Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau các đợt mưa lụt, nước ở các cánh đồng dâng lên khiến chuột đồng phải tìm đến các bờ ruộng, cồn cao để đào hang trú ngụ. Đây cũng chính là thời điểm để những tay săn chuột “hành nghề”. Nghề săn bắt và buôn bán chuột đang giúp người dân huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) có thêm nguồn thu nhập tốt.

Những ngày này, tại cơ sở thu mua chuột của anh Trần Văn Thành (xóm Yên Đình, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) luôn tất bật người đến để nhập chuột. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Thành nhập từ 5-7 tạ chuột, ngày cao điểm hơn 1 tấn chuột rồi đem đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

“Chuột to có giá 70.000/kg. Chuột vừa có giá 50.000/kg. Sau khi thu mua sẽ chuột sẽ được đưa đi phân phối ở các tỉnh phía Bắc ngay trong ngày. Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu, cơ sở cũng làm thịt ngay tại chỗ để bán. Chuột thành phẩm có giá 120.000/kg”, anh Thành chia sẻ.

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 1

Nghề săn chuột đã có từ lâu đời ở huyện lúa Yên Thành, Nghệ An

Hơn 7 năm làm nghề thu mua chuột, anh Thành cho biết, vào khoảng tháng 6-12 (âm lịch) hàng năm, hoạt động săn bắt chuột diễn ra rất nhộn nhịp. Công việc này bây giờ được xem như là một nghề chính vừa giúp người dân kiếm tiền khá mà còn góp phần bảo vệ mùa màng.

“Trên địa bàn xã hiện có 3 cơ sở thu mua chuột, trung bình mỗi cơ sở nhập trung bình từ 5 tạ đến 1 tấn chuột/ngày. Từ việc sử dụng chuột làm thức ăn, mồi nhậu, giờ đây săn chuột đang trở thành nghề kiếm thêm thu nhập của không ít người dân”, anh cho hay.

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 2

Hiện nay, chuột to có giá 70.000/kg, chuột vừa có giá 50.000/kg

Sau một đêm đi săn chuột trở về, ông Trần Văn Tám (trú xóm Quyết Thắng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành) đến cơ sở thu mua nhập hơn 60kg chuột. “Tôi cùng 2 người nữa đi săn chuột ở huyện Hưng Nguyên từ 7 giờ tối hôm qua đến 6 giờ sáng nay. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi bắt được từ 50-70kg chuột. Trừ chi phí cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng/người”, ông Tám chia sẻ.

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 3

Sau khi cân, chuột sẽ được phân loại vào các lồng sắt để đưa đi tiêu thụ

Để bắt chuột, theo kinh nghiệm trong nghề là phải chọn được vùng cù lao giữa chiêm trũng để lần theo “dấu vết, con đường” mà chuột đồng thường làm tổ. Dụng cụ bắt chuột cũng rất đơn giản gồm: cuốc, xô múc nước và một chiếc bao để đựng chuột. Thông thường có rất nhiều cách để bắt chuột đồng hiệu quả, như đi dọc các bờ ruộng tìm hang, phát hiện được là đào lên đổ nước vào hoặc dùng rơm đốt hun khói vào hang.

Cũng đến để nhập chuột, anh Nguyễn Văn Quân (trú xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) cho biết, sau vụ mùa hoặc sau những đợt mưa lụt, anh lại ra các cánh đồng để săn chuột. Trung bình một ngày bỏ ra 2 giờ đồng hồ sẽ bắt được 3 - 5 kg chuột là chuyện bình thường.

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 4

Anh Trần Văn Thành, chủ cơ sở thu mua chuột ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành

“Chuột đồng có thể săn bắt được quanh năm nhưng để chất lượng hơn thì phải từ tháng 10 âm lịch trở đi cho đến áp Tết, chuột đồng mới lên hương được. Bởi mùa này, chuột thường ở lỗ, nằm hang ít đi lại nên con nào cũng to, săn chắc. Người đi săn phải đi chân đất, nếu nghe tiếng động nó sẽ chạy ngay”, anh Quân nói.

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 5

Những con chuột to béo

Sau các đợt mưa lụt, nước ở các cánh đồng dâng lên khiến chuột đồng phải tìm đến các bờ ruộng, cồn cao để đào hang trú ngụ. Đây là thời điểm thích hợp để các thợ săn chuột hành nghề. Chuột sau khi bắt về sẽ được thui rơm vàng, rồi bắt đầu tiến hành lột da, cắt bỏ phần đầu, đuôi, chân. Tùy vào sở thích mỗi người mà thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột xào sả ớt cuốn với lá cải cay, chuột nấu giả cầy, chuột nướng, chuột rim xúc bánh đa…

Nông dân 'bỏ túi' tiền triệu nhờ săn loài gặm nhấm này ảnh 6

Dùng xe tải chở chuột đi tiêu thụ

Ông Hà Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đức Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Nghề săn bắt chuột đồng đã có từ lâu. Trước đây bà con đi đánh bắt bằng các công cụ thô sơ rồi về bán tại địa phương. Hiện nay, người dân đã mở rộng vùng đánh bắt, sử dụng các loại bẫy, lồng hiện đại hơn. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có thu nhập khấm khá, phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho hay: “Toàn huyện có trên 12.000 ha lúa. Hàng năm, chuột phá hoại mùa màng khá nhiều. Do vậy, việc bà con bắt chuột đồng ngoài tăng thêm nguồn thu nhập, còn giúp bảo vệ cây trồng”.

MỚI - NÓNG