu trúc doanh nghiệp, trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua một lộ trình dài hạn. Mặt khác, người tiêu dùng với lượng vốn ước tính khoảng 400 tấn vàng còn trữ trong dân sẽ có vai trò rất lớn trong phục hồi thị trường BĐS nếu niềm tin được khôi phục.

Tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau hơn một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng hợp pháp của người dân được đảm bảo; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; việc sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu vàng nhập lậu được ngăn chặn; sự biến động của giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được chấn chỉnh; thị trường ổn định, thu hẹp sự mất cân đối về cung - cầu vàng trong nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG