Nông dân khởi kiện Bộ Y tế về vụ melamine: Khó

Nông dân khởi kiện Bộ Y tế về vụ melamine: Khó
TP - PV Tiền Phong trao đổi với luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh việc nông dân tỉnh Vĩnh Phúc khởi kiện Bộ Y tế ra tòa với lý do quan chức của bộ này phát ngôn với báo chí sữa của một Cty nhiễm melamine, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Nông dân khởi kiện Bộ Y tế về vụ melamine: Khó ảnh 1
Bộ trưởng Y tế đã có lời chia sẻ song nông dân nuôi bò vẫn đề nghị bồi thường  Ảnh: Lê Nguyễn Minh

Thưa luật sư, ông Nguyễn Như Tám, nông dân ở tỉnh Vĩnh Phúc khởi kiện Bộ Y tế ra tòa để đòi bồi thường, với lý do quan chức của bộ này phát ngôn với báo chí sữa của một công ty có nhiễm melamine, gây thiệt hại cho người chăn nuôi bò sữa, trong đó có ông Tám. Đơn khởi kiện của ông Tám có căn cứ pháp luật?

Chúng ta mới chỉ được tham khảo đơn khiếu nại của ông Tám, chưa được biết kèm theo đơn có những tài liệu, chứng cứ gì. Vì vậy tôi không thể phát biểu cụ thể.

Nếu chứng minh được thiệt hại, và nguyên nhân của thiệt hại, ông Tám có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu được bồi thường. Ai là bị đơn, ai là người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể mới xác định chính xác được.

Luật sư có thể dẫn các bộ luật nào để làm căn cứ cho ông Tám?

Nông dân khởi kiện Bộ Y tế về vụ melamine: Khó ảnh 2
Luật sư Hà Đăng

Nếu ông Tám coi Bộ Y tế là bị đơn, ông Tám cần căn cứ vào Bộ luật Dân sự (Điều 619 quy định “Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra”), rồi Luật Báo chí (Điều 28) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (Điều 17, quy định “Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”).

Khi Luật bồi thường nhà nước chưa có hiệu lực, những vụ việc kiểu này thuộc loại kiện dân sự đòi bồi thường ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, việc ông Tám coi Bộ Y tế là bị đơn có thể chưa chính xác.

Vậy ai mới là bị đơn trong vụ kiện này?

Vấn đề này phụ thuộc vào hợp đồng mua bán giữa bà con nông dân với Cty thu mua sữa, cũng như quá trình thương lượng giải quyết giữa hai bên. Trong tay ta chưa có bản hợp đồng ấy để tham khảo, nên rất khó xác định tư cách những người tham gia tố tụng vụ kiện.

Nếu tư vấn cho nông dân trước khi họ ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các nhà chế biến, luật sư sẽ khuyên họ cần chú ý điều gì để hạn chế thiệt hại một khi xảy ra rủi ro?

Khó có thể trả lời cụ thể. Trước hết, tôi đồng ý với cách đặt vấn đề rằng việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân với nhà chế biến cần được ràng buộc bằng hợp đồng. Bản hợp đồng phải lường trước những trường hợp rủi ro, với những điều khoản đóng và những điều khoản mở.

Điều khoản đóng quy định những quyền và nghĩa vụ các bên buộc phải thực hiện, còn điều khoản mở nói về những rủi ro hai bên có thể thương lượng, hợp tác để vượt qua.

Nếu một trong hai bên đơn phương phá vỡ hợp đồng không đúng quy định trong hợp đồng, sẽ phải bồi thường thiệt hại cho phía bên kia. Đây là điều kiện cần để nông dân hạn chế được thiệt hại.

Cám ơn luật sư!

  "Việc công chức phát ngôn trên thông tin đại chúng không chính xác gây thiệt hại cho tổ chức, công dân, cơ quan của công chức đó phải có trách nhiệm bồi thường, pháp luật đã có quy định. Nếu giữa Cty thu mua sữa và ông Tám thiếu hợp đồng chặt chẽ, theo tôi việc khởi kiện Bộ Y tế ông Tám nên nhường quyền cho Cty sữa. Còn ông Tám sẽ tham gia vụ kiện với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan."

Đinh Anh Tuấn
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.