Nông nghiệp nhờ “cò”

Nông nghiệp nhờ “cò”
TP - ĐBSCL đang rộ thu hoạch lúa đông xuân trong tình hình thiếu máy gặt đập và càng nổi lên vị trí “cò máy gặt đập” không thể thay thế, cũng như các doanh nghiệp chỉ mua trực tiếp với nông dân được khoảng 30% sản lượng, còn lại phải qua thương lái với “cò”.

> Làm nhiều lúa vẫn nghèo
> Thu hoạch lúa trong đêm

Gắn bó với nông dân

Thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có hơn 4.200 ha lúa đông xuân, đã vào vụ thu hoạch “đông ken” nhưng chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phan Thanh Cường lo lắng, không biết kiếm máy gặt đập liên hợp ở đâu cho nông dân, vì “gieo sạ đồng loạt theo lịch ngành NN&PTNT nên lúa chín đồng loạt”. Một máy gặt đập liên hợp, một ngày chỉ thu hoạch được khoảng 5 ha với lúa đứng, còn lúa bị đổ thì ít hơn.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đang chủ trương mời gọi người có máy gặt đập ở các tỉnh khác về. Cùng lúc, ông Ba Thế là chủ máy gặt đập liên hợp ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) gần với thị trấn Kinh Cùng nói, ở xa đến biết nông dân nào cần cắt lúa, cắt ở đâu và cắt xong thì lấy tiền ở đâu? Còn nông dân ở ấp 4 xã Hoà An (Phụng Hiệp, Hậu Giang), hộ nhiều nhất chỉ có 1,5 ha ruộng lúa, đa số hộ chỉ có 0,2ha, không đủ diện tích để mà thuê máy gặt đập liên hợp.

Hai bên cần một dịch vụ trung gian để kết nối. Vai trò của “cò” nổi lên, có thể thấy là không thể thiếu trong nền nông nghiệp manh mún hiện nay.

Một “cò” ở xã Vĩnh Bình (Hoà Bình, Bạc Liêu) là ông Phan Trường Kỳ tâm sự, trong thời đại thông tin hiện nay, một cú điện thoại đã biết giá cả khắp nơi thì “cò” muốn tồn tại phải gắn bó với nông dân.

Theo ông Kỳ, “cò” phải chạy tới chạy lui từ trước khi thu hoạch cho đến sau thu hoạch, giúp cả nông dân bán lúa. Qua một vụ, ông Kỳ kiếm được vài chục triệu đồng tiền lời, và “mình làm tốt thì có mối mang làm ăn suốt đời”.

Dịch vụ mua lúa

Ông Kỳ kể tiếp, để giúp nông dân bán lúa, “cò” giới thiệu thương lái và còn đảm đương luôn việc gom lúa từ các hộ nhỏ lẻ để bán giá bằng hộ có nhiều lúa. Một vụ, “cò” Kỳ đã giúp được khoảng 200 hộ bán lúa.

Ông Nguyễn Văn Tình, thương lái ở chợ gạo Cái Bè (Tiền Giang), nói nếu không có “cò” giúp đỡ thì rất khó mua được nhiều lúa.

Còn lão nông Nguyễn Văn Sáu ở xã Vĩnh Thanh (Phước Long, Bạc Liêu) khẳng định, có “cò” nên nông dân làm lúa và bán lúa đều thuận lợi. Ông Sáu cười: “Nông dân giờ chỉ lo làm thôi, mọi việc đã có “cò” lo cho cả”.

Một số hợp tác xã nông nghiệp tồn tại cũng nhờ làm dịch vụ tiêu thụ lúa, làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

HTX Phú Bình ở xã Phú Đức (Tam Nông, Đồng Tháp) làm trung gian giữa xã viên và Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, được trả công 30 đồng/kg.

Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Ân phấn khởi, HTX có kinh phí hoạt động mà xã viên bán lúa cho Cty Võ Thị Thu Hà được cao giá hơn thị trường 200 đồng/kg.

Ông Đoàn Văn Hiền, GĐ Cty Võ Thị Thu Hà, cho biết nhờ HTX mà Cty xây dựng được cánh đồng mẫu lớn gần nghìn héc-ta, có nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu, không còn lo “bể” hợp đồng.

“Cò” đóng vai trò không thể thiếu trong nền sản xuất manh mún, làm dịch vụ cầu nối giữa các khâu trong chuỗi giá trị gia tăng hạt lúa.

Với vai trò đó, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn hiện nay ở ĐBSCL cũng đang nổi lên vai trò của “cò”.

Vì xây dựng cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp không thể làm việc trực tiếp với hàng nghìn hộ nông dân (bình quân mỗi hộ chỉ có 1 ha đất), hai bên còn không tin nhau.

Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Hồ Quang Cua cho biết, một số cán bộ khuyến nông và cán bộ bảo vệ thực vật đã đứng ra làm trung gian giữa doanh nghiệp với nông dân để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, có kết quả tốt.

Ông Nguyễn Minh Trí, Trạm trưởng Khuyến nông huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), đã làm cầu nối cho hàng trăm héc-ta lúa trong huyện. Ông Trí nói: Thực chất là đảm bảo việc thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG