Nóng bỏng “cuộc chiến” bảo vệ rừng Tây Nguyên

Ghi nhận hiện trường vụ phá rừng Nam Ban, Lâm Hà
Ghi nhận hiện trường vụ phá rừng Nam Ban, Lâm Hà
TP - Bộ NN&PTNT nhận định tình trạng hủy hoại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép thu lợi bất chính xảy ra nghiêm trọng, khiến diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp.  

Ông Cao Chí Công-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của 3/5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông) tiếp tục giảm so với năm trước. Vẫn còn những điểm nóng phá rừng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép diễn ra thường xuyên với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Vô tư hủy hoại rừng thông

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã trực tiếp đến hiện trường một số vụ khoan lỗ trên thân cây thông rồi đổ thuốc diệt cỏ vào để cây chết dần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. “Rõ ràng đây là những vụ hủy hoại rừng thông gây hậu quả nặng nề; không chỉ gây mất rừng mà những cây đã bị bơm hóa chất vào thì gỗ cũng không sử dụng được nữa!”, ông Tuấn nói.

Khi đến hiện trường vụ đầu độc gần 11ha rừng thông tại tiểu khu 292 (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà), Thứ trưởng Hà Công Tuấn tỏ ra sững sờ. Ông chỉ đạo “phải điều tra xử lý nghiêm. Việc điều tra tuy không dễ nhưng chúng ta có cả hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tố tụng, thực thi pháp luật… Chúng ta đã điều tra được những hành vi buôn bán quốc tế về ma túy thì không có lý do gì không điều tra được những vụ án thế này. Vấn đề là phải quyết tâm cao”. Ông Tuấn cho rằng, phải nâng cao vai trò chủ rừng, vận động người dân cùng chính quyền địa phương phát hiện sớm, ngăn chặn từ đầu để đỡ thiệt hại, không để xảy ra những vụ hủy hoại rừng lớn như thế.   

Cơ quan chức năng ở Tây Nguyên cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can và vừa bắt được 2 nghi can vụ hủy hoại gần 11ha rừng nói trên. Khi khám nhà của một đối tượng đã phát hiện loại thuốc diệt cỏ trùng khớp với loại thuốc dùng để đầu độc rừng thông.

Ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho hay, rừng bị xâm hại là nguy cơ thường trực. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng đầu độc, hủy hoại rừng thông để lấy đất sản xuất và cạo vỏ thông để làm giá thể trồng hoa. Địa phương vừa bắt giữ 20 tấn vỏ thông được bán ra ngoài tỉnh. Nhìn những cây thông bị cạo trắng lớp vỏ ngoài, trông như “trên có áo, dưới không quần” mà không khỏi xót xa. Hiện vẫn chưa biết những cây này có thể sống được hay không. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay Gia Lai đã khởi tố hình sự 24 vụ vi phạm lâm luật, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Hệ lụy của việc chuyển mục đích sử dụng rừng tràn lan

Thời gian qua, các tỉnh ở Tây Nguyên đã phê duyệt hàng trăm dự án phát triển kinh tế - xã hội sử dụng đất lâm nghiệp. Do triển khai thiếu bài bản, kiểm soát không chặt chẽ nên rất nhiều dự án nhận rừng để phát triển kinh tế-xã hội trở thành các điểm nóng về phá rừng, tranh chấp đất đai, đến bây giờ vẫn phải tiếp tục xử lý. “Đến nay hàng chục ngàn hécta rừng mà trước đây các địa phương cho chuyển mục đích để trồng cao su không thể khôi phục được rừng và cũng không thể trồng cao su hiệu quả. Đây vẫn là bài toán phải xử lý lâu dài và cũng là những hệ lụy để chúng ta rút ra những bài học xót xa”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, đã có lúc Thủ tướng Chính phủ phải tuyên bố tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ở các dự án để rà soát chấn chỉnh nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm, nhất là đối với rừng tự nhiên. Các ban ngành chức năng đã thu hồi hàng trăm dự án.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết trên cơ sở rà soát hơn 300 dự án loại này, tỉnh đã thu hồi gần 200 dự án để mất rừng, dây dưa không triển khai theo tiến độ được phê duyệt, sang nhượng trái phép…, trong đó 20 dự án bị thu hồi một phần.

“Cần phải phòng ngừa tình trạng làm bậy để trục lợi từ các dự án nhưng không phải vì thế mà cấm toàn bộ việc giao đất giao rừng. Với 1,4 triệu ha rừng sản xuất hiện có ở Tây Nguyên, nên giao quyền quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế…, tuy nhiên phải có phương án sử dụng rõ ràng. Các ban ngành liên quan phải giám sát chặt chẽ, thường xuyên”, ông Tuấn chỉ đạo tại hội nghị về bảo vệ rừng diễn ra mới đây tại Lâm Đồng.

Ðổ máu giữ rừng

Ông Y Giang Gri Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk bày tỏ nỗi lo lắng về dân số tăng cao (đặc biệt là tình trạng di cư tự do ồ ạt, lấn chiếm đất rừng để làm nhà, lập vườn) trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng (1 kiểm lâm phụ trách 1.000ha rừng). Mặt khác đa số diện tích rừng tự nhiên hiện có là rừng nghèo kiệt (cây rừng thưa thớt, chất lượng thấp) nên nguy cơ cây rừng bị các đối tượng chặt phá, biến thành rẫy là rất cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cũng cho rằng, việc rà soát các dự án di dân tự do, đưa người dân về quê cũ là rất nan giải; có nơi cả trăm hộ cùng lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Những năm gần đây đã có 2 kiểm lâm thiệt mạng khi đấu tranh với lâm tặc và các hộ lấn chiếm đất rừng trái phép. Tình trạng hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng xảy ra phổ biến.

Theo đại tá Nguyễn Văn Lư (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Nông), nhiều đối tượng phá rừng rất liều lĩnh, hung hãn. Đã có 2 vụ các đối tượng dùng cưa, dao chém bị thương cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ biên giới. Có vụ chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, các đối tượng đã chặt phá, lấn chiếm mấy sào đất rừng.     

Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đang triển khai thực hiện đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Nhiệm vụ trọng tâm của đề án là bảo vệ hơn 2,246 triệu ha rừng tự nhiên. Tổng số vốn thực hiện đề án là 28.554 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG