> Vô tư nhập lậu nhân bánh trung thu
> Bắt giữ xe tải chở hàng lậu
Tuy nhiên, tình hình khó có thể kiểm soát được, nếu như không có sự quyết liệt đồng bộ của các ban, ngành chức năng.
"Cửu vạn" vác hàng vượt biên Ảnh: Duy Chiến. |
Kỳ I: Căng mình chống buôn lậu vùng biên
Trưa 27-12, tôi ngược đồi đi theo con đường mòn 386 từ chân đường quốc lộ 4A dẫn đến biên giới Việt- Trung. Trước mặt là điểm chốt chặn bằng bạt dã chiến (được gọi là lều chống lậu), dựng từ ngày 25-12, có bóng dáng hai chiến sĩ Hải quan, Biên phòng đang làm nhiệm vụ ngăn buôn lậu, nom khá thảnh thơi. Nhanh chân bước đến khu vực cột mốc 1103, cách lều chống lậu chừng gần trăm mét, cảnh tượng khác hẳn.
Dân buôn lậu từng đoàn người ngược xuôi, trong đó có cả những người vác hàng lọt qua biên giới, họ nối đuôi nhau, cõng hàng đi theo các lối mòn nhẵn thín bước chân người, tìm cách xâm nhập vào khu vực Cốc Nam như: Thác Giữa, đường mòn không tên, khe Đầu Lâu.
Sôi động đường mòn, lối tắt
Nhóm buôn lậu nhìn thấy người lạ bước đầu chột dạ. Khi tôi giơ máy ảnh chụp hình thì họ quát tháo cửu vạn quay ngược trở lại biên giới. Một người có vẻ là Cai cửu nhìn tôi gườm gườm. May lúc đó xuất hiện một người mặc sắc phục lực lượng Hải quan, anh Nguyễn Hữu Trí, Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam. Anh Trí tiến sát gần tôi nói nhỏ: "Nhà báo thâm nhập thực tế bất ngờ quá. Tôi đi nắm tình hình biên giới, thời gian áp tết, phức tạp lắm". Trí là người dạn dày kinh nghiệm, thông thạo tiếng bản địa, khá giỏi võ.
Đám cửu vạn bu lại, hàng hóa chất đống sát biên giới. Có thể, sự có mặt của tôi là tắt đường làm ăn của họ. Dòng người đi bộ, lưng đeo tấm xốp, dây thừng bước qua lối mở, lối tắt khá đông. Tôi được anh Trí cho biết, phần lớn họ là cư dân biên giới đi thăm thân, làm cửu vạn bằng giấy thông hành. Nhưng cũng không phải ít người vượt biên trái phép.
Anh Trí phát hiện một thanh niên đội mũ đỏ nom khác người bản địa liền gọi lại, kiểm tra tư trang. Nguyễn Văn T., 24 tuổi, trú quán ở Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: "Muốn sang Trung Quốc mua một chiếc điện thoại di động để diện tết". Một chiến sĩ Biên phòng xuất hiện, yêu cầu T. quay lại.
Gian nan cuộc chiến
Đại úy Lều Văn Tiến, Trạm trưởng Biên phòng Cốc Nam cho biết: Từ ngày 23-12, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới đã dựng các điểm chốt chặn ở những vị trí xung yếu dọc tuyến biên giới. Có thể nói, khu vực Hang Dơi, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn đã kiểm soát được tình hình, không có một bóng người qua lại. Vài ngày nay, lượng người dồn ứ, bung ra ở khu vực đường mòn Thác Giữa, khe Đầu Lâu, cùng hàng chục đường mòn, đường xương cá.
Biên phòng cắt cử người ngăn chặn song không xuể, vì lực lượng mỏng, phải làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh ở khu vực cửa khẩu, tham gia lực lượng chốt chặn ở 8 lều chống lậu. Cái khó nữa là, hàng chục nhà dân nằm sát biên giới ở bản Khưa Đa, Cốc Nam, hằng ngày lên đồi thăm vườn, thu lệ phí qua nương bãi. Trong số này, không ít người già, trẻ em tranh thủ vù qua biên giới cõng hàng.
Hàng lậu tịch thu đêm 27-12 Ảnh: Duy Chiến. |
Một cụ già tầm 83 tuổi, chống gậy, ngược đồi Thác Giữa, hổn hển nói với tôi: "Nhà bà ngay chân đồi này, tranh thủ đi kiếm cái nải, kiếm cái tết thôi. Năm nay hạn hán lắm, lúa không ra hạt, cái đói cận kề rồi". Cửu vạn Hoàng, 17 tuổi, quê ở Thụy Hùng, Văn Lãng, Lạng Sơn hồn nhiên nói: "Quê cháu ruộng ít, khô cằn, đi vác hàng, mỗi vác kiếm bảy chục ngàn. Còn bà già này, sức khỏe yếu, chủ hàng không tin tưởng giao hàng đắt tiền, vác hàng tạp hóa, giấy vệ sinh, được ít tiền lẻ".
Theo nhẩm tính của phóng viên, trên địa bàn Cốc Nam có tới trên 500 người tham gia vác hàng thuê, trong số này, một nửa là các tỉnh miền xuôi làm cửu vạn, đăng ký tạm trú tại địa bàn mấy năm nay.
Đại úy Tiến chỉ về những cung đường biên giới, nói: Anh em rất quyết tâm chốt chặn, nhưng sẽ khó trụ lâu dài. Phía bên kia, sau những tảng đá, hốc cây đều trở thành nơi cất giữ hàng lậu, những người dân vác hàng thuê dõi theo từng bước đi của lực lượng chức năng. Hàng lậu bị ngăn lại ngay đường biên, chủ hàng xé lẻ hàng hoá thành từng bọc nhỏ, đủ một người mang vác cơ động. Cai cửu là những thành phần bất hảo, giao khoán hàng cho người mang vác, họ chống đối quyết liệt mỗi khi gặp lực lượng chống buôn lậu.
Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam cho biết: Vào đêm khuya 27-12, lực lượng Công an, Hải quan phối hợp phục kích, đón lõng hàng lậu tại đường mòn 386, thấy động, đám đông chừng năm chục người phá hàng rào truy cản, cắn xé người thi hành công vụ, cướp lại hàng. Nhận được hỗ trợ kịp thời của Hải quan Hữu Nghị, Đội thanh niên xung kích Cục Hải quan Lạng Sơn, kết quả đã thu được 18 kiện hàng lớn, trong đó có linh kiện máy tính, dụng cụ y tế, chăn màn...
Xóa bỏ tổng kho, tụ điểm
Ngày 21-12, tỉnh Lạng Sơn họp bàn công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại dịp tết nguyên đán Nhâm Thìn. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trên các tuyến ở biên giới, nội địa, cương quyết không để nhen nhóm đường dây, tụ điểm buôn lậu lớn.
Cuộc chiến bước vào tháng củ mật với những cam go, phức tạp. Nếu không có sự đồng bộ, quyết tâm cao của các ngành chức năng ở địa phương thì câu chuyện thả gà mà đuổi vẫn là bài toán khó giải ở Lạng Sơn.
Kỳ 2: Nóng pháo nổ, đao kiếm nhập lậu
Ngày 29-12, Phòng Cảnh sát Kinh tế bắt quả tang Nguyễn Văn Quyền (SN 1984, quê Bắc Giang) đang chở 400 bao thuốc lá nhãn hiệu 555 nhập lậu. Khám xét khẩn cấp nơi ở của chủ hàng là Lưu Thành Trung và Lưu Quang Lâm ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, công an thu thêm 1.568 bao thuốc lá lậu các loại… Các đối tượng khai đã tiêu thụ gần 38.000 bao thuốc ngoại nhập lậu trong 2 tháng cận Tết. Đến tối 29-12, tại đầu đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Đội CSGT số 4 kiểm tra xe tải 37N-1032 đi từ Hà Nam về Hà Nội, phát hiện 120 chai rượu Ballatines và 24 chai rượu Chivas loại 4,5 lít/chai được giấu trong các bao tải đựng thóc. Tài xế Trần Văn Quyết (SN 1985, ở Phú Thọ) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô rượu. Trong quá trình tổ công tác lập biên bản, phụ xe tải là Đậu Đình Trung (SN 1973, ở Nghệ An) đã hối lộ tổ công tác 2 triệu đồng để xin tha. |