Nông dân Thủ đô chong đèn cấy lúa

Vợ chồng anh Nhật-chị Hương đi cấy lúa lúc 2h sáng
Vợ chồng anh Nhật-chị Hương đi cấy lúa lúc 2h sáng
TP - Những tưởng cái thời “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” chỉ còn trong quá khứ, nào ngờ cảnh đó lại trở lại, thậm chí ngay giữa ngoại thành Hà Nội. Để kịp mùa vụ, tránh nắng nóng, nông dân lấy đêm làm ngày, chong đèn ra ruộng…

Ra đồng từ tờ mờ sáng

“Những trưa tháng 6 chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”… Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khắc họa như thế về nỗi vất vả của người nông dân để làm ra những hạt gạo trắng trong, thơm dẻo. Giờ đây, để tránh cái nắng nóng, nước ruộng như đun đó, nông dân ngoại thành Hà Nội đang tranh thủ trời đêm để đi cấy cho kịp mùa vụ.  

Nông dân Thủ đô chong đèn cấy lúa ảnh 1 Chị Nguyễn Thị Tình tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi cấy thuê

2h sáng, trời tối mịt, trên cánh đồng Cây Dừa, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật đã ra đồng, tranh thủ cấy lúa cho vụ mùa mới. “Tuần qua trời nắng quá, có hôm gần 40 độ nên chúng tôi quyết định đi cấy sớm, làm mấy hôm cho xong. Cấy đêm vất vả hơn làm ngày, nhưng nước mát, cây mạ dễ phát triển và người dân cũng đỡ cực”, anh Nhật nói. Gia đình anh Nhật có 4 sào ruộng. Những năm trước, hai vợ chồng mất 3 ngày để cấy xong, nhưng năm nay trời quá nắng buộc anh phải làm dài ngày hơn. “Vụ mùa tháng 6, nhà tôi lại tranh thủ cấy vào ban đêm hoặc rạng sáng, chứ để nắng lên mới xuống ruộng thì bỏng hết cả chân”, chị Lê Thị Hương, vợ anh Nhật, nói.

Theo anh Nhật, thời tiết 39 - 40 độ C, nước vừa ngấm vào đất đã bay hơi hết, thế nên, làm nông, một là phải trang bị chiếc máy bơm dã chiến để chống hạn, hai là phải “nhanh hơn trời”, làm đất đến đâu, gieo cấy đến đó. Không chỉ gia đình anh Nhật, nhiều người ở các xã Tam Hưng, Mỹ Hưng, Thanh Thủy... của huyện Thanh Oai cũng tranh thủ thời điểm mát mẻ để xuống đồng. Khoảng 18h, những chiếc máy làm đất bắt đầu hoạt động. Đất được nhào trộn để giảm nhiệt, dịu đi sau một ngày phơi nắng. Theo sau là bà con nông dân; họ dùng cào gom cỏ rối, là phẳng mặt ruộng, bón phân và xuống giống.

Nhộn nhịp nhất là sau bữa tối, từ khoảng 21h; những bóng người nhấp nhô, mang đủ đồ nghề, từ đèn, chậu tát nước tới mạ đi cấy lúa. Bà Nguyễn Thị Chiến (xã Thanh Thủy) nói: “Nhà tôi làm 1 mẫu, ruộng sâu thì cấy, ruộng cạn thì gieo. Mùa này, hoặc phải ra đồng khi mặt trời chưa tỏ, hoặc phải chiều muộn, nếu không giống sẽ bị luộc chín vì nắng nóng”. Ở ruộng kế bên, chị Lê Thị Tâm góp chuyện, những ngày này, lịch làm việc của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Ban ngày, mọi người làm các công việc nhà và nghỉ ngơi. Ban đêm, cả nhà ra đồng cấy lúa. Công việc làm đồng bắt đầu từ 17h, nhổ mạ rồi chuyển ra ruộng, rắc phân bón lót rồi mới cấy lúa. Vất vả, tốn tiền mua đèn mỏ, lúa cấy thì xiêu vẹo, không biết năng suất sẽ ra sao?

“Có những hôm 5 giờ chiều, tôi lội xuống ruộng cấy mà nước vẫn còn nóng bỏng chân, cây mạ còn non yếu không thể bén rễ, phát triển như bình thường. Nếu chờ trời hết nắng, mạ sẽ già, ruộng sẽ ngấu, thời vụ đến thì phải làm, không thể chờ đến hết đợt nắng nóng nên phải đi cấy đêm thôi. Một sào ruộng cho sản lượng vài tạ lúa, nếu chỉ trông chờ vào làm nông thì không đủ ăn. Vì thế, chúng tôi phải tranh thủ cấy vào sáng sớm, chiều muộn, còn ban ngày thì đi làm thuê ở các nhà máy, quán ăn... Đi cấy giờ này vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa tăng gia sản xuất”, chị Tâm nói.

Đang nhanh tay buộc mạ thành từng bó, bà Nguyễn Thị Lan cho biết, gia đình cấy 7 sào ruộng. Các con đứa đi học xa, đứa đi làm nên vụ cấy này chỉ có hai vợ chồng. “Để kịp thời vụ, tôi thường thức dậy từ 3 giờ sáng, ăn lót dạ rồi ra đồng. Khoảng 8-9 giờ, khi ánh nắng bắt đầu gay gắt là thu xếp để về. Buổi chiều, khi mặt trời tắt nắng lại tiếp tục đi làm đến 9 rưỡi, 10 giờ tối mới về. Cấy đêm là tốt nhất, không chỉ đảm bảo cho sức khỏe mà còn đảm bảo mùa vụ. Mấy vụ trước, chúng tôi cố cấy lúc trời nắng, nước ruộng nóng nên mạ bị héo, có đám phải cấy lại”, bà Lan kể.

Rong ruổi cấy thuê

Kết thúc vụ mùa của gia đình, nhiều nông dân tranh thủ thời gian tìm đến những địa phương gieo cấy muộn để cấy thuê, kiếm thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Tình (xã Thanh Thủy) đã trải qua 4 năm đi cấy thuê. Uống xong cốc nước mát, chị Tình tươi cười kể: “Nhà tôi ít ruộng, lại vào vụ sớm nên sau khi cấy xong ruộng nhà, tôi cùng một vài chị em trong xóm đến các xã lân cận để cấy thuê. Tuy công việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cũng giúp tôi kiếm được khoản tiền chi tiêu trong gia đình”.

Những năm gần đây, thợ cấy thuê ngày càng ít đi do hầu hết lao động trẻ đi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động… Vì vậy, tìm thuê thợ cấy thời điểm chính vụ cũng rất khó khăn. Công việc cấy thuê rất vất vả vì cả ngày thợ cấy phải cúi lưng, ngâm tay chân trong bùn, nhưng bù lại tiền công khá cao. “Trung bình một ngày chúng tôi được trả từ 300.000 - 350.000 đồng. Với nhiều người, đây không phải là số tiền lớn, nhưng với nông dân như chúng tôi, vất vả, nhưng là dịp để tăng thêm thu nhập, trang trải chi tiêu cho gia đình, mua cho con bộ quần áo mới”, chị Tình nói.

Theo chị Tình, cấy đêm, mát trời, nhưng việc phải đeo đèn pin lên người tạo nguồn sáng giữa đồng lại thu hút côn trùng, trong đó có muỗi; thợ cấy phải vừa cấy vừa đuổi muỗi. Do trời tối nên người cấy giỏi cũng chỉ đạt năng suất bằng một nửa so với ban ngày và lúa cấy khó thẳng hàng.

Công việc vất vả, nhưng anh Nhật cùng các nông dân khác trong xã Tam Hưng vẫn đùa nhau rằng, cái thời “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” của ông bà ngày xưa nay đã trở lại. Nhưng nay bà con không cấy mò dưới ánh trăng mà có đèn pin hỗ trợ, đỡ tối và chủ động hơn nhiều. Vất vả, trán ướt những giọt mồ hôi đêm, nhưng anh Nhật, chị Tình, bà Lan… vẫn không thiếu những nụ cười ánh lên niềm vui lao động.

Theo chị Tình, cấy đêm, mát trời, nhưng việc phải đeo đèn pin lên người tạo nguồn sáng giữa đồng lại thu hút côn trùng, trong đó có muỗi; thợ cấy phải vừa cấy vừa đuổi muỗi. Do trời tối nên người cấy giỏi cũng chỉ đạt năng suất bằng một nửa so với ban ngày và lúa cấy khó thẳng hàng.

 
MỚI - NÓNG