Nông dân đang bị đối xử không công bằng

Nông dân được cho là đang chịu thiệt thòi
Nông dân được cho là đang chịu thiệt thòi
TP - “Tại sao doanh nghiệp được thuê đất 50 năm, được hỗ trợ hạ tầng, trong khi nông dân chỉ được giao, thuê 20 năm. Chúng ta đang đối xử không công bằng với người nông dân” - TS Vũ Trọng Bình (ảnh) trao đổi với PV Tiền Phong về chính sách đất đai hiện nay.

> Cách mạng trong sản xuất nông nghiệp

Nông dân được cho là đang chịu thiệt thòi
Nông dân được cho là đang chịu thiệt thòi.

Nông dân lép vế

Là một nhà nghiên cứu chính sách, ong suy nghĩ gì về thực trạng sử dụng đất của nông dân hiện nay?

Quan điểm của Đảng, nhà nước ta là đất đai ưu tiên cho nông dân. Nhưng hiện nay, trong quá trình cạnh tranh để sử dụng đất đai, pháp luật lại chưa thực sự ưu tiên nông dân. Vị thế của nông dân, nông nghiệp bị lép vế, không bình đẳng trong quá trình cạnh tranh để sử dụng nguồn lợi đất đai.

Ông có thể nói cụ thể hơn về sự “không bình đẳng” này?

Nếu so sánh nông dân với một doanh nghiệp tư nhân trong việc sử dụng đất đai thì doanh nghiệp tư nhân được đối xử tốt hơn nhiều. Doanh nghiệp được trải thảm đỏ, được thuê đất dài hơn, hỗ trợ hạ tầng khu công nghiệp. Khi nhà nước thu hồi phải đàm phán mua lại của doanh nghiệp.

Trong khi, nông dân phải tự đầu tư khu sản xuất, có trường hợp bị thu hồi mà không được đền bù. Rõ ràng, nông dân đang bị phân biệt đối xử trong chính sách, trong khi đáng ra họ là tầng lớp yếu thế phải được giúp đỡ. Đó mới là một nền nông nghiệp có tính nhân văn.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò chủ thể của người lao động phải được ưu tiên và đề cao, ít nhất phải được đối xử bình đẳng trong sử dụng đất. Ngay việc cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ hơn nông dân đã là vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Điều này cũng đi ngược với Nghị quyết “tam nông”.

Như vậy là giữa tư tưởng, nghị quyết của Đảng và xây dựng chính sách pháp luật chưa kịp, có sự không đồng bộ?

Chúng ta thấy có độ lệch giữa tư tưởng, nghị quyết của Đảng với các chính sách cụ thể. Hay cụ thể hơn là chính sách pháp luật chậm đổi mới, chậm cụ thể hóa, đi sau quá xa tư tưởng của Đảng.

Phải chăng Luật Đất đai hiện né tránh vấn đề sở hữu nên gây rối rắm trong áp dụng?

Chúng ta không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Khi soạn thảo luật chúng ta tìm mọi cách tránh né “sở hữu” nên phải dùng những ngôn từ khác để diễn giải. Hiện nay, một ông chủ tịch huyện là có quyền ra quyết định thu hồi đất thì ai dám đầu tư vào nông nghiệp, nói đến nông nghiệp là đất đai mà đất đai có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào thì làm gì có an toàn trong đầu tư, chả ai bỏ vốn làm ăn lâu dài cả.

TS Vũ Trọng Bình
TS Vũ Trọng Bình.

Không nên chia lại ruộng đất

Theo luật hiện hành, đến năm 2013 thời hạn giao đất nông nghiệp đã hết. Quan điểm của ông ra sao về việc chia lại ruộng đất?

Muốn ổn định quốc gia, xã hội cũng như nông nghiệp thì chia lại ruộng đất là điều không nên thực hiện, và cũng không thể thực hiện. Người dân hình dung có một cuộc chia lại ruộng đất nữa thì chả có ai dám đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy, đất đai phải ổn định, được thừa kế từ đời này sang đời khác để hôm nay người ta đầu tư cho mai sau, đầu tư cho phát triển bền vững.

Tại sao một doanh nghiệp xây dựng dự án có thể lấy hàng trăm héc ta đất, không bị hạn chế về hạn điền, trong khi hộ nông dân lại bị hạn chế trong quá trình sử dụng đất. Thực tế, quan điểm về hạn điền không phải để hạn chế về sở hữu, mà hạn điền là để tính thuế đất, vượt khỏi diện tích trực canh thì nông dân phải trả tiền thuế, đó là bình thường. Nhưng trong quá trình thực hiện, hạn điền lại trở thành rào cản với nông dân.

Tuy nhiên, khi nông dân sở hữu nhiều đất đai thì phải bị giám sát bởi Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp... Sản xuất càng lớn, càng phát triển thì quản lý của các trang trại về chất lượng sản phẩm, dịch bệnh, tài chính… càng phải tốt hơn, minh bạch hơn, và đây là điều kiện sản xuất để Nhà nước giám sát. Điều này sẽ tạo ra một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, ít rủi ro hơn.

Từ chính sách đến thực thi cũng có vấn đề. Chính sách pháp luật có nơi bị bóp méo bởi cán bộ địa phương?

Thực tế, việc thực thi chính sách ở ta có nhiều chỗ không nghiêm. Một là do bản thân chính sách không rõ ràng, có thể vận dụng khác nhau. Hai là việc kiểm tra quy trình thực hiện chính sách. Tôi đề xuất, đưa quy trình thực hiện chính sách vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên. Một ông Chủ tịch huyện nếu ký sai bao nhiêu văn bản sai quy định pháp luật, loại văn bản nào, thì lập tức phải từ chức.

Hay đánh giá một cá nhân Bí thư huyện ủy, thậm chí chủ tịch tỉnh, nếu ra một nghị quyết trái pháp luật, ký sai, phát biểu sai một chủ trương thì đấy là tiêu chí để xem anh có tồn tại ngồi ở vị trí đó hay không. Lãnh đạo ký một văn bản ngược với chính sách, pháp luật thì bị xử lý hình thức nào. Bộ tiêu chí về việc thực hiện chính sách tại địa phương là cơ sở để đánh giá cán bộ.

Cám ơn ông.

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG